Có lẽ ít ai nghĩ TTCK Việt Nam sau hơn 20 năm đã phát triển nhanh và ghi nhận nhiều bước tiến, thành tựu như hiện nay. Các CTCK, NĐT, kể cả các bộ ban ngành có liên quan chưa từng nghĩ thanh khoản của TTCK tăng nhanh với mức độ ngày càng lớn như hiện nay.
Giá trị giao dịch trung bình phiên trên sàn HOSE trong năm 2019 chỉ khoảng 4.500 tỷ đồng/phiên, con số cuối năm 2020 đã tăng gần 3 lần, thậm chí vượt hơn nhiều khi quý I-2021 sắp kết thúc.
Trong tình hình đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trên quy mô toàn thế giới, tác động lên nền kinh tế, bất chấp sự bán ròng liên tiếp của khối ngoại trong 2020 và 2 tháng đầu năm 2021, TTCK Việt Nam trở thành kênh đầu tư thu hút dòng tiền từ NĐT cá nhân.
Làn sóng NĐT F0 dồn dập tham gia thị trường đã khiến TTCK quay trở lại vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm, mốc điểm năm 2007 và 2018 đã từng chinh phục.
Nhưng điều đáng mừng nhưng lo không phải điểm số của chỉ số VN Index đạt được, mà đó là hiện tượng nghẽn lệnh liên tục xảy ra trên HOSE kể từ tháng 1-2020. Các CTCK, NĐT cũng khá bất ngờ và không hiểu chuyện gì đang xảy ra, khi tình trạng nghẽn lệnh lại đến từ hệ thống giao dịch tại HOSE.
Hiện tượng nghẽn lệnh cũng khiến cả lãnh đạo HOSE cũng như các CTCK bất ngờ nhất, bởi diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Sự quá tải của hệ thống và những giải pháp đề xuất, như việc điều chỉnh lô CK giao dịch tối thiểu từ 10 CP lên 100 CP, và mới đây là đề xuất từ 100 lên 1.000 CP, đang được nhiều CTCK, NĐT tổ chức và đặc biệt là NĐT cá nhân quan tâm.
Tuy nhiên, đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 lên 1.000 CP, chúng ta cũng chỉ nên coi đó là giải pháp tình huống đặc biệt cấp bách, và nếu có chỉ nên áp dụng trong thời gian rất ngắn, bởi đây không nên được coi là giải pháp bền vững với tầm nhìn dài hạn.
Ưu điểm chúng ta đều thấy rõ là nếu áp dụng việc nâng lô giao dịch lên 1.000 CP có thể giảm tải cho hệ thống đặt lệnh 40-50%, dường như hạn chế được ngay hiện tượng nghẽn lệnh vào các phiên chiều giao dịch trên sàn HOSE.
Tuy nhiên, nhược điểm thấy rõ và ảnh hưởng lớn đến NĐT, nhất là với là NĐT cá nhân, nó hạn chế giao dịch của NĐT nhỏ lẻ. Đặc biệt, những NĐT “NAV bé” chắc chắn sẽ không thể tham gia hoặc chỉ tham gia mua hạn chế, gây bức xúc cho một số bộ phận NĐT trong bối cảnh TTCK bước vào giai đoạn “Uptrend”.
Cho dù hệ thống giao dịch trên sàn HOSE có thể chịu tải tối đa được 900.000 lệnh/phiên và phân bổ theo tỷ lệ với các CTCK thành viên, nhưng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các CTCK có số lượng khách hàng cá nhân đông đảo.
Nhìn chung đây không phải là giải pháp toàn diện, cũng như khó có thể khiến TTCK là kênh đầu tư của đại chúng, nếu chỉ điều chỉnh lô giao dịch tối thiểu trên HOSE. Chắc chắn, một hệ thống giao dịch mới ổn định, hiện đại hơn, chịu tải được hàng triệu, chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu lệnh mới là giải pháp phù hợp với một nước đang phát triển như Việt Nam.
Chúng ta cũng đã có những minh chứng của nhiều TTCK phát triển như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… nghẽn lệnh ít khi xẩy ra và được hiện đại hóa, nâng cấp liên tục.
TTCK sẽ tiếp tục còn phát triển về lượng cũng như về chất. Số lượng doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục còn gia tăng, không chỉ hạn chế ở ngưỡng 1.700-1.800 doanh nghiệp trên 3 sàn HOSE, HNX và Upcom như hiện nay.
Nhất là TTCK phái sinh sẽ còn phát triển và nhiều sản phẩm như quyền chọn, bán khống, giao dịch trong ngày ra đời để đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhu cầu của NĐT.
Hệ thống giao dịch, nâng cấp hệ thống công nghệ hạ tầng là điều tối cần thiết và luôn phải có giải pháp toàn diện cải thiện liên tục, hướng tới TTCK 4.0, internet vạn vật, giao dịch online được thúc đẩy, NĐT cá nhân dù ở bất kỳ khu vực, vùng miền nào trong nước hay trên thế giới có thể giao dịch CP được.
Đây chính là mục tiêu cốt lõi đối với TTCK non trẻ nhưng đang sải những bước dài để hướng tới sự nâng hạng thị trường mới nổi trong tương lai.