Mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 như Chính phủ đã ban bố là một chiến lược đầy tham vọng, nhưng nếu đạt được thì thành quả của nó còn lớn hơn nhiều lần thắng lợi kép của năm 2020. Đó là chìa khóa để mở ra một giai đoạn mới: sống chung với dịch.
Khi kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của Covid-19
Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II năm nay vẫn đạt 6,61% và 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, nhưng những con số này rất định lượng và đang chịu thách thức trước diễn biến dịch bệnh như hiện nay. Nó phản ánh hoạt động kinh tế sôi nổi của các tháng đầu năm, nhất là trong dịp Tết âm lịch và các tháng sau đó khi đợt dịch lần này chưa bùng nổ.
Hơn nữa lúc này nếu chỉ nói đến tăng trưởng GDP của quá khứ mà không đặt trong các bối cảnh kinh tế hiện tại, thì con số tăng trưởng đó cũng không còn ý nghĩa.
Số ca nhiễm bệnh đã tăng nhanh chóng với con số hơn một ngàn ca mỗi ngày, mà phần lớn đều ở TPHCM.
Số ca nhiễm bệnh đã tăng nhanh chóng với con số hơn một ngàn ca mỗi ngày, mà phần lớn đều ở TPHCM.
Cuối tuần rồi, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã được áp dụng, chính thức cách ly đầu tàu kinh tế của cả nước với toàn bộ đoàn tàu, 62 tỉnh thành còn lại. Đó là một quyết định hết sức khó khăn vì đã tạo ra một thách thức vô cùng to lớn đối với các hoạt động sản xuất, giao thương và cung ứng hàng hóa dịch vụ trên cả nước.
Thậm chí tình hình hiện nay còn khó khăn hơn năm trước rất nhiều với hàng loạt các “thách thức kép”. Đó là số ca lây nhiễm ngày càng tăng với tốc độ rất nhanh khiến quá trình giãn cách, không gian giãn cách, phạm vi giãn cách cứ càng ngày càng lan rộng ra.
Nghiêm trọng nhất là dịch đã trở nên dữ dội ngay tại trung tâm kinh tế của cả nước là TPHCM và biến nơi đây trở thành vùng dịch lớn nhất cả nước. Chính tình thế tiến thoái lưỡng nan và ràng buộc làm sao để đạt được “thắng lợi kép” đã làm cho quá trình chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.
Để chấm dứt các chuỗi lây nhiễm, chặn đứng các ca bệnh đã âm thầm len lỏi trong cộng đồng, thì cần có các biện pháp mạnh mẽ trong giãn cách và phong tỏa. Nhưng làm như thế sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, lưu thông hàng hóa và tạo ra sự gián đoạn của các hoạt động kinh tế.
Và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nguồn thu ngân sách của TPHCM. Trong khi nhiệm vụ đóng góp cho ngân sách quốc gia của thành phố xấp xỉ 1/3 cả nước.
Nhưng vẫn muốn TPHCM chống dịch, dập dịch thành công mà phải đảm bảo hoạt động kinh tế, duy trì các chợ đầu mối để đảm bảo lưu thông hàng hóa thì quả thật đó là một “nhiệm vụ bất khả thi”! Những giải pháp và tiếp cận hiện tại không thể đạt được yêu cầu đó.
Ảnh minh họa.
Tăng trưởng vaccine sẽ là yếu tố quyết định
Một trong những yếu tố cốt lõi để Việt Nam đạt được “thắng lợi kép” trong năm 2020 chính là dựa vào sức chịu đựng và sự linh hoạt của các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
Khi dịch bệnh hoành hành vào năm 2020, các nguồn tích lũy, dự phòng được dành dụm qua một thời gian dài đã giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động và các hợp đồng đã ký kết với đối tác.
Tuy nhiên, qua một năm đánh vật với Covid-19 thì sức chịu đựng, các nguồn tích lũy này có lẽ đã mỏi mòn và cạn kiệt. Các giải pháp, ý tưởng sáng tạo, sự linh hoạt tự thân của doanh nghiệp cũng hữu hạn.
Trong khi đó, “cỗ xe tam mã” của năm 2020 giờ đây cũng không còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong tình hình mới. Vì vậy, để năm 2021 cũng có thể đạt được những thành quả về chống dịch và đảm bảo kinh tế như năm trước thì quả thật phải có các giải pháp và chiến lược mới. Và không có gì khác ngoài chiến lược vaccine.
Một số quốc gia trên thế giới đã quay lại với các hoạt động vui chơi, giải trí bình thường. Người dân châu Âu đã có thể đến sân vận động để xem bóng đá với quy mô hàng chục ngàn người, tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2021 đang được kỳ vọng là sẽ tạo ra kỷ lục trong bốn thập niên vừa qua.
Tất cả đều dựa vào chiến lược đẩy mạnh việc tiêm vaccine một cách nhanh chóng và rộng rãi để đạt được miễn dịch cộng đồng của các quốc gia này. Đến nay có thể nhận thấy cả thế giới đã và đang kích hoạt một chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịc sử nhân loại cho đến bây giờ.
Vaccine đã được chứng minh là giải pháp duy nhất lúc này để giành lại thế chủ động cho con người trong cuộc chiến chống lại bệnh tật mà cụ thể là virus Sar-Ncov-2. Bởi vì điều đáng sợ và nan giải nhất mà Covid-19 đã gây ra trong suốt hơn một năm qua đối với y tế và kinh tế đó chính là sự bất định.
Chính phủ và người dân hoàn toàn không thể lường trước hết các diễn biến phức tạp của dịch bệnh để có sự chuẩn bị và phòng ngừa hữu hiệu, trải dài từ hệ thống y tế, chữa trị, chống dịch đến các hoạt động kinh tế và xã hội kéo theo.
Hơn một năm qua với nỗ lực tối đa trên quy mô cả nước nhằm chống dịch với tất cả các phương pháp và nguồn lực từ con người đến phương tiện đều phải “chịu thua” Covid-19 khi ở thế đối đầu. Chính vì vậy mà chiến lược hiện nay phải chuyển sang “sống chung với dịch” và để làm được điều đó một cách an toàn và thành công thì không có gì khác ngoài chiến lược tiêm vaccine cho cộng đồng càng sớm càng tốt.
Khi miễn dịch cộng đồng đạt được cũng đồng nghĩa với các hoạt động kinh tế - xã hội có thể diễn ra vốn bình thường như trước đây, tính bất định của Covid-19 sẽ bị loại bỏ. Người ta sẽ an tâm và tự tin hơn trước các quyết định chi tiêu, đầu tư và khôi phục lại các nhu cầu tạm thời gián đoạn. Chính điều này sẽ làm cho quá trình phục hồi kinh tế diễn ra nhanh hơn và chắc chắn hơn.
Nhưng vaccine là một loại hàng hóa đặc biệt, không phải có tiền là mua được nên nguồn vaccine để nhập khẩu, việc phân phối, tiêm chủng và duy trì hiệu quả của vaccine sau tiêm chủng cũng là một thách thức để đảm bảo sự thành công của chiến lược. Chính sách vaccine của mỗi quốc gia giờ đây có vai trò quan trọng thậm chí còn hơn các chính sách kinh tế vĩ mô đối với tăng trưởng kinh tế.
Ở nhiều quốc gia, hiện nay bên cạnh việc công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP, lạm phát hay chỉ số giá chứng khoán thì còn có tỷ lệ tiêm vaccine trên quy mô dân số, như một chỉ số phản ánh tính bền vững và ổn định vĩ mô trước nguy cơ dịch bệnh.
Nếu Việt Nam đạt được quy mô tiêm vaccine cho 70% dân số vào cuối năm nay hay đầu năm 2022, thì điều này có ý nghĩa còn to lớn hơn thắng lợi kép của năm 2020. Vì đó là sự đảm bảo cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng của nhiều năm sau đó. Điều đó cũng phù hợp với chủ trương “sức khỏe toàn dân quan trọng hơn tăng trưởng kinh tế” của Chính phủ.