Trong nhiều năm qua, dệt may luôn là một trong các ngành xuất khẩu dẫn đầu cả nước. Khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU được ký kết, cánh cửa cho ngành dệt may sẽ rộng mở hơn. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài, cần nhanh chóng khắc phục những yếu kém nội tại, nhất là khâu nguyên phụ liệu đầu vào mới mong thoát kiếp làm thuê.
Quay về sân nhà
Lâu nay, Việt Nam được mệnh danh là cường quốc xuất khẩu sản phẩm may mặc, nhưng có một thực tế là thị trường nội địa đang nhường lại cho các nhãn hiệu nước ngoài từ phân khúc giá rẻ, tầm trung cho đến cao cấp. Tại những phố mua sắm, cửa hàng, trung tâm thương mại lớn, các nhãn hiệu như John Henry, GAP, Gucci, Levi’s, Mango, Camel, Lacoste, Luis Vuiton, Bosini… hầu như chiếm giữ số lượng áp đảo và vị trí đắc địa.
Đây thực sự là một nghịch lý bởi thị trường tiêu thụ nội địa được đánh giá rất có nhiều tiềm năng với hơn 90 triệu dân và tốc độ tăng trưởng bình quân 15-20%/năm. Sở dĩ thị trường nội địa khan hiếm hàng Việt và bị bỏ ngỏ do thời gian qua doanh nghiệp chỉ chú trọng xuất khẩu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng khi Việt Nam tham gia TPP, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng may mặc từ 20% hiện nay giảm xuống còn 0%, hàng ngoại sẽ tràn ngập và nguy cơ mất luôn thị trường nội địa là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Khi quay về thị trường nội địa, chúng tôi tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu; phát triển đội ngũ thiết kế, kinh doanh, điều tra nắm bắt thị trường; phát triển thêm sản phẩm mới; hình thành một trung tâm thời trang… Dù hiệu quả những năm đầu chưa cao, mạng lưới chưa sâu rộng, song khó khăn đến nay đã cơ bản vượt qua và bắt đầu tăng tốc. Ông Nguyễn Văn Hùng, |
Tuy nhiên, trong 2-3 năm trở lại đây, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lan rộng, xuất khẩu gặp khó, một số doanh nghiệp đã bắt đầu chăm chút, phát triển mạng lưới bán hàng nội địa. Cụ thể, trong năm 2011, doanh thu từ thị trường nội địa của các đơn vị thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đạt 17.200 tỷ đồng, tăng trưởng 15%; năm 2012 đạt 19.600 tỷ đồng, tăng trưởng gần 14%; năm 2013 đạt 22.500 tỷ đồng, tăng trưởng gần 15%. Ngoài ra, một số thương hiệu cũng đang nỗ lực khẳng định chỗ đứng trên thị trường nội địa như An Phước, Nhà Bè, Việt Tiến, May 10, Foci, Việt Thy, Blue Exchange…
Đơn cử như Tổng công ty 28 (Agtex), thay vì làm hàng xuất khẩu 100% như trước, 5-6 năm nay bắt đầu xây dựng và phát triển thị trường nội địa (80% xuất khẩu và 20% bán tại thị trường nội địa).
Từ một cửa hàng giới thiệu sản phẩm năm 2008, hiện Agtex phát triển trên 100 cửa hàng, đại lý, tập trung các siêu thị lớn. Doanh thu năm 2013 đạt 300 tỷ đồng với 500.000 sản phẩm. Mục tiêu năm 2014 là tiêu thụ 600.000 sản phẩm, doanh thu tăng lên 400 tỷ đồng.
Đại diện một doanh nghiệp cho rằng không riêng gì mặt hàng may mặc, rất nhiều ngành hàng khác cũng đang vận động người tiêu dùng với khẩu hiệu: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Dùng hàng Việt là yêu nước”.
Song, để làm tốt hơn, thiết nghĩ cơ quan Nhà nước phải nâng cao quản lý, không để hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả tràn lan. Bởi hiện nay đang tồn tại thực trạng hàng Trung Quốc không rõ nguồn gốc vừa rẻ, mẫu mã đa dạng, tuồn vào Việt Nam sau đó dán nhãn mác “Made in Vietnam”, đang khiến doanh nghiệp trong nước lao đao.
Chờ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu
Dù chịu sự tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may trong 2013 vẫn đạt kế hoạch đề ra. Và hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu là TPP, bởi đây là thị trường quan trọng nhất.
Khi TPP được ký kết, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào nội khối có thuế từ 17% xuống còn 0%. Tuy nhiên, danh nghĩa là vậy nhưng thực tế Việt Nam không hưởng hết. Thí dụ, lâu nay Việt Nam xuất khẩu 10USD/quần phải trả thêm 1,5USD thuế xuất khẩu. Nay không còn thuế, nhà xuất khẩu sẽ phải chia với chủ hàng theo tỷ lệ 50-50. Ông Phạm Xuân Hồng, |
Hiện nay kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam. Xuất khẩu năm 2013 sang khối TPP đạt khoảng 12 tỷ USD, riêng Hoa Kỳ chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu. Một số dự báo lạc quan cho rằng, khi TPP được ký kết, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 26,2 tỷ USD lên 37,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Bộ Công Thương đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may từ nay đến năm 2015 là 23-24 tỷ USD, đến năm 2020 là 36-38 tỷ USD; nâng tỷ lệ nội địa hóa đến 55% vào năm 2015 và 65% vào năm 2020.
Từ định hướng này của Bộ Công Thương, xuất khẩu vẫn là mục tiêu chính của ngành dệt may trong những năm tới. Vấn đề đặt ra là để khai thác được lợi thế của TPP và các FTA, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động nguyên phụ liệu đầu vào. Bởi khi Việt Nam giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng theo TPP, hàng ngoại trong khối TPP sẽ có cơ hội cạnh tranh với hàng nội.
Theo TS. Lê Bá Chí Nhân, giảng viên trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may rất lớn, trên 20 tỷ USD mỗi năm, nhưng nếu phân tích kỹ giá trị gia tăng của ngành rất thấp. Nguyên nhân muôn thuở vẫn do chưa chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào và phần lớn doanh nghiệp chỉ tham gia chuỗi sản xuất ở khâu gia công.
“Nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nguyên liệu, theo chương trình phát triển cây bông của Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2015 diện tích trồng bông đạt 30.000ha, định hướng đến năm 2020 tăng lên 76.000ha. Tuy nhiên, mục tiêu trên khó thực hiện, nếu không nói là phá sản khi căn cứ vào nguồn lực, điều kiện kỹ thuật, thổ nhưỡng và khí hậu nước ta” - ông Nhân nói.
Ưu đãi xây dựng vùng nguyên liệu
Nhằm xây dựng dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hướng về xuất khẩu và có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và thế giới, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3218/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, quy hoạch dệt may sẽ tập trung phát triển 7 khu vực gồm: đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, ĐBSCL và Tây nguyên. Dựa vào thế mạnh của từng vùng, quy hoạch định hướng tập trung đầu tư để hình thành các trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã; cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu; phát triển các dự án sợi, dệt, nhuộm; đẩy mạnh chuyên môn hóa các cây nguyên liệu dệt như bông, dâu, tằm…
Theo Vitas, quy hoạch đề ra nhiều mục tiêu to lớn, nhưng liệu từ chủ trương đến thực tiễn cần thời gian bao lâu hay chỉ quy hoạch cho có? Thí dụ, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguyên liệu, từ nhiều năm nay các doanh nghiệp dệt may đã đề xuất đầu tư nguồn nguyên phụ liệu nhằm chủ động sản xuất xuất khẩu, như đề xuất thành lập Trung tâm Cung ứng nguyên phụ liệu để tập hợp các nhà cung ứng nguyên phụ liệu Việt Nam và cả nước ngoài.
Tuy nhiên, dường như các cơ quan chức năng đang xem dệt may là ngành thâm dụng lao động nên không quan tâm đầu tư. Vitas cho rằng Nhà nước nên ưu đãi tối đa cho sản xuất nguyên phụ liệu, đồng thời hạn chế bớt dần ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc lĩnh vực may mặc. Hiện nay, doanh nghiệp FDI trong ngành giày da chiếm trên 80%, may mặc chiếm trên 60%. Ưu đãi quá, doanh nghiệp nước ngoài ào ào vào đầu tư, cạnh tranh về lao động, thị trường, giá… khiến doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh nổi.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may và doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu trong nước lâu nay chưa liên kết với nhau để tận dụng được lợi thế, cung chưa gặp cầu. Vì vậy, cần phải tăng cường kết nối trong nước, cũng như liên kết với các hiệp hội dệt may ở khu vực ASEAN.
Agtex đã chủ động giảm đơn hàng xuất khẩu, quay lại thị trường nội địa. |
Nhiều chuyên gia từng phân tích rằng ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang tập trung làm ở khâu sợi và may, còn nguyên liệu đầu vào như trồng bông, hóa chất, thuốc nhuộm chưa làm được. Hiện sản lượng bông trong nước chỉ đáp ứng được 1%, 99% phải nhập khẩu.
Do đó, để nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa, tới đây phải tiếp tục đầu tư công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may. Tuy nhiên, đầu tư dệt nhuộm cần vốn rất lớn, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phải được cụ thể hóa bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả, bên cạnh việc thu hút FDI. Chấp nhận miếng bánh bị chia đôi, song ít nhất đôi bên cũng có lợi, còn hơn nhập nguyên liệu của Trung Quốc để rồi không hưởng được gì.