Ngành công nghệ vũ khí 'phất' nhờ xung đột Nga - Ukraine

(ĐTTCO) - Trong lễ hội vũ khí lớn nhất thế giới, Triển lãm Thiết bị Quốc phòng và An ninh Quốc tế (DSEI) diễn ra vào giữa tháng 9 ở London, các nhà sản xuất vũ khí đều hồ hởi cho biết họ đang kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ cuộc xung đột tại Ukraine.
Một chiếc Typhoon của BAE.
Một chiếc Typhoon của BAE.

Lực đẩy chiến tranh

Matthew Bragoni, đại diện của Ensign-Bickford Aerospace and Defense (EBAD), thừa nhận: "Chiến tranh ở Ukraine đã thúc đẩy doanh số bán hàng trên toàn danh mục tăng lên". Bragoni là cựu binh Mỹ từng phục vụ ở Iraq và Afghanistan, chia sẻ Mỹ đã đóng góp nhiều vũ klhí cho Ukraine, trong đó có nhiều loại vũ khí do EBAD cung cấp.

Nhà sản xuất vũ khí tư EBAD có trụ sở tại bang Connecticut, Mỹ, hiện đang cung cấp theo đơn đặt hàng cho Ukraine từ bộ phận tên lửa đến chất nổ dùng để phá hủy các bãi mìn. Ông Bragoni cho biết: "Chúng tôi đã bán và giao hơn 1.000 thiết bị rà phá bom mìn cho lính Ukraine”.

Mặc dù không có thiết bị nào có thể ngăn chặn hoàn toàn việc hàng ngàn binh sĩ Ukraine bị thương trong các bãi mìn của Nga, Bragoni tin rằng tương lai của các công ty vũ khí trông khá sáng sủa. Ông nói: "Có một xu hướng mạnh mẽ thúc đẩy tâm lý cố thủ quay lại. Chúng ta sẽ thấy lượng vũ khí dự trữ trong kho tăng trở lại. Điều đó sẽ tạo ra sự bùng nổ trong 10 năm tới trong lĩnh vực sản xuất và EBAD sẽ là người được hưởng lợi".

Không chỉ EBAD, một loạt công ty vũ khí khác cũng đang tận hưởng môi trường kinh doanh rất tích cực. Trevor Schriver của công ty Curtiss Wright cho biết: "Việc kinh doanh thật tuyệt vời, bất chấp 2-3 năm suy thoái kinh tế vừa qua”. Curtiss Wright là công ty chuyên cung cấp hệ thống giúp máy bay trực thăng hạ cánh trên tàu chiến, ngay cả trong thời tiết bão tố khắc nghiệt.

Schriver cho biết: "Môi trường kinh doanh rất sôi động, rất năng động. Chiến tranh ở Ukraine là yếu tố làm tăng mức độ hoạt động trong thị trường này. Nhiều dự án đã ra mắt cũng như các sản phẩm kế thừa được thiết kế từ những năm 1990 cũng đang được nhen nhóm lại, và những bước phát triển mới đang diễn ra".

Cả những công ty vũ khí nằm xa cuộc xung đột ở Ukraine cũng đang tận hưởng sự phát triển trong kinh doanh. Thí dụ, Componentes & Sistemas de Defesa (CSD), công ty vũ khí đến từ Brazil chuyên sản xuất đạn dược, tên lửa và bom.

Paulo Kleinke, nhân viên kinh doanh của CSD, cho biết: “Công việc kinh doanh thực sự đang rất tốt vào thời điểm hiện tại nhờ những xung đột trên toàn thế giới. Hầu hết quốc gia hiện đang thay thế đạn dược họ đã cung cấp cho Ukraine và đôi khi có thể là Nga. Đối với chúng tôi đây là khoảng thời gian tốt đẹp”.

Hay tại triển lãm DSEI, Tony Gaunt, người đại diện cho Martin Baker - doanh nghiệp gia đình của Anh chuyên sản xuất sản phẩm chuyên dụng (như ghế phóng) cho nhiều máy bay quân sự trên thế giới - vui vẻ nói: “Công việc kinh doanh của chúng tôi đang bùng nổ. Ngay cả khi xảy ra dịch Covid, chúng tôi không hề chịu bất kỳ tổn thất nào trong hoạt động kinh doanh. Chúng tôi rất, rất bận rộn trong suốt thời gian qua và chúng tôi có một sổ đặt hàng dày đặc”.

Theo trang RT, trong 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập của 25 công ty quốc phòng lớn nhất tại phương Tây đã tăng 11%, đạt 212 tỷ USD. Tổng doanh số bán vũ khí của họ dự kiến đạt 448 tỷ USD trong năm nay, tăng 47 tỷ USD so với năm trước.

Khách hàng của Martin Baker cần nhiều tiền, vì những chiếc ghế phóng cũ của họ đã được bán với giá 150.000-300.000 bảng Anh. Gaunt tiết lộ khách hàng lớn nhất của công ty ông chính là Mỹ.

Khách hàng tiềm năng nữa của Martin Baker là Ả Rập Saudi. Lực lượng không quân nước này đã đặt nhiều ghế phóng của công ty để trang bị cho các máy bay chiến đấu Tornado và Typhoon của họ sử dụng để bắn phá Yemen kể từ năm 2015. Gaunt tự hào rằng 2 phi công của Saudi trên Tornado gần đây đã phóng an toàn nhờ ghế phóng của công ty, nhưng ông cho biết Martin Baker không bán trực tiếp cho người dùng cuối: “Chúng tôi bán cho BAE Systems, nơi cung cấp nó cho Saudi”.

Từ Yemen đến Ukraine

BAE Systems là công ty vũ khí lớn nhất của Anh và đã thu được nhiều lợi nhuận hơn hầu hết công ty khác từ cuộc chiến ở Yemen, khi bán số vũ khí trị giá 18 tỷ bảng Anh cho Riyadh trong cuộc xung đột. Gian hàng của họ tại DSEI, nơi chứa rượu vang đỏ, rộng đến mức họ phải đến sớm hơn những người khác 1 tuần để sắp xếp. Một trong những chiếc Typhoon của họ đang đậu bên ngoài lối vào triển lãm.

BAE phải chịu áp lực nặng nề trong cuộc chiến tranh Yemen, với việc CAAT liên tục đưa họ ra tòa về việc bán hàng cho Saudi. Chuẩn tướng John Deverell, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Ả Rập Saudi và Yemen, thậm chí còn so sánh hoạt động kinh doanh của BAE với hoạt động buôn bán nô lệ.

Vào năm 2020, sau khi các cuộc không kích giết chết trẻ em Yemen, ông nói với báo giới: “Nếu tôi là thành viên HĐQT hoặc cổ đông lớn của BAE Systems, tôi sẽ hỏi những gì đang được thực hiện để đa dạng hóa khỏi sự phụ thuộc vào doanh thu của Saudi? Điều này không bền vững về mặt danh tiếng”.

Thật may mắn cho BAE, các sự kiện thế giới đã cho phép họ làm lại hình ảnh của mình. Cuộc chiến ở Yemen đã dịu bớt sau lệnh ngừng bắn bất ngờ do Trung Quốc làm trung gian. Và gần hơn, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã chứng kiến BAE bán vũ khí để giúp Kiev chống lại Moscow. M777 155mm Howitzer của họ, một khẩu pháo cỡ lớn, được trưng bày ngay lối vào còn lại của triển lãm.

Nó được sử dụng chủ yếu bởi thủy quân lục chiến Mỹ, lực lượng đã vận chuyển ít nhất 90 chiếc tới Ukraine. Hoạt động kinh doanh với Kiev đang bùng nổ đến mức BAE đã mở văn phòng tại nước này. Giá cổ phiếu của họ đã tăng gấp đôi kể từ năm ngoái. Một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của họ là xe tăng Challenger 2, mà Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tặng 14 chiếc cho Kiev từ nguồn dự trữ của quân đội Anh.

Xung đột tại Ukraine đã kéo dài hơn 1 năm. Cuộc xung đột đã đẩy nhanh quy mô tái vũ trang trên phạm vi toàn cầu, đồng thời tạo ra vòng xoáy gia tăng chi tiêu quốc phòng mới trên toàn thế giới. “Đây là mảnh đất màu mỡ để thu lợi nhuận khổng lồ cho các công ty vũ khí lớn như Lockheed Martin, RTX và Boeing” - William Hartung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quincy (Mỹ) nhận định.

Các tin khác