Ngành cao su thiên nhiên: Siết quy hoạch, tăng giá trị

Việt Nam hiện nằm trong top các quốc gia xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới nhờ liên tục mở rộng diện tích trồng. Tuy nhiên, đây chỉ là những thành tích bề nổi trong khi tình trạng bất cập ngày càng bộc lộ trong khó khăn.

Việt Nam hiện nằm trong top các quốc gia xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới nhờ liên tục mở rộng diện tích trồng. Tuy nhiên, đây chỉ là những thành tích bề nổi trong khi tình trạng bất cập ngày càng bộc lộ trong khó khăn.

Vỡ quy hoạch

Trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã lọt vào top 5 quốc gia có sản lượng khai thác cao su lớn nhất thế giới. Kết thúc năm 2012, theo thống kê từ Hiệp hội Các quốc gia trồng cao su thế giới (ANRPC) và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới về sản lượng khai thác cao su thiên nhiên, đạt 863.600 tấn. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng sản lượng và diện tích cao su thiên nhiên đạt mức cao nhất trên thế giới.

Dù đến nay diện tích trồng cao su đã vượt quy hoạch, nhưng mới đây VRG kiến nghị Chính phủ cho điều chỉnh quy hoạch diện tích cao su cả nước đến năm 2015 lên 1 triệu ha, sản lượng đạt khoảng 1-1,1 triệu tấn. Bởi lẽ không tăng quy hoạch trong khi dân vẫn phát triển thêm sẽ rất khó kiểm soát. Nếu diện tích cao su được quy hoạch đúng từ đầu, việc cân đối đầu ra cho sản phẩm sẽ chủ động hơn.

Ông Trần Ngọc Thuận,
Tổng giám đốc VRG

Cụ thể, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2000-2012 đạt 9,5%/năm về sản lượng và 6,8%/năm về diện tích. Theo số liệu cuối năm 2012, trong tổng sản lượng khai thác cao su của các nước thuộc ANRPC, Thái Lan đạt 3,5 triệu tấn, Indonesia 3 triệu tấn, Malaysia 0,95 triệu tấn, Ấn Độ 0,9 triệu tấn và Việt Nam đạt 0,86 triệu tấn. Xét về sản lượng khai thác, Việt Nam vẫn thấp hơn so với 4 cường quốc trên, nhưng xét về năng suất khai thác, Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới.

Năm 2012 đạt 1,71 tấn/ha, chỉ sau Ấn Độ 1,82 tấn/ha. Năng suất khai thác này bỏ xa mức bình quân của toàn thế giới 1,1 tấn/ha. Bình quân trong 5 năm trở lại đây, năng suất của Việt Nam đạt 1,7 tấn/ha, trong khi Ấn Độ đạt 1,82 tấn/ha, Thái Lan 1,68 tấn/ha, Indonesia 1 tấn/ha và Malaysia 1,46 tấn/ha.

Theo Quyết định 750/QĐ-TTG và Quyết định 124/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2015 và tầm nhìn năm 2020, diện tích trồng cao su cả nước sẽ ổn định ở mức 800.000ha.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2012, theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, tổng diện tích quy hoạch trồng cao su đạt 910.500ha, vượt mức kế hoạch đề ra cho năm 2015. Trong đó, diện tích cao su cho mủ chiếm khoảng 55,5%, tương đương 505.800ha.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn mở rộng diện tích trồng cao su sang Lào và Campuchia. Trong năm 2012, các doanh nghiệp trực thuộc VRG như CTCP Cao su Phú Hòa (PHR) đã trồng thêm 2.278ha cao su tại Kampong Tho (Campuchia); CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) trồng thêm 1.300ha tại Kratie (Campuchia); CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) trồng mới 473ha tại Siem Riep (Campuchia).

Đó là chưa kể các doanh nghiệp không thuộc VRG như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Dự báo, diện tích trồng cao su có khả năng vượt mức 1 triệu ha giai đoạn 2015-2020 là rất cao. Theo đó, vùng Đông Nam bộ sẽ đạt 390.000ha, Tây nguyên đạt 280.000ha, vùng duyên hải Nam Trung bộ đạt 40.000ha, vùng Bắc Trung bộ đạt 80.000ha, các tỉnh vùng Tây Bắc đạt 50.000ha và 200.000ha tại Lào và Campuchia.

Chất lượng kém

Việc lệ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu (chiếm đến 90%) đã khiến các doanh nghiệp mất đi tính chủ động, trở thành rào cản đối với sự phát triển khi giá cao su thế giới liên tục sụt giảm. Giá cao su xuất khẩu bắt đầu sụt giảm từ năm 2012 do khủng hoảng kinh tế, đặc biệt nợ công ở châu Âu buộc các nước này giảm chi tiêu, ngành công nghiệp ô tô bị ảnh hưởng nặng, dẫn tới ngành chế biến cao su theo đó cũng giảm sản lượng.

Sang quý I-2013, các chuyên gia dự kiến giá cao su sẽ hồi phục do tình hình kinh tế thế giới có những dấu hiệu lạc quan. Tuy nhiên, diễn biến thực tế lại hoàn toàn theo chiều ngược lại, giá cao su RSS kỳ hạn tại sàn Tocom (Tokyo) cuối quý I-2013 giảm 16% so với đầu năm.

Dù nằm trong nhóm cường quốc về cao su, nhưng Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp về chất lượng do chủng loại sản phẩm cao su sản xuất ở dạng sơ chế.

Dù nằm trong nhóm cường quốc về cao su, nhưng Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp
về chất lượng do chủng loại sản phẩm cao su sản xuất ở dạng sơ chế.

Theo thống kê, bình quân giá cao su xuất khẩu năm 2012 chỉ 2.795USD/tấn (giảm gần 30% so với năm 2012 và giảm tới 39% so với đỉnh điểm). Từ đầu năm 2013 đến nay, giá cao su xuất khẩu tiếp tục giảm với giá bình quân trong 8 tháng là 2.393USD/tấn (giảm 17,7% so với cùng kỳ).

So với 8 tháng năm 2011, giá xuất khẩu giảm đến 44,7%. Theo dự báo của Tập đoàn Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG), sản lượng cao su toàn cầu sẽ đạt 11,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 11,6 triệu tấn. Chính vì vậy, giá cao su xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới.

Trên thực tế, dù nằm trong nhóm cường quốc về cao su, nhưng Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp về chất lượng do chủng loại sản phẩm cao su sản xuất ở dạng sơ chế (chủ yếu là cao su SVR 3L). Đây là loại cao su lẫn nhiều tạp chất và dùng để sản xuất săm lốp là chính.

Do đó, thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc. Hàng năm, lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm đến 50-60% tổng lượng cao su xuất khẩu, trong khi các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản chiếm tỷ lệ thấp do nhu cầu chủ yếu là sản phẩm SVR CV.

Cũng giống như lĩnh vực xuất khẩu cá tra và basa, khi thị trường xuất khẩu không như mong đợi, doanh nghiệp lại khó khăn trong việc quay về sân nhà do chính sách chú trọng đến xuất khẩu trước đây. Trong khi đó, nhu cầu cao su từ các doanh nghiệp trong nước không ngừng gia tăng. Điển hình là việc CTCP Cao su Đà Nẵng và CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam đưa vào khai thác 2 nhà máy lốp Radian toàn thép. Đồng thời trong năm 2012, VRG đã đầu tư mở rộng nâng công suất nhà máy sản xuất găng tay y tế VRG Khải Hoàn từ 1,2 tỷ lên 3,2 tỷ chiếc/năm. Điều này hứa hẹn sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ cao su trong nước gia tăng trong những năm tới.

Tập trung ngành nghề cốt lõi

Ngày 23-11-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1782/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cấu trúc VRG. Theo đó sẽ triển khai kế hoạch thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành giai đoạn 2012-2020, tập trung vào lĩnh vực hoạt động chính: trồng và chế biến cao su; sản xuất và chế biến gỗ cao su; phát triển khu công nghiệp trên đất trồng cao su. Kế hoạch thoái vốn của VRG ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp cao su nhưng không thể không làm.

Việt Nam hiện là nước xếp thứ 2 trên thế giới về năng suất cao su thiên nhiên, chỉ sau Ấn Độ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước hiện vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu xuất khẩu cao su thiên nhiên dạng thô nên giá trị mang lại từ sản phẩm chưa cao.

Nguyễn Thị Thúy Hoa,
Tổng thư ký VRA 

Chẳng hạn, theo lộ trình 2012-2015, CTCP Cao su Phước Hòa sẽ thoái vốn khỏi các công ty thủy điện và các công ty ngoài ngành khác như Thủy điện Gruco Sông Gôn, Thủy điện VRG Ngọc Linh, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG; CTCP Cao su Hòa Bình thoái vốn khỏi Quỹ Đầu tư Việt Long; CTCP Cao su Tây Ninh thoái vốn khỏi Công ty Thương mại dịch vụ và Du lịch Cao su, Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng VRG.

Ngoài ra, trong thời gian tới các công ty cao su lớn trong ngành đang hoạt động dưới hình thức công ty TNHH MTV cũng sẽ được cổ phần hóa giúp tăng sức hút đầu tư và tính cạnh tranh trong ngành. Theo kế hoạch, VRG sẽ nắm giữ 100% vốn tại 22 công ty TNHH MTV, trên 50% của 18 CTCP và dưới 50% của 20 công ty còn lại.

Không chỉ thoái vốn ngoài ngành, các doanh nghiệp còn chủ động ngừng rót vốn vào các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Chẳng hạn, trong thông báo mới đây, CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) cho biết sẽ tạm ngưng góp vốn đầu tư vào CTCP Cao su Bà Rịa - Kampong Thom. Theo ông Huỳnh Văn Bảo, Chủ tịch HĐQT, việc ngừng góp vốn vào công ty trên do HRC đang thiếu vốn dài hạn. Tính đến thời điểm hiện nay, HRC đã góp vốn được 95 tỷ đồng.

Nhìn chung kế hoạch thoái vốn lần này được coi là bước đi mang tính chiến lược phát triển dài hạn của toàn ngành cao su. Điều này sẽ giúp nâng cao mức độ tập trung về nguồn vốn và nhân lực cho toàn ngành, giúp doanh nghiệp trong ngành phát huy thế mạnh và phát triển ngành nghề cốt lõi, hướng đến sự phát triển bền vững và ổn định hơn trong thời gian tới.

CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) là một trong số ít doanh nghiệp có bước đi đúng trọng tâm. Để hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất, DPR đã đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm nệm và gối từ cao su tự nhiên với thương hiệu Dorufoam.

Năng lực sản  xuất của nhà máy này là 300 sản phẩm nệm và 600 sản phẩm gối mỗi ngày. Nhà máy sẽ giúp DPR tiêu thụ khoảng 1/3 sản lượng cao su latex (hiện đang chiếm khoảng 30% sản lượng cao su của DPR). Mặc dù DPR vẫn đang chịu lỗ từ mảng kinh doanh mới này vì thị phần còn thấp, thương hiệu Dorufoam còn rất mới trên thị trường, nhưng cơ hội từ mô hình này rất lớn.

Lợi thế của DPR là khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu từ công ty mẹ, giúp sản phẩm Dorufoam có giá rất cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm nệm của Dorufoam hiện giá thấp hơn 5% so với sản phẩm cùng loại của nệm Vạn Thành và thấp hơn nhiều so với nệm Kymdan. Do đó, khả năng DPR có lãi từ mô hình này trong năm 2014 là hoàn toàn khả thi.

Các tin khác