Đường đến Sín Thầu (Mường Nhé - Điện Biên) xa xôi nhưng không còn khó đi như trước. Người dân nơi đây không chỉ được ấm bụng bởi đời sống kinh tế đi lên mà còn sáng lòng bởi lớp trẻ hiếu học, ao ước dựng xây làng xã, giúp đồng bào thoát nghèo. Phía sau những điểm sáng ấy một phần nhờ những chú trâu, bò được nuôi ngoài thảo nguyên mà người dân quen gọi là “cái ngân hàng”.
“Đại gia” trên núi cao
Ở Sín Thầu, nhà nào cũng có “ngân hàng”, là của để dành, của cải sinh sôi nảy nở từng tháng, từng năm. Đó là chỗ dựa vững chắc về đời sống kinh tế của người dân mà bản thân họ không phải quá vất vả để chăm sóc. Tất cả đều đã có thảo nguyên, rừng xanh nuôi dưỡng.
Nhà ít cũng có chục con bò, vài con trâu, nhà trung bình đến vài chục con. Có hộ lập trang trại nuôi cả trăm con trâu, bò. Đúng ngày gia chủ đưa tụ về một khu cho ăn muối, ai nhìn thấy sẽ bị choáng ngợp bởi cả trăm con lớn bé đủng đỉnh bước và nhai. Có con nhởn nhơ bú mẹ, con tha thẩn gặm cỏ...
Những “đại gia” lớn nhất ở Sín Thầu có nhiều trâu, bò phải kể đến hộ ông Sùng Phì Xinh (bản Tả Kố Khừ) với hơn 160 con, ông Chang Vãng Sinh (bản Tá Miếu) có 110 con, ông Su Tư Hừ (bản Tả Kố Khừ) có 100 con, ông Sùng Khang (bản A Pa Chải) hơn 70 con…
Người đi tiên phong trong việc mở “ngân hàng” trên thảo nguyên, biến những khu đồi trọc thành đồi trâu, bò, cải thiện đời sống người Hà Nhì là ông Sùng Phì Xinh. Ông Xinh nổi tiếng là người gan lì, từng là cán bộ tiễu phỉ, sống hòa đồng với rừng xanh. Trước năm 2000, ông đã tìm cách thoát nghèo bằng cách đưa trâu lên núi.
“Lúc đó tôi hơi liều đấy. Vác dao vào rừng chặt tre khoanh vùng, đưa 10 trâu, 14 bò lên nuôi nhiều người cản lắm. Bảo thế thì liều quá, sẽ thất bại thôi. Tôi không sợ, cứ làm, vẫn thấy trâu bò sống tốt. Năm 2002, tôi lại bán thóc lúa, nhờ tiền tích lũy mua thêm 28 con nghé nữa đưa vào rừng. Đàn trâu, bò của tôi từ đó sinh sôi, nảy nở tăng đàn, năm cao nhất đến 176 con” - ông Xinh tâm sự.
Ông Xinh cho biết đàn trâu, bò mỗi năm sinh sản chừng 40 con nên ông cũng xuất chừng ấy con để thu hồi vốn, trang trải chi phí và chi tiêu. Thời gian 2 ông bà hầu hết chỉ dành chăm đàn trâu, bò, luôn tính sao để đàn sống khỏe mạnh, không bị thiếu muối.
Mùa hè có cách trị bệnh của hè, mùa đông có cách chống rét mùa đông. Bởi sống với trâu bò, nên vợ chồng ông rất am hiểu tập quán sinh hoạt của chúng và thậm chí còn dạy cho thói quen không phóng uế khu vực nghỉ ngơi để khỏi mắc bệnh vì ô nhiễm.
![]() |
Vợ chồng “vua bò” Chang Vãng Sinh cùng đàn trâu, bò là của để dành |
Cũng nuôi trâu bò giỏi, ở bản Tá Miếu - bản mới thành lập được tách ra từ bản A Pa Chải (nằm gần khu vực biên giới Việt - Trung - Lào) có ông Chang Vãng Sinh được coi “vua” trâu, bò đất Tây Bắc. Năm 2010, ông được vinh danh tại hội nghị những nông dân sản xuất giỏi toàn quốc. Duy nhất ông Sinh là hộ nuôi bò.
Hiện trang trại của ông rộng khoảng 1ha dùng trồng cây, thả cá. Đàn trâu, bò luôn có chỗ trú ngụ trong rừng rất an toàn. Nhìn ông, vẫn với cách sinh hoạt giản dị, không ai nghĩ ông đang là tỷ phú. Trò chuyện ông Chang Vãng Sinh cho biết trước đây gia đình cũng nghèo lắm. Nhà đông con nên chẳng được học hành, quanh năm vợ chồng ông quần quật trên nương mà vẫn thiếu đói.
Năm 1998, gia đình ông được Chương trình 135 hỗ trợ giao 10 con bò giống nuôi 3 năm. Sau khi chăm cho bò sinh sản, đàn bò giống sẽ chuyển cho hộ khác, gia đình ông được bò con. Ngày đó, rất ít hộ dám nhận vì sợ không nuôi nổi.
Ông Sinh không những nhận bò mà còn vay tiền mua thêm 10 con nữa. Đàn bò phát triển, ông nuôi thêm trâu. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm chăm sóc, thỉnh thoảng dịch bệnh đổ về quật đàn bò tơi tả. Có đợt chết vài chục con. Nhờ cán bộ, các chiến sĩ đồn biên phòng đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống bệnh dịch, dần dần đàn bò của ông không còn bị bệnh, ngày càng phát triển.
Theo anh Pờ Chinh Phạ, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, ông Chang Vãng Sinh nhiều năm liên tục đứng đầu địa phương về số lượng và kỹ thuật nuôi đàn trâu, bò. Nhưng ít ai ngờ ông là người mù chữ và cũng không giỏi ăn nói. Vợ chồng ông đã đầu tư vào sự học của con, đặc biệt có một cậu con trai đang học ngành quân đội ở Hà Nội.
Mở hướng thoát nghèo
Được UBND xã quan tâm, với sự giúp đỡ của cán bộ đồn biên phòng A Pa Chải, người dân ở Sín Thầu xác định được hướng thoát nghèo bằng việc phát triển đàn trâu, bò từ năm 2006. Đến nay, toàn bộ số trâu bò trong “hệ thống ngân hàng” ở thảo nguyên Sín Thầu lên tới hơn 3.000 con.
“Vua” trâu, bò Chang Vãng Sinh cho biết: “Sín Thầu trước đây đường đi khó, tách biệt với bên ngoài. Đàn trâu, bò nuôi lớn chỉ để giết thịt, chứ không bán được cho ai. Khi đường được mở, có chợ ngã ba biên giới bà con có chỗ tiêu thụ bò. Bán bò cũng được giá lắm. Trước đây chỉ vài triệu đồng một con, nay con to có khi lên đến 20 triệu đồng”.
Gia đình bà Lý A Ty (bản A Pa Chải) trước đây nghèo lắm. Từ lúc được vay vốn, gia đình chỉ có 3 con bò, trong đó 2 con chửa. Làm ruộng nương, chăm cho đàn gà, mấy con bò đẻ. Khi bò lớn, bà bán đi 2 con, được gần 22 triệu đồng. Số tiền đủ để trang trải nợ nần từ mấy năm, con trai bà cũng vay mượn thêm mua được xe máy, cải tạo căn nhà lụp xụp.
Qua tìm hiểu ở Sín Thầu, nhiều hộ dân đã bắt chước các “đại gia” phát triển kinh tế gia đình. Mảnh đất này không chỉ thay da đổi thịt ở vẻ ngoài mà bên trong, nề nếp gia đình, văn hóa cũng phát triển. Trước đây bò, trâu được dùng làm vật ngang giá. Không bán được thì quy đổi thành thóc, gạo mang về. Kể cả việc cần vật liệu làm nhà cũng “vác” con bò hoặc chú trâu đi đổi.
Ngày nay, bà con vẫn giữ cái nếp ấy. Con cái dựng vợ, gả chồng cũng cho mấy chú trâu, bò làm vốn. Con trai học đại học xa Chang Vãng Sinh cũng cho con bò để mua xe, điện thoại. Con gái sinh con cũng cho nửa chú trâu, chờ sinh đứa thứ hai cho nốt cả con.
Những “ngân hàng” trên thảo nguyên Sín Thầu đang ngày càng phát triển, là tâm nguyện và ước vọng của bao người dân sống trong nghèo khổ. Ông Pờ Dần Xinh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, cho biết: “Người dân đã biết cách làm giàu rồi. Vùng này chỉ vài năm nữa, điện lưới quốc gia mắc vào là ổn định. Về việc chăn nuôi trâu, bò người dân không còn nuôi theo tập tục thả rông, nhỏ lẻ mà nuôi theo khu vực để còn bảo vệ rừng nữa”.