Sau 7 năm bám trụ nơi chiến trường ác liệt thành cổ Quảng Trị, người chiến sĩ bộ đội đặc công Chế Minh Chương (ảnh) phục viên. Từ đây, cuộc đời anh bước sang trang mới, tuy gặt hái thành công trong kinh doanh sau khi gieo khát vọng làm giàu trên “cánh đồng thương trường” nhưng anh cũng trải qua quãng đường đầy ắp truân chuyên, khốn khó.
Đam mê và nghị lực
Quê anh ở xã Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An - vùng quê lam lũ ít nơi nào bằng. Phần đông dân vùng này đều chung cảnh lam lũ quanh năm bên những cánh đồng nhỏ trồng thuốc lào, ngô, làm muối…
Về quanh quẩn “ao làng”, anh Chương nặng trĩu âu lo: Thân mang nghiệp lính, làm gì để sinh nhai? Vốn liếng không có, gia đình lại khó khăn. Anh ra sức “cày” bằng đủ thứ nghề: cào ngao ngoài bãi cát, trồng lạc, làm muối, chăn nuôi… nhưng cuộc sống vẫn hẩm hiu. Sau những đêm dài trăn trở với câu hỏi luôn lởn vởn: Loanh quanh mãi với mấy thứ gọi là nghề như thế bao giờ cuộc sống mới khá hơn? Cuối cùng anh đã quyết định khăn gói lên Hà thành tìm “đất lành”, vận may.
Ban đầu khó nhọc, anh Chương mang “nghề” có sẵn đi xin việc và được nhận vào làm bảo vệ tại Tổng công ty Sản xuất và Dịch vụ vật tư kỹ thuật (tổng công ty to nhất miền Bắc lúc bấy giờ, chuyên cung cấp các hệ thống vật tư, thiết bị cho ngành công nghiệp thực phẩm).
Nhờ chất “thép người lính còn hừng hực trong huyết quản", anh đã làm việc không biết mệt mỏi với tinh thần trách nhiệm cao. Hơn 1 năm sau anh Chương được cấp trên chú ý và cho chuyển về làm công nhân bộ phận lắp ráp dây chuyền sản xuất bia tại Tổng kho Vật tư Bắc Sông Hồng. Từ đây, anh Chương bắt đầu “bén duyên” nồi hơi.
Ngày còn làm công nhân ở Tổng kho Vật tư Bắc Sông Hồng, vì làm ở bộ phận lắp ráp dây chuyền sản xuất bia nên công việc của anh Chương dính đến hệ thống nồi hơi.
“Hàng ngày tôi thường tiếp xúc với nồi hơi nhưng lại hiểu biết quá ít về nó. Mỗi khi động đến bộ phận này thì đều chấp nhận sắm vai “thiên lôi”, cấp trên chỉ đâu “đánh” đó. Bứt rứt vì làm việc với một thiết bị mà bản thân không hiểu về nó, tôi quyết dành toàn bộ thời gian nghỉ ngơi để sưu tầm, nghiên cứu tài liệu liên quan đến kỹ thuật nồi hơi” - anh Chương sôi nổi kể lại.
Nhờ chịu khó tự học rồi làm chủ được thiết bị, anh Chương được cử đi học tại Trường Công nhân kỹ thuật Cơ khí Vạn Điểm, mở ra cơ hội lớn để anh có điều kiện tích lũy thêm kiến thức về kỹ thuật nồi hơi. Trong thời gian học, anh Chương mới phát hiện ra một vấn đề đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp của mình sau này: Ở nước ta chưa có nhiều chuyên gia thông hiểu cặn kẽ về kỹ thuật nồi hơi, các nhà máy chuyên về lĩnh vực này đếm trên đầu ngón tay.
Chính khoảng trống về chuyên gia kỹ thuật nồi hơi đã thôi thúc anh quyết tâm theo đuổi lĩnh vực này. Một lần nữa, anh Chương lại phát huy chất lính, tự “ép” mình trong khuôn thời gian để vừa đảm bảo học tập tốt, vừa tiếp xúc với trang thiết bị, dây chuyền sản xuất nồi hơi. Suốt thời gian này anh học, thực hành bằng cả niềm đam mê, tâm huyết với nghề.
Trong đầu anh lúc nào cũng nghĩ tới nồi hơi. Trong lúc ăn anh cũng nghĩ đến nồi hơi, ngủ mơ thấy nồi hơi, lúc thảnh thơi cũng “xoáy” vào nồi hơi.
Tuy có duy nhất tấm bằng trung cấp chuyên nồi hơi, nhưng bù vào anh là người rất đỗi say mê nghề, từ đó gặt hái và tích lũy nhiều kinh nghiệp thực tế có sự vững vàng nghề nghiệp bởi anh đã qua những cuộc trải nghiệm đầy gian nan, cả trong nước và nước ngoài.
Chiếc nồi hơi “bơi” ra biển lớn
Cuối năm 1991, Chế Minh Chương chuyển sang làm Phó cửa hàng trưởng phụ trách kinh doanh Cửa hàng Vật tư kỹ thuật. Không gác lại những gì mình đã theo đuổi, ngoài việc tiếp tục tìm tòi nghiên cứu, anh thường dành thời gian trao đổi với các chuyên gia, bậc đàn anh về kỹ thuật nồi hơi (cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay) để học hỏi, trau dồi kiến thức, chuẩn bị hành trang cho con đường sự nghiệp của riêng mình.
Năm 1999, sau khi khảo sát thị trường và xét thấy đủ điều kiện về năng lực, vốn, nguồn nhân lực…, anh Chương nhận định thời cơ đã đến cần phải nắm bắt và quyết định đứng ra thành lập Công ty Cơ nhiệt điện Đông Anh. Đến năm 2003, doanh nghiệp đổi thành CTCP Thiết bị áp lực Đông Anh cho đến nay.
Một xưởng sản xuất của CTCP Thiết bị áp lực Đông Anh. |
CTCP Thiết bị áp lực Đông Anh là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực thiết bị áp lực. Đông Anh chuyên thiết kế, chế tạo, cung cấp các dịch vụ sửa chữa và lắp đặt lò hơi các loại như: đốt than, đốt dầu, đốt gas, đốt củi, đốt hỗn hợp và điện. Bên cạnh đó, công ty chuyên chế tạo các loại hầm sấy (hầm sấy gỗ, kho lạnh, kết cấu thép…); khảo sát, tư vấn thiết kế, vận chuyển, thi công lắp đặt nồi hơi, bình chứa khí nén, bình phân phối hơi và thiết bị áp lực…
Tính đến nay, Đông Anh đã thực hiện trên 2.170 công trình có giá trị, trong đó có nhiều công trình đạt giá trị từ 100 triệu đồng đến trên 5 tỷ đồng; cung cấp ra thị trường trên 20.000 nồi hơi, bình chứa khí nén cùng với hàng trăm tấn sản phẩm các loại phục vụ các ngành nước, xăng dầu, khí.
Để đáp ứng kịp với nhịp độ phát triển không ngừng của công ty, tháng 8-2005, HĐQT CTCP Thiết bị áp lực Đông Anh đã họp cổ đông và ra quyết định thành lập thêm Nhà máy Chế tạo áp lực và đến tháng 12-2007 chuyển thành CTCP Áp lực nồi hơi Đông Anh, có trụ sở tại khu công nghiệp Tiên Sơn - Bắc Ninh.
“Ngay từ năm 2008, chúng tôi đã đưa 2 nhà máy chế tạo thiết bị (thuộc CTCP Áp lực nồi hơi Đông Anh) đi vào hoạt động. Ưu điểm của 2 nhà máy này là được đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại (tự động hóa đến 70%) theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó cho phép hệ thống quản lý chất lượng của toàn tổng công ty đạt tiêu chuẩn ISO 9001-2000” - anh Chương tâm sự.
CTCP Thiết bị áp lực Đông Anh bên cạnh đáp ứng thị trường trong nước còn xuất khẩu ra nước ngoài, đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan. Hiện công ty ký độc quyền với 2 tổng công ty lớn chuyên về kỹ thuật áp lực - nồi hơi ở Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan.
Làm nghề gì cũng phải đam mê
Mỗi lần về thăm quê là mỗi lần tôi không khỏi xúc động. Tôi như sống lại tuổi thơ trên mảnh đất quê hương nghèo khó. Làng biển Nghi Thu (thị xã Cửa Lò - Nghệ An) quê tôi một thuở hắt hiu nắng thét gió gào, cồn cát nắng cháy chang chang. Đêm đêm vọng tiếng hát ru bằng những vần thơ trong Truyện Kiều - Nguyễn Du của các bà, các mợ có sức lay động lạ kỳ. Điều này đã làm tôi nung nấu ý chí vượt khó, phải đổi đời mình, làm được việc gì đó cho cộng đồng, cho quê hương. | |
Anh CHẾ MINH CHƯƠNG, |
Anh Chương kể: “Có lẽ không bao giờ tôi quên một kỷ niệm để đời. Năm 1993, tôi đã lần đầu tiên mở một cuộc “đại phẫu” nồi hơi. Hồi đó có một cái nồi hơi của nước ngoài do sơ xuất một xí nghiệp đã làm hỏng.
Biết tin tôi liền mua về. Nhiều người thấy vậy bảo tôi dại hoặc không cũng “tưng tửng” vì cả kỹ sư cũng bó tay, tôi làm sao đủ khả năng phục hồi. Sau thời gian nghiền ngẫm, suy tính, cuối cùng tôi mày mò chỉnh sửa thành công, nồi hơi hoạt động ngon lành. Lúc đó nhiều người trong nghề, có cả chuyên gia đến xem”.
- Cái nồi hơi được anh đại tu ngày đó, nay ra sao rồi? - tôi thắc mắc.
- Phải nói là nó rất… kiên cường! Hiện nay vẫn hoạt động tốt.
Tâm sự với tôi, doanh nhân Chế Minh Chương cho biết điều khiến anh băn khoăn nhất hiện nay chính là vấn đề nhân lực. Anh tâm niệm, muốn thu hút nhân tài không nên cứng nhắc, phải khéo léo vận dụng theo cơ chế thị trường.
Chính vì lẽ đó công ty có cơ chế tăng lương liên tục cho cán bộ, công nhân, có người được tăng tới 4 lần/năm (bình quân lương công nhân 3 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, để tìm được một người thợ phù hợp với công việc, có lòng đam mê, gắn bó với nghề là điều không dễ. Tìm người tài và làm sao cho họ gắn bó lâu dài lại càng khó hơn…
- Xin được tò mò một chút: Đối với bà con quê hương, anh đã dành cho họ những ưu ái gì, chẳng hạn như tạo công ăn việc làm? - tôi hỏi.
- Có những bạn bè, con em người quê xứ Nghệ muốn xin vào làm việc ở CTCP Thiết bị áp lực Đông Anh tôi không từ chối. Tuy nhiên, trước khi nhận ai tôi đều không quên căn dặn: Làm gì cũng phải nhất nhất đam mê với nghề, nếu không thì đừng có vào. Nặng lòng với quê hương nên hàng năm tôi đều gửi quà tham gia đóng góp từ thiện.
Cho đến tận bây giờ, công ty “nồi hơi” của Chế Minh Chương vẫn nóng sục sôi. Mỗi khi nhắc lại quá trình lập nghiệp, lắm lúc anh buột miệng nói vui: “Để khi nào rảnh, tôi nghiền ngẫm viết thành một quyển tự sự”.