Đáng chú ý, tổng lượng tiền gửi vào các TCTD vẫn tăng, nhưng nếu so với các tháng trước số dư tiền gửi trong tháng 7 tăng rất chậm. Chẳng hạn mức tăng số dư tiền gửi của dân cư tháng 7 chỉ hơn 4.868 tỷ đồng, trong khi 2 tháng 5 và 6 tăng lần lượt 30.607 tỷ đồng và 52.907 tỷ đồng (lưu ý số dư tiền gửi dân cư 6 tháng trung bình tăng hơn 41.000 tỷ đồng/tháng).
Lý giải về hiện tượng này, một số ý kiến cho rằng một phần do lãi suất giảm, do vậy người dân rút tiền ra để đầu tư vào kênh khác như chứng khoán, vàng, bất động sản. Nguyên nhân nữa được đề cập do thanh khoản hệ thống NH quá dư thừa, thể hiện qua mức lãi suất liên NH qua đêm tính đến tháng 8 đã có 4 tháng giảm liên tiếp, xuống trung bình 0,11%/năm.
Điều này cho thấy lượng tiền mặt trong hệ thống tương đối lớn, trong khi nhu cầu vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh thấp bởi tình hình dịch bệnh. Trong điều kiện như vậy, các NH không có nhu cầu hút vốn khiến nhu cầu gửi tiền chậm lại.
Song theo phân tích của TS. Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, số dư tiền gửi trong nền kinh tế trong tháng 7 có dấu hiệu chững lại có thể do tốc độ luân chuyển của dòng tiền trong nền kinh tế chậm lại.
Cụ thể, khi nền kinh tế sôi động, tốc độ luân chuyển của dòng tiền trong nền kinh tế gia tăng, tổng lượng tiền gửi cũng gia tăng. Bởi khi đó, khách hàng A gửi 1 tỷ đồng nhưng sau đó rút ra để thanh toán cho khách hàng B, khách hàng B dùng tiền đó gửi vào NH.
Mặc dù khách hàng A đã rút ra nhưng tiền gửi của khách hàng A vẫn được thống kê vào tổng lượng tiền gửi trong kỳ và tiền gửi của khách hàng B cũng được thống kê. Không thể lý giải rằng dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác do lãi suất thấp. Vì nếu người dân rút tiền ra để đầu tư bất động sản hay vàng, bên bán sau khi nhận tiền cũng lấy tiền đó gửi vào NH thay vì ôm tiền mặt, tức tiền vẫn được ghi nhận trong hệ thống NH.
Tuy nhiên, nguyên nhân đáng lo được TS. Lê Đạt Chí chỉ ra, là số dư tiền gửi tăng chậm có thể do hiện tượng “NH trong bóng tối”.
Cụ thể ở đây là NH đứng ra bảo lãnh, hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lô lớn để phân phối lại cho người gửi tiền. Theo đó, NH tư vấn người dân thay vì gửi tiết kiệm chỉ được hưởng lãi suất thấp chuyển sang mua TPDN với lãi suất cao hơn. Như vậy, tiền sẽ không đi vào hệ thống NH mà đến DN thông qua việc người dân mua TPDN.
Thực tế hiện nay rất nhiều khách hàng muốn gửi tiền nhưng các NH thừa tiền không cho vay ra được, nên đã bắn mũi tên trúng 2 đích: Giữ chân khách hàng bằng việc giới thiệu người gửi tiền mua TPDN của các DN đang vay NH, đặc biệt là những DN có nợ xấu; DN sẽ thu được tiền và dùng tiền đó để trả nợ cho NH.
Ở các nền kinh tế phát triển, hiện tượng NH trong bóng tối như vậy đã được cảnh báo. Vì NH trong bóng tối không minh bạch, khó kiểm soát, sẽ làm giảm hiệu lực của chính sách tiền tệ.
Minh chứng là trong khi một số DN chạy đua phát hành, báo cáo tài chính của một số NH ghi nhận lượng TPDN nắm giữ tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Vì vậy, việc bung ra bán lại cho người gửi tiền là điều hoàn toàn xảy ra, nên có thể lý giải tốc độ tăng tiền gửi chậm lại do việc chạy đua nước rút xử lý những lô TPDN đó.
Vì khi NH làm như vậy sẽ giảm áp lực phải huy động nhiều nhưng không cho vay được, đồng thời giảm áp lực nợ xấu và được lợi ích là thu được phí.
Song điều này cũng đồng nghĩa với việc NH đẩy rủi ro TPDN lên người gửi tiền. Vì người dân mua TPDN trong điều kiện phát hành còn thiếu minh bạch, không có tổ chức nào đánh giá để đảm bảo cho đơn vị phát hành. Như vậy, người dân không thể hình dung được mức độ rủi ro, chỉ đầu tư vì được tư vấn lãi suất cao hơn.
Họ nghĩ NH bán nên đây là sản phẩm của NH hoặc liên quan đến NH. Trong khi thực chất nếu DN phát hành TP mất khả năng chi trả, người mua phải tự gánh chịu.