Khi vài cơn mưa đầu mùa trút xuống, những cánh rừng ở Đồng Nai chợt lung linh hơn với màu sắc của những đàn bướm. Và điểm đến thu hút nhất có lẽ là Mã Đà.
Mùa bướm đến sớm
Nghe đi rừng có vẻ xa xôi, nhưng Mã Đà chỉ cách TPHCM khoảng 90km. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên gắn với di tích lịch sử Chiến khu D và Trung ương Cục miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ, thuộc huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Bên cạnh các khu di tích, hệ sinh thái rừng gỗ lớn, sự hấp dẫn của nơi này còn được góp phần bởi một công trình nhân tạo kỳ vĩ: hồ thủy điện Trị An. Từ TPHCM phải băng qua hồ Trị An, rồi đi khoảng 20km nữa mới vào rừng Mã Đà.
Năm nay có đợt mưa sớm trái mùa nên ấu trùng bướm và các loài côn trùng nở sớm cả tháng so với hàng năm. Ngay đầu tháng tư, bướm đã xuất hiện thành từng đàn khắp rừng Mã Đà. Chúng thường tụ lại những khu đất còn đọng nước, nhất là những khu vực “ngầm” (tên gọi thời kháng chiến, chỉ nơi nước chảy qua như dòng suối trong mùa mưa). Không chỉ một mà rất nhiều loài bướm, chúng tập trung để hút khoáng chất có trong nền đất đỏ.
Sự xuất hiện của bướm lập tức thu hút những người yêu thiên nhiên. Những ngày cuối tuần, nhiều nhóm sinh viên thường lên đây vừa ngoạn cảnh, hít thở không khí trong lành vừa ngắm, quay phim, chụp ảnh với đàn bướm rừng. Vào mùa bướm, con đường đất đỏ trong rừng Mã Đà nhộn nhịp hơn hẳn những mùa khác.
Rừng có vẻ hoang vắng là vậy nhưng du khách chưa bao giờ cảm thấy cô độc, vì thỉnh thoảng lại xuất hiện một tốp xe máy hoặc xe ô tô đưa khách đi tham quan. Việc ngắm đàn bướm tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Bướm chỉ xuất hiện nhiều và tập trung thành bầy vào những ngày nắng ráo. Nhiều người “canh” thời tiết không chuẩn, vào rừng ngay ngày có mưa đành phải quay ra hồ Trị An vãn cảnh cho đỡ tiếc công đi gần trăm cây số.
Đủ kiểu thả “thính”
Những người thích ngắm bướm đã nghĩ ra nhiều cách tạo chất dẫn dụ bướm. Những chất dẫn dụ tự tạo gọi theo tiếng lóng là “thính”. Ai đi ngắm bướm Mã Đà cũng phải mang theo ít nhất một trong những thứ thính đó. Sở dĩ phải dụ bướm do trong rừng bướm thường tụ lại những nơi có ánh sáng và bối cảnh không phù hợp việc quay phim, chụp ảnh nên cần phải thả thính dụ vào những vị trí mong muốn. Anh Nguyễn Văn Danh, nhân viên Bệnh viện Mỹ Đức (TPHCM), người có nhiều mùa theo đàn bướm Mã Đà, chia sẻ kinh nghiệm thả thính bằng trái cây thối dụ bướm rất hiệu quả. Tuy nhiên, qua nhiều năm tìm tòi thử nghiệm, nhiều thứ thính khác đã được phát hiện. Nhưng nghe đến công thức nhiều người sẽ phải lắc đầu như: mắm tôm, nước tiểu người, còn mới đây là… phân tươi của thú ăn cỏ.
Ngoài ra, mồ hôi tay cũng là một chất dẫn dụ khá hiệu quả đối với các loài bướm nhỏ. Đó là lý do thỉnh thoảng ta thấy xuất hiện hình ảnh bướm đậu trên tay các cô gái. Thật ra trong mồ hôi mỗi người có nhiều loại chất khoáng, đi trong rừng buổi trưa khá oi bức nên mồ hôi ra nhiều. Không chỉ lòng bàn tay, tất cả vật dụng khi thấm mồ hôi cũng thu hút lũ bướm rừng.
Vị trí thả thính thường là mặt đường đất đỏ, nơi có nhiều bướm bay chấp chới. Ở đó bằng phẳng, thoáng rộng, có nhiều ánh sáng và nhất là không sợ bị vắt, côn trùng cắn. Sau khi thả khoảng mươi phút, bướm lũ lượt kéo đến. Thường bướm nhỏ đến trước, rồi mới tới các loại bướm lớn. Trong đó có một số loài bướm phụng (cách bướm có đuôi như đuôi phụng) quý hiếm. Đôi khi dụ mãi đàn bướm vừa tụ lại, một chiếc ô tô hay xe máy đi qua lại bay tứ tán, người thả thính phải làm lại từ đầu.
Có những người say sưa ngắm, chơi đùa với đàn bướm quên cả thời gian. Giữa rừng cây cao, ánh nắng chuyển sang xế chiều rất nhanh. Những người đi ngắm bướm nhiều kinh nghiệm thường rời rừng trước 15 giờ. Vào mùa này rừng Mã Đà thường xuất hiện những cơn mưa to bất chợt vào buổi chiều. Kẹt lại giữa rừng già trong mưa là một thử thách rất lớn. Bởi con đường đất đỏ bỗng trở nên lầy lội hết sức khó đi, trong khi đó màn đêm cũng từ từ bao phủ.
Khi mưa trút xuống đều đặn trên rừng miền Đông, cũng là lúc đàn bướm tan dần, để lại cho đời chút luyến tiếc và hẹn lại mùa sau. Ngắm đàn bướm đủ loại, nhiều màu sắc trong rừng là một trải nghiệm tuyệt vời.