NĐ quản lý kinh doanh vàng: Minh bạch thị trường

Sau một thời gian chậm trễ, tuần qua Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được Chính phủ ban hành, đáp ứng sự mong chờ của thị trường. Đây được xem là “toa thuốc” cần thiết để chữa trị những căn bệnh kinh niên trên thị trường vàng nước ta thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý để đưa thị trường vàng đi vào ổn định, tránh những tác dụng phụ tiêu cực.

Sau một thời gian chậm trễ, tuần qua Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được Chính phủ ban hành, đáp ứng sự mong chờ của thị trường. Đây được xem là “toa thuốc” cần thiết để chữa trị những căn bệnh kinh niên trên thị trường vàng nước ta thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý để đưa thị trường vàng đi vào ổn định, tránh những tác dụng phụ tiêu cực.

Đưa vào quy chuẩn

Theo ghi nhận của ĐTTC, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM), các chuyên gia kinh tế cơ bản đều ủng hộ các nội dung trong Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Bởi việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do vừa qua đã kéo theo những hệ lụy như né thuế, mua bán vàng thiếu tuổi, trao đổi ngoại tệ “chui”… rất khó kiểm soát.

Cộng với biến động của giá vàng, người dân đổ xô mua vàng sẽ tạo hiệu ứng tâm lý lây lan, tác động tiêu cực đến xã hội. Nghị định 24 đã đưa ra những giải pháp lập lại trật tự hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, trong đó Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Khi các điểm mua bán vàng miếng bị thu hẹp, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông vàng miếng của người dân. Nhưng mặt tích cực của nó là chất lượng vàng được đảm bảo, hạn chế nạn vàng giả, vàng dỏm. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, nếu những điểm giao dịch của các đơn vị cấp phép không đáp ứng được nhu cầu người dân, nên xem xét cho phép mở đại lý mua bán vàng miếng thuộc các NHTM, giống như thu đổi ngoại tệ. NHTM nào được mở đại lý phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Hiện nay việc quản lý đại lý thu đổi ngoại tệ đã tốt, nên việc quản lý đại lý bán vàng hy vọng cũng sẽ tốt.

Ông ĐẶNG XUÂN HUY,
Phó Tổng giám đốc VietABank

Với quy định này, người dân hoàn toàn yên tâm về chất lượng vàng miếng và độ an toàn của tài sản mình nắm giữ. Bên cạnh đó, việc thu hẹp đại lý kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, chỉ ưu tiên cho các NHTM có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, có mạng lưới lớn và các doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, số thuế đã nộp trên 500 triệu đồng/năm và phải có chi nhánh trên 5 tỉnh, thành…

Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng phải hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, tránh kiểu thuế cấn trừ, thuế khoán như trước, sẽ dần triệt tiêu hành vi kinh doanh trốn thuế. Doanh nghiệp muốn tham gia thị trường vàng phải thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ ngân sách, loại trừ tình trạng doanh nghiệp trục lợi, lũng đoạn thị trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng so với các NHTM, sẽ không có nhiều doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Bởi đa phần các NHTM đều có mạng lưới, hệ thống từ 5 tỉnh, thành trở lên nên dễ dàng đáp ứng được điều kiện cấp phép của NHNN hơn các doanh nghiệp kinh doanh vàng thuần túy.

Khi Nghị định 24 có hiệu lực, hoạt động kinh doanh vàng miếng được quản lý chặt chẽ hơn, sẽ gây khó cho cửa hàng vàng là hộ cá thể kinh doanh trên thị trường tự do. Bởi ngoài số vốn điều lệ, hầu hết các chủ tiệm vàng đều không đáp ứng được các điều kiện để được cấp phép hoạt động.

Ước tính sẽ có khoảng 12.000 hộ kinh doanh vàng nhỏ lẻ sẽ phải ngưng kinh doanh vàng miếng. Ngoài ra, sẽ có hàng ngàn cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ theo quy mô gia đình cũng sẽ không được sản xuất vàng nữ trang, do quy định khá chặt về điều kiện sản xuất nữ trang là doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết...

Các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức cũng phải có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Thiết lập lộ trình triển khai

Các quy định của Nghị định 24 còn là thông điệp khuyến cáo người dân không đến tiệm vàng không được cấp phép để giao dịch, tránh bị tịch thu tài sản, xử phạt hành chính theo quy định ngoại hối của NHNN. Đặc biệt, theo Nghị định 24 người dân chỉ được dùng vàng để làm tài sản, cất giữ và mua bán tại ngân hàng, không được dùng vàng làm phương tiện thanh toán.

Từ ngày 25-5, khi Nghị định 24 có hiệu lực, các giao dịch dùng vàng làm phương tiện thanh toán sẽ không được pháp luật công nhận. Đơn cử, người dân đi mua nhà bằng vàng sẽ không được công chứng hợp đồng đó.

Theo TS. Phan Thanh Hải, chuyên gia ngân hàng, khi dùng vàng làm phương tiện thanh toán trong mua bán bất động sản, người dân dễ bị rủi ro lớn khi giá vàng biến động với biên độ lớn. Quy định vàng không là phương tiện thành toán hoàn toàn khả thi, giống như việc xử lý mạnh tay hoạt động mua bán, niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ trong thời gian qua, đã tác động tích cực lên thị trường ngoại hối.

Với Nghị định 24, nước ta sẽ có vàng chuẩn quốc gia, tiến tới vàng chuẩn quốc tế. Ảnh: VIỆT DŨNG

Với Nghị định 24, nước ta sẽ có vàng chuẩn quốc gia,
tiến tới vàng chuẩn quốc tế. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về thương hiệu, hiện nay vàng SJC đang chiếm thế thượng phong. Vì vậy, nếu vàng SJC trở thành thương hiệu quốc gia cũng là điều tất yếu. Riêng với các thương hiệu vàng khác, NHNN chưa công bố lộ trình hoán đổi hay xử lý như thế nào. Nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ làm một số tổ chức và cá nhân đang giữ vàng “phi” SJC gặp bất lợi khi mua bán, trao đổi, hoán chuyển sang vàng SJC.

Thực tế hiện nay, nhiều giá vàng miếng “phi” SJC” đang được các doanh nghiệp niêm yết giá mua bán thấp hơn SJC 1,2-1,5 triệu đồng/lượng. Dù NHNN không phân biệt đối xử với các loại vàng này, nhưng để tránh thiệt hại cho người dân, NHNN nên có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp thống kê số lượng, kiểm tra chất lượng, thu phí gia công và cho chuyển đổi hết trong lộ trình 6-12 tháng.

Nghị định 24 không nhắc đến việc cho phép kinh doanh vàng tài khoản cũng khiến nhiều đơn vị kinh doanh vàng băn khoăn. Theo một lãnh đạo ngân hàng cổ phần, pháp luật Việt Nam không thừa nhận việc kinh doanh vàng tài khoản cho người dân vì loại hình kinh doanh này khá phức tạp, rủi ro, khó quản lý.

Vừa qua NHNN chỉ cho phép một số NHTM được kinh doanh vàng tài khoản quốc tế nhưng giới hạn với pháp nhân chứ không khuyến khích người dân. Tuy vậy, hiện nay dù cấm hoạt động sàn vàng chính thức nhưng thực tế sàn vàng chui vẫn hoạt động.

Vì vậy, vấn đề đặt ra nếu cho kinh doanh vàng tài khoản nhưng không có hành lang pháp lý chặt chẽ để giám sát, sẽ tạo cơ hội kiếm lợi lớn cho một bộ phận kinh doanh vàng, cụ thể là các chủ sàn vàng, gây rủi ro và hệ lụy xấu cho người dân và xã hội. Còn về tương lai khi nhu cầu thị trường cần có sàn vàng, tất yếu NHNN phải đáp ứng.

Liên thông giá thế giới?

Một vấn đề được dư luận quan tâm là khi Nghị định 24 có hiệu lực, NHNN có giải quyết triệt để tình trạng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch 2-2,5 triệu đồng/lượng như hiện nay?

Nghị định 24 không gây sốc cho thị trường bởi Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng đã đề cập đến những vấn đề chung của quản lý thị trường vàng, tức người dân, doanh nghiệp đã có hơn 1 năm để chuẩn bị tinh thần. Hơn nữa, dự thảo thông tư hướng dẫn của NHNN thực hiện Nghị định 24 cũng đưa ra lộ trình 6 tháng đến 1 năm thực hiện cấp phép các đơn vị, công ty kinh doanh vàng miếng, sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang. Thị trường vàng sôi động chủ yếu từ giới đầu tư, còn người dân mua vàng cất trữ không đáng kể. Nghị định 24 hạn chế hoạt động giới đầu tư sẽ tác động tích cực lên thị trường vàng.

TS. CAO SỸ KIÊM,
thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia

Đây là thách thức lớn trong việc điều hành chính sách. Nhiều ý kiến lo ngại sự độc quyền của Nhà nước với một mặt hàng nhạy cảm như vàng sẽ làm thị trường mất tính cạnh tranh, đi ngược với quy luật thị trường, không loại trừ có lợi ích nhóm nếu quyền phân phối vàng miếng tập trung vào một số đơn vị lớn.

Cũng có ý kiến cho rằng sự độc quyền của Nhà nước sẽ khiến việc điều tiết giá không nhanh nhạy, không giúp thị trường vàng trong và thế giới liên thông.

Trước đây, các doanh nghiệp được cấp hạn mức quota có thể canh giá vàng để nhập và bán ngay, nhưng nay Nhà nước độc quyền có thể sẽ chậm trễ hơn, dẫn đến chênh lệch giá vàng khó thu hẹp. Và khi đó cơ hội kiếm lợi lớn của các NHTM, các công ty kinh doanh vàng miếng vẫn còn.

Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, cho rằng chấn chỉnh vàng 2 giá phụ thuộc vào đề án NHNN huy động vàng trong dân. Nghị định 24 cần có thời gian để NHNN xây dựng thông tư hướng dẫn và nếu tích hợp được đề án huy động vàng trong dân, sẽ hạn chế giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch bất hợp lý.

Có thể thấy, trong quá trình Nghị định 24 đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ có những “tác dụng phụ” hay những biến tướng không mong muốn. Vì vậy cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng nhằm giám sát các đơn vị thực hiện theo đúng tinh thần nghị định. Nhiều chuyên gia kỳ vọng với Nghị định 24, trong tương lai gần, nước ta sẽ có vàng chuẩn quốc gia, tiến tới vàng chuẩn quốc tế.

Các tin khác