Ngành công nghiệp Da giày đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Đây là ngành đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu.
Vì vậy, nhìn nhận triển vọng cũng như nắm bắt các cơ hội là điều kiện quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển ngành trong thời gian tới.
Tăng trưởng nhanh
Phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2014 và triển vọng kinh doanh ngành Da giày, dệt may” do VCCI phối hợp với Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) tổ chức ngày 23/6 tại TPHCM, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho biết, theo kế hoạch phát triển mục tiêu giai đoạn 2010-2013 thì tốc độ tăng trưởng của ngành là từ 10-15%, nhưng thực tế tốc độ tăng trưởng đã đạt từ 12-15%/năm.
Năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 10,32 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2012 và vượt 3% so với kế hoạch của năm 2013. Nếu tính riêng kim ngạch giày dép thì tỉ lệ tăng trưởng 15%, vượt ngoài mong đợi của các doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/6, ngành Da giày đã xuất khẩu đạt kim ngạch 4,36 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2013.
Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành còn có sự tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Hiện tại, ngành đang giải quyết một lượng lớn việc làm cho xã hội. Đến nay có khoảng 624.000 người đang làm việc trong ngành này tại 812 DN sản xuất da giày và túi cặp với năng lực sản xuất 800 triệu đôi giày dép các loại/năm,120 triệu túi xách, ba lô/năm và 200 triệu sqft da thuộc/năm.
Theo ông Diệp Thành Kiệt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, hiện nay có nhiều DN nội địa đã và đang phát triển quy mô sản xuất cũng như khẳng định thương hiệu sản phẩm của mình trên thị trường thế giới. Chẳng hạn như Công ty CP Đầu tư giày Thái Bình với sản lượng xuất khẩu hơn 20 triệu đôi giày/năm và 4 triệu túi xách/năm, đem lại doanh thu đạt trên 400 triệu USD; Công ty Bitis với doanh thu xuất khẩu trên 150 triệu USD/năm và có sản lượng hàng tiêu thụ nội địa tương đối lớn chiếm 30% thị phần.
Với những kết quả đã đạt được đều tăng cao hơn kế hoạch mục tiêu, Lefaso cho biết, trong năm 2014, tổng kim ngạch toàn ngành sẽ đạt 14 tỷ USD, trong đó mặt hàng giày dép sẽ đạt 9,1 tỷ USD. Đến năm 2015, xuất khẩu giày dép sẽ đạt 11 tỷ USD.
Nắm bắt cơ hội để phát triển
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI và là thành viên nhóm chuyên gia nghiên cứu của WB về phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam, ngành Da giày Việt Nam đang có nhiều lợi thế cũng như cơ hội để phát triển trong thời gian tới. Đó là khả năng cạnh tranh về giá trên thị trường thế giới; sản phẩm đã phân bố tại hầu hết các thị trường lớn như Bắc Mỹ, EU, Nhật.
Đến nay, hầu hết các DN Nhà nước trong ngành đã được cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các DN tư nhân đang phát triển nhanh, mạnh về quy mô sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. DN vốn FDI tăng nhanh và phát triển mạnh mẽ góp phần to lớn vào việc đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành.
Đặc biệt, trong quy hoạch phát triển ngành Da giày đến năm 2020, Chính phủ đã đồng ý và hỗ trợ cho phát triển KCN tập trung làm đế và xi mạ tại phía Bắc. Theo đó, thiết lập quy hoạch các KCN hỗ trợ bằng hình thức hình thành KCN nguyên phụ liệu ở cả hai đầu miền Bắc và miền Nam. Trong đó, Chính phủ hỗ trợ bằng cách đầu tư hệ thống xử lý nước thải và DN sẽ đầu tư nhà máy sản xuất và trả chi phí xử lý nước.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư của các nước tiến tới đầu tư phát triển sản xuất ngành phụ trợ cho ngành giày dép tại Việt Nam để đón đầu cơ hội ngành mở rộng thị trường khi gia nhập các Hiệp định thương mại với EU, Hoa Kỳ.
Hiện nay sản phẩm chủ lực là giày thể thao và giày vải của Việt Nam đang được các thị trường truyền thống (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản) ưa chuộng. Đồng thời, thị trường nội địa cũng rất rộng lớn và đang tăng trưởng nhanh. Năm 2013, chỉ riêng thị trường nội địa đã tiêu thụ 130 triệu đôi giày, đạt mức tăng trưởng trên 25%/năm.
Chính vì thế, ông Diệp Thành Kiệt cho biết, mục tiêu mà ngành Da giày đặt ra trong 10 năm tới là vào Top 10 nhà sản xuất da giày thế giới.