(ĐTTCO) - Năm 2015 đánh dấu 20 năm Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ. Tháng 7-2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ theo lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama. Tháng 10-2015, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ lĩnh xướng kết thúc quá trình đàm phán sau 5 năm. Việt Nam là 1 trong 12 thành viên của hiệp định bao phủ gần 40% GDP và 1/3 thương mại thế giới...
Cái bắt tay lịch sử
Ngay từ khi có thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Hoa Kỳ, dư luận trong nước và quốc tế đã dành sự quan tâm theo dõi đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Hoa Kỳ và lại đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm hai nước bình thường hóa quan hệ.
Kinh tế - thương mại là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Việt Nam rất mong muốn thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo và coi đây là lĩnh vực hợp tác rất có tiềm năng. Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tạo lập một môi trường ổn định, an toàn, bình đẳng và minh bạch cho các nhà đầu tư đến Việt Nam kinh doanh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Trích phát biểu của TBT nhân chuyến thăm Hoa Kỳ) |
Hình ảnh về “cái bắt tay lịch sử” giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ ngày 7-7-2015, ngay tại phòng Bầu Dục trong Nhà Trắng - nơi các Tổng thống Hoa Kỳ đã từng tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các nước, được đăng tải nổi bật trên trang nhất của nhiều cơ quan báo chí lớn của thế giới, cho thấy đây thực sự trở thành một sự kiện quốc tế. Cách đây 20 năm, khi hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, có lẽ không ai có thể hình dung được điều này. Điều đó vừa có tính biểu tượng, vừa nói lên quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã tiến những bước dài đầy ấn tượng: từ “cựu thù”, có hệ thống chính trị khác biệt, trở thành “bạn” và giờ đây là Đối tác toàn diện của nhau.
Cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama dự kiến chỉ trong 45 đến 60 phút, nhưng thực tế đã kéo dài tới 95 phút tại Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi một cách cởi mở, chân thành và thực chất về quan hệ song phương, kể cả những vấn đề còn khác biệt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng triển vọng của quan hệ hai nước là rất sáng sủa. Không ai có thể thay đổi được quá khứ, nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta. Còn Tổng thống Obama nói rằng, cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một cơ hội tuyệt vời để trao đổi về phát triển quan hệ Đối tác toàn diện hai nước, vốn đã được xác lập trong chuyến thăm cấp Nhà nước Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng 7-2013. Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ đạt được trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là những thỏa thuận, định hướng trong quan hệ hai nước trong 20 năm tới, trên tất cả các lĩnh vực và tiếp tục thể hiện sự tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Bùng nổ xuất khẩu, đầu tư
Mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ vốn trải qua nhiều sóng gió do lịch sử để lại. Chính vì vậy, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, rồi khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện 2013 và chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là để gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng toàn diện và thực chất trong tương lai.
Với quyết tâm đổi mới sâu sắc và hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để bảo đảm tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hiệu quả. Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, các khuôn khổ pháp lý, chính sách, chống tham nhũng… để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang |
Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ được xác lập dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Mối quan hệ bình đẳng và công bằng trên mọi phương diện giữa 2 quốc gia là điều mà bất cứ ai, kể cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đều mong muốn. Đặc biệt là ở lĩnh vực kinh tế thương mại, điều mà ai cũng nhận thấy giữa 2 quốc gia có tiềm năng rất lớn trong hợp tác, đầu tư, xuất nhập khẩu...
Ngày 25-9, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ về tác động của TPP đối với doanh nghiệp hai nước do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ phối hợp với Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức. Tham dự có gần 60 đại diện lãnh đạo của hàng chục công ty, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, như General Electric, Wall Mart, Pfizer, Cargill...
Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sáng kiến tổ chức tọa đàm nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ, góp phần đưa quan hệ Đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Hoạt động này giúp các doanh nghiệp hai nước chuẩn bị tốt cho việc triển khai Hiệp định TPP trong tương lai, những cơ hội và thách thức mà TPP sẽ mang lại, đồng thời giúp các nhà hoạch định chính sách hai bên hiểu rõ hơn về yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, vừa là những người tiên phong vừa là đối tượng chịu tác động chính của TPP. Với vai trò tiên phong, các doanh nghiệp hai nước đã thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư có bước tiến vượt bậc trong 20 năm qua. Đây thực sự là trọng tâm, nền tảng, và là động lực phát triển của quan hệ song phương. Doanh nghiệp hai nước đang đứng trước cơ hội hợp tác to lớn, đưa quan hệ Đối tác toàn diện, đặc biệt là hợp tác thương mại, đầu tư song phương phát triển lên tầm cao mới.
Cũng theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, là thành viên của hầu hết các cơ chế hợp tác, liên kết then chốt trong khu vực, với thị trường đang nổi 90 triệu dân và là thành viên của Cộng đồng ASEAN với hơn 600 triệu dân, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp Hoa Kỳ, nền kinh tế đứng đầu thế giới. Ông Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cùng đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ đều cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong tăng trưởng và phát triển ở khu vực châu Á. Tại cuộc tọa đàm này, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ mong muốn Chính phủ hai nước tiếp tục hợp tác tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường của nhau. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn lãnh đạo Việt Nam tiếp tục duy trì đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những đóng góp của họ, nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch.
![]() |
Cái “bắt tay lịch sử” giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam |
![]() |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự buổi tọa đàm với DN Hoa Kỳ |
![]() |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự tọa đàm |
![]() |
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, |
Dấu mốc TPP - Động lực mới
Ngày 5-10, tại thành phố Atlanta (Hoa Kỳ), Bộ trưởng Thương mại 12 nước tham gia đàm phán TPP đã đạt được thỏa thuận cuối cùng sau 5 năm đàm phán đối với hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. 12 nước tham gia đàm phán và trở thành thành viên TPP gồm: Hoa Kỳ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Sau khi được ký kết, TPP trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Khi thực hiện, theo lộ trình TPP sẽ hạ thuế quan và đặt ra tiêu chuẩn chung về thương mại cho 12 nền kinh tế tham gia, trong đó có Việt Nam. TPP cũng sẽ thiết lập các nguyên tắc đồng bộ trong các vấn đề sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, cởi mở thông tin trên Internet, ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã và các hoạt động tàn phá môi trường.
Để chính thức hóa các kết quả của hiệp định, các nhà đàm phán, trong đó có Việt Nam sẽ phải tiếp tục làm việc để hoàn thiện phần công bố. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Hoa Kỳ), sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 12 quốc gia TPP. Khi TPP có hiệu lực, nhiều khả năng Việt Nam sẽ chứng kiến sự bùng nổ xuất khẩu vào thị trường mới đối với các sản phẩm may mặc, giày dép, hàng nông sản…
Trả lời báo chí quốc tế tại cuộc họp báo chung sau khi kết thúc đàm phán ở Atlanta, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Việt Nam là nền kinh tế kém phát triển nhất trong TPP, nhưng cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và quyền của mình trong TPP. Về tác động của thỏa thuận TPP lên kinh tế Việt Nam và các ngành công nghiệp như dệt may, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, dệt may đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, khi tham gia TPP, lĩnh vực dệt may của Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn, làm lợi cho người nghèo. Ngành này tại Việt Nam đang sử dụng khoảng một triệu lao động.
Bên lề Hội nghị cấp cao APEC 23 ở Manila (Philippines), ngày 18-11 đã diễn ra cuộc họp cấp cao của các nhà lãnh đạo TPP lần thứ 6. Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi kết thúc đàm phán TPP của các nhà lãnh đạo 12 quốc gia thành viên. Tại đây, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đánh giá cao quyết tâm chung và nỗ lực vượt bậc của tất cả các thành viên kết thúc thành công TPP lịch sử sau hơn 5 năm đàm phán. Đây không chỉ là thành quả to lớn, thể hiện tầm nhìn chung của 12 quốc gia TPP, mà đối với tương lai của khu vực, còn góp phần xác định các quy tắc thương mại của châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới. Với mức độ tự do hóa thương mại và đầu tư sâu rộng nhất, TPP sẽ thúc đẩy, mở rộng các liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên, tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực, đồng thời hứa hẹn tạo thêm cơ hội việc làm mới cho người dân, nhất là thanh niên ở các nước TPP.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, hoàn tất Hiệp định TPP cùng với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN là những dấu mốc có ý nghĩa to lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng, liên kết khu vực, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết và tăng trưởng bền vững, bao trùm của APEC và cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc thực thi TPP sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, nhất là đối với các thành viên đang phát triển. Vì vậy các thành viên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau để bảo đảm sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi Hiệp định TPP theo đúng lộ trình.