Nâng tầm xúc tiến thương mại

Thiếu thực chất, cung cầu chưa gặp nhau

(ĐTTCO) - Các hoạt động thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia đã đã thu hút hàng chục ngàn lượt DN tham gia, trực tiếp giao dịch và ký kết với tổng trị giá hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và doanh số bán hàng đạt hàng tỷ USD. Tuy nhiên, hoạt động XTTM cần nâng cao cả về chất và lượng, triển khai phối hợp nhiều biện pháp cả trong và ngoài nước.

Thiếu thực chất, cung cầu chưa gặp nhau

Hoạt động XTTM nhiều năm qua chưa thay đổi nhiều, vẫn là những định hướng chung chung được liệt kê ra. Vì thế, hiệu quả XTTM mới chỉ dừng ở những hoạt động bề nổi như các hội chợ, triển lãm, hội thảo… ít nội dung đi vào thực chất. Thực tế, các hình thức XTTM kiểu hội chợ hiệu quả không nhiều. Bởi lẽ các gian hàng chỉ trưng bày hình ảnh, ít có sự kết hợp giữa hình ảnh và thông điệp.  

Thời gian qua, chương trình XTTM diễn ra đều đặn nhưng tính hiệu quả trong xúc tiến chưa cao. Cụ thể, thông tin XTTM cho DN còn hạn chế, chỉ là những số liệu đơn thuần thiếu tính phân tích. Mặt khác, các DN Việt Nam với những không tin thiếu tính “kích thích”, bổ trợ nên không mặn mà. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến của cơ quan quản lý chỉ mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, nặng thành tích nên chỉ dừng lại ở mức thực hiện theo kế hoạch, còn chất lượng không cao.

Thí dụ, việc ùn ứ nông sản tại cửa khẩu mỗi năm khi vào vụ khiến nhiều người hoài nghi về hiệu quả của công tác XTTM, dù đây là những mặt hàng được chú trọng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý trong đó có Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT là mở rộng và tìm kiếm thị trường để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, các cơ quan chức năng ít thực hiện phần việc tìm kiếm, khai mở thị trường cho nông sản, mặc cho nông dân tự sản, tự tiêu. Thêm vào đó, hiện nay, người phụ trách những chương trình xúc tiến này mới chú ý đến hàng công nghiệp. Trong khi đó, nhiều hàng công nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài làm ra, họ tự lo được thị trường.

 Thực trạng trên khiến DN tỏ ra lo lắng khi thị trường xuất khẩu mở cửa thì thông tin cho DN lại đóng. Chẳng hạn, hiện Việt Nam đã và đang xúc tiến mở thêm thị trường xuất khẩu trái vải. Tuy nhiên, các giải pháp dường như vẫn đang nằm trên giấy, bởi lẽ các thông tin cụ thể như mua ra sao, ai mua, số lượng tiêu thụ bao nhiêu, khả năng tiếp cận thị trường, năng lực vận chuyển... là những câu hỏi DN không tự trả lời được. Nhiều DN cho rằng họ không sử dụng được nhiều thông tin từ cơ quan xúc tiến cung cấp do những thông tin này chung chung, không cụ thể.

Thậm chí, thông tin cơ quan xúc tiến mang lại được lấy từ nguồn cung cấp là… DN. Còn các hoạt động hội chợ, triển lãm, hội thảo được tổ chức với nội dung nghèo nàn, ít chương trình hỗ trợ DN mang tính thực tiễn như tư vấn thông tin, hỗ trợ đào tạo kinh nghiệm sản xuất phù hợp với thị trường mục tiêu, tìm kiếm và đánh giá khách hàng…

Khảo sát trên một số trang web của các cơ quan XTTM thấy rằng những chuyên mục về thị trường, giao thương, quản lý nhà nước về XTTM, cơ hội giao thương, cẩm nang xuất khẩu… đều có, tuy nhiên thiếu hụt hẳn mảng thông tin về thị trường, khách hàng. Một số trang đã có cập nhật số liệu, thông tin về thị trường ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng số liệu được cập nhật mới nhất là của năm trước.

Với những bất cập trên, có thể thấy nguyên nhân mấu chốt do cung - cầu chưa gặp nhau. Thông tin DN cần phía cơ quan quản lý chưa đa dạng, trong khi thông tin DN nhận được chưa thiết thực. Người làm XTTM phải hiểu được nhu cầu trước mắt của DN, của thời vụ sản phẩm và nhu cầu dài hạn của thị trường để định hướng cho các nhà sản xuất phát triển sản phẩm. Đây cũng là đơn hàng cộng đồng DN đang đặt hàng các cơ quan XTTM.

Theo hướng đa phương thức

Để khắc phục những tồn tại và tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được trong hoạt động XTTM, việc triển khai hoạt động XTTM đòi hỏi phải đồng bộ, kết nối với các ngành khác để tập trung được các nguồn lực thực thi và hướng đến nhiều địa bàn, nhiều đối tượng được hưởng lợi hơn.

Đây cũng là yêu cầu thực tiễn đặt ra cho hệ thống các cơ quan làm công tác XTTM từ Trung ương đến địa phương cần phải khắc phục, làm tốt hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, với việc Việt Nam tham gia các FTA đa phương và song phương, công tác XTTM ngày càng phải thể hiện rõ vai trò và vị trí của mình. Hoạt động XTTM cần phải nâng cao cả về chất và lượng, triển khai phối hợp nhiều biện pháp cả trong và ngoài nước nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp.

Nhằm hỗ trợ hiệu quả DN tận dụng các cơ hội đem lại từ các FTA thế hệ mới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động XTTM thiết thực, khả thi, trong đó chú trọng các hoạt động nhằm khai thác, mở rộng các thị trường Việt Nam đã ký và đang đàm phán FTA. Theo đó sẽ tập trung hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài nhằm hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, địa phương, DN với các hình thức hỗ trợ đa dạng, thiết thực, hiệu quả cao, như tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành tại nước ngoài, tổ chức đoàn giao dịch thương mại giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, mở rộng thị trường xuất khẩu tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng.

Đặc biệt, công tác XTTM sẽ chú ý tới các thị trường Việt Nam đã hoặc chuẩn bị ký kết FTA, nơi các sản phẩm của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu lớn trong tương lai. Bên cạnh đó, hoạt động XTTM cần được chú trọng đẩy mạnh, thường xuyên đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản, sản phẩm dệt may, da giày, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, điện, điện tử, dược, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thép…

Chương trình XTTM cần tập trung vào các nội dung góp phần nâng cao nhận thức về thương hiệu, tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển DN, hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cho ngành. Hỗ trợ DN tham gia các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng XTTM, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực thiết kế, sáng tạo mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm…

Các tin khác