Trước thềm năm mới, ngành tài chính đối mặt với nhiều nhiệm vụ quan trọng: Tăng thu, giảm bội chi; kiểm soát tính minh bạch, hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN); bình ổn giá góp phần đưa chỉ số giá tiêu dùng về mức một con số. Nhân dịp đầu năm, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (ảnh). Ông Huệ nhận định:
![]() |
Kinh tế thế giới năm 2012 được dự báo vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của khủng hoảng chính trị, nợ công, tăng trưởng kinh tế có khả năng giảm so với năm trước. Kinh tế suy giảm, nên nhu cầu nguyên - nhiên - vật liệu phục vụ sản xuất không cao, cung cầu đỡ căng thẳng. Vì vậy, giá cả có khả năng theo xu hướng giảm.
Tuy nhiên, nước ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn và tác động từ bên ngoài có thể đẩy giá cả theo xu hướng tăng. Để bình ổn giá cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.
Trước tiên, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, xóa bao cấp qua giá; thực hiện công khai, minh bạch giá hàng hóa, dịch vụ đi đôi với các giải pháp hỗ trợ những ngành sản xuất gặp khó khăn.
Cùng với đó, kiểm soát chặt tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá, chống bán phá giá và chuyển giá nội bộ; kiểm soát giá cả hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá, làm tốt việc đăng ký và kê khai giá; tích cực chấn chỉnh, sắp xếp mạng lưới kinh doanh, khắc phục tình trạng mua bán lòng vòng, lũng đoạn thị trường; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu; kiểm soát hiệu quả đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sử dụng linh hoạt công cụ thuế một cách có hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tăng thu, kiểm soát chi
PHÓNG VIÊN: - Năm 2011, Chính phủ tập trung cắt giảm chi tiêu công, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên nhưng tổng số chi ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn vượt dự toán 9,7%. Mức tăng chi khá lớn này cho thấy chính sách tài khóa chưa thể hiện vai trò tích cực trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô?
Bộ trưởng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: - Năm 2011, bội chi NSNN là 4,9% GDP, giảm 0,4% so với kế hoạch Quốc hội giao đầu năm. Tuy vậy, tổng chi NSNN năm 2011 vẫn vượt dự toán 9,7% là do thu NSNN năm 2011 đạt khá.
Bên cạnh đó, trong quá trình điều hành NSNN, các địa phương được sử dụng nguồn tăng thu trong năm mà ngân sách địa phương được hưởng theo quy định của Luật NSNN để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Do vậy, HĐND các cấp được giao dự toán chi cao hơn so với dự toán Quốc hội giao.
Năm 2012 Bộ Tài chính sẽ tăng cường chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc chi NSNN. Cụ thể chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương thực hiện tái cơ cấu đầu tư công; rà soát, hạn chế tối đa khởi công mới các công trình, dự án sử dụng vốn NSNN và trái phiếu chính phủ; rà soát, cắt giảm, sắp xếp các dự án đầu tư để tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2012; kiên quyết cắt giảm những công trình, dự án đầu tư kém hiệu quả hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích, phấn đấu giảm bội chi NSNN xuống dưới 4,8% GDP.
- Năm 2012 nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn đặt mục tiêu tăng thu ngân sách lớn. Các giải pháp ngành tài chính đặt ra để hoàn thành nhiệm vụ này là gì, thưa ông?
- Dự toán thu cân đối NSNN năm 2012 tăng 9,8% so với ước tính thực hiện năm 2011, trong đó thu nội địa không kể thu tiền sử dụng đất tăng 19,9%. Dự toán thu được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2012 là 6,5%.
Trong điều hành, Chính phủ chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất - kinh doanh và thu hút đầu tư trong năm mới. Đây là tiền đề để có thể tăng thu ngân sách.
Giải pháp của chúng tôi là điều hành chính sách thuế linh hoạt phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, giảm nhập siêu; tăng cường quản lý thu NSNN, chống thất thu, nợ đọng thuế, nhất là thất thu đối với các khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên và từ gian lận thương mại, gian lận kê khai thuế thông qua chuyển giá...
Tăng tính minh bạch, hiệu quả
- Giai đoạn 2012-2015, nước ta đặt nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu DNNN. Được biết, Bộ Tài chính đã thành lập Ban chỉ đạo về vấn đề này, sẽ triển khai ra sao?
Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, năm 2011 ngành tài chính đã nỗ lực phấn đấu và đạt được một số kết quả: Tiết kiệm chi thường xuyên đạt 3.721 tỷ đồng; phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư rà soát cắt giảm, ngừng khởi công mới hoặc điều chuyển vốn đầu tư với tổng số vốn 54.082 tỷ đồng. Nền kinh tế đã có chuyển biến, đạt được một số kết quả quan trọng: Lạm phát bắt đầu giảm, kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định, tăng trưởng hợp lý (tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt 5,8-6%)... Tuy nhiên, mục tiêu kiềm chế lạm phát chưa như mong muốn; thị trường tài chính, bất động sản tiếp tục giảm. Các doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng giá cả đầu vào biến động, lãi suất cao, hàng tồn kho lớn... Đây là những thách thức trong năm mới phải có giải pháp hóa giải. |
- Tính đến thời điểm 31-12-2010 có 12 tập đoàn, tổng công ty có số lỗ lũy kế hơn 26.110 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do công tác quản trị còn hạn chế; giá bán một số mặt hàng chưa hoàn toàn theo giá thị trường; khủng hoảng kinh tế thế giới tác động làm suy giảm kinh tế trong nước và nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài chưa được xử lý.
Mặt khác công tác thanh tra, kiểm tra trong việc quản lý và sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước chưa hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu ít, nhưng huy động nhiều vốn từ các nguồn vay khác nhau, đầu tư dàn trải, dẫn tới hệ số nợ cao, thanh khoản giảm.
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện những công việc cụ thể như: xác định rõ chức năng của Nhà nước và DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, thực hiện đa sở hữu các DNNN, kể cả tập đoàn và tổng công ty...
Về phần mình, Bộ Tài chính thành lập Ban chỉ đạo do Bộ trưởng làm Trưởng ban và đang khẩn trương xây dựng đề án. Trên cơ sở đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo xây dựng đề án chi tiết tái cấu trúc từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
- Những giải pháp nào ngành tài chính sẽ đưa ra trong thời gian tới nhằm minh bạch, công khai hoạt động DNNN?
- Minh bạch hoạt động của các DNNN lớn nhằm đánh giá đúng hiệu quả sản xuất kinh doanh, có giải pháp cơ cấu lại hoạt động, khắc phục những yếu kém của DNNN là chủ trương lớn của Chính phủ. Đối với doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến giá cả các mặt hàng như điện, xăng dầu... công tác này lại càng bức thiết.
Cụ thể, với xăng dầu, trong thời gian tới liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ nghiên cứu, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối công khai, minh bạch giá cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng; trình Chính phủ bổ sung, sửa đổi những nội dung như mở rộng điều kiện để các thành phần kinh tế cùng tham gia kinh doanh, thực hiện cạnh tranh bình đẳng; thiết lập cơ chế tính toán giá cơ sở để trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế các hành vi lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường khống chế giá cả, làm bất ổn thị trường.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.