Ở nước ta hiện nay, việc sử dụng các linh kiện do doanh nghiệp trong nước sản xuất rất thấp so với mức tối ưu. thiếu vắng sự cung ứng của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang là yếu tố cản trở đầu tư vào Việt Nam, làm chậm tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu không tạo được năng lực cung ứng nội tại, chúng ta sẽ đối mặt với nhiều rủi ro như sự rút lui của vốn đầu tư nước ngoài (FDI), suy thoái kinh tế, nhập siêu, thậm chí là đình trệ sản xuất. Chính vì vậy, phát triển CNHT đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hướng tới một nền công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Thiệt hại kép
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu cơ khí, chỉ riêng 35 nhà máy điện do các chủ đầu tư trong nước thực hiện, tổng vốn đầu tư có thể lên tới 43,5 tỷ USD (từ nay đến năm 2025 trung bình mỗi năm cần 3,1 tỷ USD).
Trong đó vốn đầu tư cho các thiết bị nhà máy điện ước tính lên tới 32,7 tỷ USD, gồm 24,5 tỷ USD cho thiết bị chính (tua bin, máy phát, lò hơi), 8,2 tỷ USD cho các hệ thống thiết bị phụ trợ khác.
Việc liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp cơ khí là rất cần thiết, bởi đây cũng chính là điểm yếu cơ bản của CNHT ở nước ta. Việc chế tạo thiết bị phụ trợ đáp ứng các ngành công nghiệp mũi nhọn, tham gia vào chuỗi sản phẩm toàn cầu hiện nay rất mờ nhạt, vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, đầu tư chồng chéo và chưa có sự phân công chuyên môn hóa. Chính điều này làm hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Ông NGUYỄN MẠNH QUÂN, |
Thế nhưng, theo ông Phan Đăng Phong, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, hầu hết dây chuyền thiết bị này đều do nhà thầu nước ngoài cung cấp theo hình thức tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công), trong đó chiếm đến hơn 90% là các nhà thầu Trung Quốc (như các dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2; Hải Phòng 1; Vĩnh Tân 2 và 3; Duyên Hải 1, 2 và 3…).
Họ trúng thầu do có giá bỏ thầu rẻ và có khả năng thu xếp vốn (chưa kể các công ty Trung Quốc khi trúng thầu hợp đồng EPC đã đem vào Việt Nam cả lao động phổ thông, nguyên vật liệu thô, thiết bị, vật tư mà chúng ta hoàn toàn sản xuất được).
Có thể thấy nhu cầu thiết bị cung ứng nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam từ nay đến năm 2025 rất lớn, nhưng thị trường cung cấp thiết bị ngành cơ khí chế tạo đang bị bỏ ngỏ cho các nhà cung cấp nước ngoài. Chính vì vậy các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã yếu càng không phát triển được.
Trong quy hoạch phát triển CNHT được nhắc đến nhiều là công nghiệp ô tô. Ngành công nghiệp này được hoạch định và kỳ vọng đến năm 2010 đạt tỷ lệ nội địa hóa 40-60%, tự chủ công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước (60-80%), hướng tới xuất khẩu ô tô và phụ tùng (trong đó có mục tiêu sản xuất nội địa hóa được động cơ và hộp số 50%).
Tuy nhiên, đến nay hầu hết chỉ tiêu đều không đạt, đặc biệt với dòng xe con và xe chuyên dùng (tỷ lệ hiện tại dưới 25%). Các chi tiết, linh kiện phụ tùng có hàm lượng kỹ thuật cao như động cơ, hộp số đều chưa sản xuất trong nước.
Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp, nguyên nhân của sự phát triển khiêm tốn này do các chính sách hạn chế tiêu dùng đối với sản phẩm ô tô, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ ở mức quá cao khiến sức mua giảm sút.
Khi thị trường ô tô chưa phát triển như mong đợi, đồng nghĩa sản lượng thấp nên doanh nghiệp khó có thể đầu tư vào ngành CNHT. Hệ quả là ngành công nghiệp ô tô trong nước chủ yếu nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp ráp, góp phần vào việc mất cân đối cán cân thương mại.
Điều đó dẫn đến dù là nước có mức thu nhập bình quân đầu người thấp, nhưng người tiêu dùng trong nước hàng chục năm nay luôn phải mua xe với giá trên trời.
Liên kết, đặt hàng
Ông Hang Ha Ryu, Tổng giám đốc Công ty Doosan Vina (chuyên sản xuất thiết bị cơ khí trong ngành điện, nước, lọc hóa dầu và hậu cần), cho biết hiện nay công ty phải nhập khẩu khoảng 90% nguyên vật liệu từ các nước có công nghệ sản xuất tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế và có thương hiệu để phục vụ cho việc chế tạo, gia công trong nước (giá trị nguyên vật liệu chiếm khoảng 60-70% giá trị hàng hóa).
![]() |
CNHT ngành công nghiệp ô tô đến nay xem như phá sản, |
“Chúng tôi có nhu cầu hợp tác phát triển CNHT với các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Theo đó các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu liên kết với nhau trong cung - cầu để tạo giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp sẽ cùng nhau xem phần nguyên vật liệu hay linh kiện nào trong nước sản xuất được sẽ đưa vào thiết kế, chế tạo” - ông Hang Ha Ryu bày tỏ quan điểm.
Đề cập đến vai trò của việc liên kết giữa các doanh nghiệp để phát triển CNHT, ông Lâm Chí Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM), nhấn mạnh sự liên kết này đóng vai trò rất quan trọng.
Trong ngành chế tạo máy, CNHT là một hệ thống các nhà sản xuất vệ tinh cung cấp linh kiện cho nhà máy lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Kinh nghiệm của nước công nghiệp mới phát triển như Malaysia cho thấy trong quy hoạch công nghiệp giai đoạn 2006-2020, Chính phủ Malaysia đã coi chính sách phát triển CNHT là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể về doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, chương trình liên kết CNHT, hợp tác FDI với doanh nghiệp trong nước đã tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng năng lực và tiếp cận nguồn vốn bên ngoài. Malaysia đã nỗ lực phát triển nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện và tăng cường liên kết công nghiệp giữa các doanh nghiệp lớn với nhà cung cấp trong nước.
Nhờ đó, ngành CNHT Malaysia đã thu được kết quả tốt với 85 “doanh nghiệp mỏ neo” và 296 nhà cung cấp, trong đó trên 54% doanh nghiệp trong nước.
Tương tự, Thái Lan cũng có nhiều chính sách mang tính quyết định đến quá trình công nghiệp hóa, đã thúc đẩy CNHT nước này thành công trong thu hút các nhà chế tạo nước ngoài.
Trong khi đó, điểm yếu trong phát triển CNHT ở Việt Nam hiện nay là thiếu kết dính từ phía Nhà nước, các bộ, ban ngành, các doanh nghiệp chủ chốt đủ mạnh để có thể liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ nhằm tạo ra một quần thể công nghiệp hoàn chỉnh và uyển chuyển.
Nhiều thách thức
Để phát triển CNHT, hiện Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quyết định khuyến khích, hỗ trợ ngành này như Quyết định 12 về chính sách phát triển một số ngành CNHT; Quyết định 1483 về danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển; chính sách tài chính cho phát triển một số ngành CNHT...
Để phát triển ngành cơ khí nói chung và CNHT nói riêng, cần phải được xác định đây là chiến lược quốc gia chứ không phải việc làm đơn lẻ của các doanh nghiệp. Nếu không xác định như vậy, ngành CNHT vẫn tụt hậu so với các nước, không thể cất cánh. Chỉ khi trở thành chiến lược quốc gia, các quyết sách của Nhà nước mới đủ sức mạnh để vực dậy ngành cơ khí đang rất khó khăn hiện nay. Ông ĐÀO PHAN LONG, |
Tuy nhiên, ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thừa nhận dù Nhà nước đã có cơ chế, chính sách để thể chế hóa chủ trương phát triển CNHT, nhưng tác động và hiệu quả của những cơ chế, chính sách này còn rất hạn chế.
Thí dụ, Chỉ thị 734 ngày 17-5-2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định “trường hợp gói thầu EPC mà khả năng nhà thầu trong nước đảm nhận được trên 50% khối lượng công việc, không được tổ chức đấu thầu quốc tế mà phải đấu thầu rộng rãi trong nước”.
Tuy nhiên các chủ đầu tư vẫn thích mở thầu quốc tế và “bỏ quên” doanh nghiệp trong nước. Điều này cho thấy chế tài của Nhà nước cần phải quyết liệt hơn mới tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước.
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), việc phát triển CNHT đang được đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã ban hành các quyết định ưu tiên phát triển các sản phẩm trong các nhóm ngành.
Dù đã có nhiều chuyển biến đáng kể ở tầm chính sách vĩ mô, nhưng các chính sách dường như chưa chạm đến doanh nghiệp sản xuất CNHT. Bởi lẽ doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, vẫn chưa tìm thấy các ưu đãi, khuyến khích của Chính phủ.
Viện này cho rằng với vai trò và tầm quan trọng của CNHT, Chính phủ cần thành lập cơ quan đầu mối về CNHT, hàng năm nên ban hành “sách trắng” về CNHT hay dưới dạng hệ thống cơ sở dữ liệu về các ngành CNHT.
Bên cạnh đó, cần chính sách ưu đãi nhiều hơn để phát triển CNHT, như ưu đãi thuê đất, thuế, ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước sản xuất CNHT hợp tác với nước ngoài để hình thành nhà máy vệ tinh; xây dựng các hệ thống chất lượng liên quan đến linh phụ kiện...
Những giải pháp này, Chính phủ cần phải hoạch định cụ thể lộ trình ưu tiên rõ ràng với nguồn tài chính và cơ cấu nhân lực đầy đủ.
Và để đảm bảo thành công, việc thực thi chính sách cần được chi tiết hóa ngay từ đầu với các nội dung cụ thể, có tiêu chí thực hiện, thời gian và tổ chức chịu trách nhiệm. Có như vậy, Việt Nam mới có thể hình thành một nền CNHT mạnh.
Theo nhiều chuyên gia, dù dung lượng thị trường bé, cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn, sự phối hợp của các doanh nghiệp cơ khí còn yếu... nhưng có một thực tế là CNHT nước ta đang có nhiều tiềm năng phát triển. Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đều quan tâm tới sự phát triển của CNHT Việt Nam.
Theo đó, Nhật Bản đã cam kết hợp tác phát triển CNHT, trong đó lập đề án xây dựng tại Bà Rịa - Vũng Tàu khu CNHT điện tử; Hải Phòng xây dựng khu CNHT chuyên sâu về cơ khí. Hàn Quốc cũng đã làm việc với Bộ Công Thương và trong năm nay sẽ hỗ trợ khóa đào tạo về CNHT.
Dự kiến, năm nay Hàn Quốc sẽ chuyển giao 30/100 sản phẩm CNHT cho phát triển công nghiệp ô tô, điện tử... Việt Nam.