“Vũ khí” mạnh nhất
Mong muốn của Nga là thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống thanh toán bằng đồng USD. Hơn 60% số tiền dự trữ toàn cầu và 80% các khoản thanh toán toàn cầu bằng đồng USD. Mỹ là nước duy nhất có quyền phủ quyết tại Quỹ Tiền tệ quốc tế, nhà cho vay toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng, vàng đang được sử dụng để giúp Nga thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ và nó đang có hiệu quả. Giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất chính là mua vàng, điều này giúp Nga không bị cản trở trong hệ thống thanh toán quốc tế hoặc bị tấn công. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng gấp đôi tốc độ mua vàng của mình, đưa lượng dự trữ vàng lên tới mức cao nhất kể từ khi ông Putin nắm quyền cách đây 17 năm.
Nga đã tăng gấp ba lượng dự trữ vàng, từ 600 tấn lên đến 1.800 tấn trong 10 năm qua và không có dấu hiệu cho thấy tốc độ bị giảm. Ngay cả khi giá dầu và lượng dầu dự trữ của Nga giảm sút khá nhiều vào năm 2015, Nga vẫn tiếp tục mua vàng.
Nước Nga cho rằng, với vàng, họ luôn có thể trả tiền cho một quốc gia khác bằng cách chuyển vàng trên máy bay và gửi nó cho đối tác. Tuy đây là thế kỷ 21 nhưng cách này tương đương với cách làm của ngân hàng J.P.Morgan vào đầu thế kỷ 20, khi họ thanh toán bằng vàng thông qua tàu thủy, đường sắt.
Hàng hóa đổi hàng hóa
Bên cạnh vàng, Nga cũng đang sử dụng các giải pháp khác để thay thế hệ thống thanh toán bằng đồng USD, đặc biệt là xây dựng hệ thống mới thay thế Hiệp hội Liên thông tiền tệ liên ngân hàng thế giới (SWIFT).
Mỹ sử dụng sức ảnh hưởng của mình tại SWIFT, hệ thống trung tâm lưu trữ thông tin chuyển tiền toàn cầu, để ngăn chặn các quốc gia họ cho là mối đe dọa của họ trong tương lai. Từ góc độ tài chính, điều này cũng giống như việc ngưng cung cấp ôxy cho các bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt. Nga thấy được mối nguy hiểm này nên muốn tránh mọi thiệt hại có thể xảy ra.
Có thể kể đến việc Nga đang xây dựng hệ thống không thanh toán bằng USD với các đối tác thương mại trong khu vực và Trung Quốc. Hồi tháng 5 năm nay, Iran vừa ký một thỏa thuận với Nga về việc đổi dầu lấy hàng hóa, một kế hoạch thoát khỏi hệ thống USD - dầu. Thực ra kể từ năm 2014, hai nước đã thực hiện chương trình hỗ trợ qua lại này. Do Iran bị cấm xuất khẩu dầu vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi nên Nga mua lại dầu của Iran và trả bằng hàng hóa và kỹ thuật công nghệ của Nga.
Sau đó, Nga bán dầu Iran ra thị trường thế giới. Đây là một thỏa thuận mang lại lợi ích cho cả hai phía. Iran cho biết, họ đang rất cần hàng hóa chất lượng cao cũng như kỹ thuật công nghệ hiện đại của Nga. Lúc đó, Nga mua mỗi ngày 500.000 thùng dầu của Iran và đổi lại hàng hóa theo một hợp đồng trị giá đến 20 tỷ USD.
Năm 2016, lệnh cấm vận Iran của LHQ được dỡ bỏ, nhiều ý kiến cho rằng thỏa thuận này không cần thiết nữa. Vào tháng 3-2017, kế hoạch được đặt trở lại lên bàn của Nga với nội dung cụ thể: Nga sẽ mua 100.000 thùng dầu của Iran mỗi ngày, rồi bán cho nước này hàng hóa theo hợp đồng trị giá 45 tỷ USD. Sở dĩ thỏa thuận được tiếp tục xúc tiến vì dù Iran đã được LHQ dỡ bỏ cấm vận nhưng khi nước này kết nối lại SWIFT thì vẫn bị ngăn cản thanh toán liên ngân hàng toàn cầu, chủ yếu do lệnh cấm vận của Mỹ vẫn còn tồn tại.
Nga và Trung Quốc cũng gặp nhau về ý tưởng thoát khỏi sự chi phối của đồng USD. Hiện hai nước lên kế hoạch thiết lập một trật tự tiền tệ quốc tế mới, loại trừ đồng USD. Theo kế hoạch đó, Trung Quốc mua dầu của Nga bằng đồng NDT, Nga có thể lấy đồng NDT để mua vàng trên sàn giao dịch Thượng Hải.
Tạo hệ thống thanh toán toàn cầu mới
Mới đây, Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin rằng: “Nước Nga có nguy cơ bị đá khỏi SWIFT. Chúng tôi đã cập nhật hệ thống giao dịch và nếu có bất kỳ điều gì xảy ra, hoạt động giao dịch tài chính quốc tế của Nga vẫn sẽ tiếp tục hoạt động. Chúng tôi đã tạo ra một hệ thống tương tự như vậy”.
VEB, Ngân hàng Phát triển của Nga và một số bộ phận của nhà nước Nga đang hợp tác để phát triển hệ thống giúp giao dịch an toàn và nhanh hơn bằng cách áp dụng công nghệ blockchain. Họ đang xây dựng một sổ cái chung cho các ngân hàng gọi là Masterchain. Họ muốn tạo ra hệ thống thanh toán được mã hóa, phân phối và không tốn kém, không dựa vào các ngân hàng phương Tây, hệ thống SWIFT hoặc Mỹ để chuyển tiền.
Blockchain cơ bản là một nền tảng được thiết kế đặc biệt cho phép hai hoặc nhiều đối tác tham gia vào một hợp đồng thông minh không có người trung gian. Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để xác minh hợp đồng, quyền sở hữu trí tuệ và sổ sách công cộng trực tuyến mà không phải có bên thứ ba xác minh. Các ứng dụng của loại hình này có thể chuyển đổi đáng kể hệ thống tài chính toàn cầu cùng với các ngành khác.
Theo FinTech, việc chuyển giấy tờ chứng nhận thế chấp sang sổ cái được chia sẻ có thể giảm chi phí lên tới 80%. Các khoản tiết kiệm đến từ việc đẩy nhanh các quy trình kinh doanh bằng cách loại bỏ những quy trình trung gian như các công chứng viên công cộng, hay những cơ chế xét duyệt, xác minh chuyển tiền và có thể bị Mỹ chặn lại bất cứ lúc nào.
Theo các nhà cho vay Nga Otkritie, Alfa Bank và TCS Group, dự kiến sẽ khởi động một ứng dụng thương mại của hệ thống thế chấp vào giữa năm 2018. Masterchain cũng cho phép các ngân hàng Nga tìm kiếm cơ sở dữ liệu của các khách hàng bị liệt vào danh sách đen để giảm rủi ro và chi phí gian lận. Bloomberg trích ý kiến của chuyên gia phân tích của Công ty Expert RA cho rằng, trong thực tế Nga không phải là một thị trường ngân hàng phát triển nên các ngân hàng Nga mong muốn “đi tắt đón đầu” để bắt kịp và thậm chí có thể vượt qua đối thủ cạnh tranh bằng việc ứng dụng công nghệ mới này.
Tính đến thời điểm này, dường như Nga đã có thêm “vũ khí” nữa để chống lại đồng USD. Nhiều chuyên gia dự báo, với kế hoạch này thì đồng USD đang đứng trước nguy cơ mất vị trí vốn có. Đó là một trong những lý do các nhà đầu tư bắt đầu phân bổ một phần đầu tư của mình cho loại tài sản như vàng.