Ngành vật liệu xây dựng: Đối mặt "cửa tử"

Thiếu vốn, nợ đọng, tồn kho, thua lỗ, tạm dừng sản xuất… đã làm các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) đang đứng giữa “muôn trùng vây”, khó khăn chồng chất khó khăn. Trong khi đó, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn tiếp tục đi xuống, mùa mưa cũng đã bắt đầu khiến lượng tiêu thụ đã thấp càng thấp hơn.

Thiếu vốn, nợ đọng, tồn kho, thua lỗ, tạm dừng sản xuất… đã làm các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) đang đứng giữa “muôn trùng vây”, khó khăn chồng chất khó khăn. Trong khi đó, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn tiếp tục đi xuống, mùa mưa cũng đã bắt đầu khiến lượng tiêu thụ đã thấp càng thấp hơn.

Khủng hoảng thừa

2012 có thể coi là năm khó khăn chưa từng có của ngành VLXD: triền miên tồn kho, lượng tiêu thụ giảm, cắt giảm sản xuất. Những tiên liệu của các chuyên gia từ nhiều năm trước về giai đoạn “khủng hoảng thừa” của ngành này dường như đã trở thành hiện thực. Bước sang tháng cuối cùng của quý III-2012, tình hình gần như không có nhiều cải thiện.

Các mặt hàng xi măng, gốm sứ vệ sinh, đá ốp lát… của Việt Nam đều rất mạnh. Tuy nhiên, sự đình đốn của thị trường BĐS cộng với nhiều yếu tố khác đã đẩy thị trường VLXD xuống dốc. Trong khi giá cả nhiên liệu, điện, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, lãi suất ngân hàng cao, tỷ giá ngoại tệ tăng, chi phí tài chính lên đến 20-30%, vốn lưu động thiếu đã làm DN VLXD phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất. Sản phẩm tồn kho khối lượng lớn, kinh doanh thua lỗ đã đẩy nhiều DN đến phá sản.

Ông Trần Văn Huynh,
Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép vẫn trầm lắng với 356.000 tấn trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ các năm là 500.000 tấn/tháng; tồn kho 315.00 tấn, cao hơn so với mức tồn kho các năm.

Hầu hết DN thép đều sản xuất dưới 60% công suất thiết kế, cắt giảm sản xuất và thậm chí phải ngừng sản xuất trong nhiều ngày để giảm sản lượng, như Thép miền Nam, Gang thép Thái Nguyên… Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng cho biết trong tháng 8-2012, tiêu thụ xi măng có tăng nhưng không đáng kể.

Cụ thể, trong tháng 8 sản lượng tiêu thụ xi măng cả nước đạt khoảng 4,15 triệu tấn, nhỉnh hơn vài chục ngàn tấn so với tháng 7-2012. Nhưng cũng giống ngành thép, DN xi măng tiếp tục đau đầu trước bài toán đầu ra cho sản phẩm, nhiều DN thua lỗ nặng.

Trên đà suy giảm, một số nhà máy xi măng đã phải giảm công suất khai thác hoặc tạm dừng để tránh thua lỗ thêm, như dây chuyền của Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, một số nhà máy xi măng thuộc Tập đoàn Sông Đà...

Tình cảnh khó khăn cũng bủa vây ngành gạch ốp lát, kính xây dựng, tấm lợp… Theo ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam, hiện tại toàn ngành gạch ốp lát mới khai thác khoảng 70% công suất, nhưng do sức mua sụt giảm nên tồn kho lên 1,2-1,3 triệu m2/tháng (tương đương với công suất cả năm của một số dây chuyền gạch ốp lát).

Sứ vệ sinh cũng tồn kho hơn 1 triệu sản phẩm, gấp 2 lần mức tồn kho bình thường. Hiện nay tổng lượng tồn kho của toàn ngành lên đến 3.000 tỷ đồng.

Ngành sản xuất kính và gia công kính xây dựng cũng rơi vào tình cảnh thê thảm khi  4 nhà máy kính nổi hiện có tổng lượng hàng tồn kho tương đương 5 tháng sản xuất, cá biệt có nhà máy tồn kho tương đương 7 tháng sản xuất. Mảng kính cán in hoa còn bi đát hơn, tới 3 trên tổng số 4 nhà máy buộc phải đóng cửa, khiến tổng sản lượng sản xuất từ 540 tấn thủy tinh lỏng/ngày giảm xuống còn 80 tấn/ngày.

Tại thị trường nội địa, kính nguyên liệu chỉ còn 10% thị phần. Các DN gia công kính giảm tới 20% lượng lao động, có DN chỉ hoạt động 1 ngày/tháng, thậm chí từ đầu năm đến nay không sản xuất ngày nào vì không có đầu ra… Trong đó Nhà máy kính Đáp Cầu đã phải dừng 1 dây chuyền 8 triệu m2/năm. Còn Hiệp hội Tấm lợp cho biết ngành cũng chỉ tiêu thụ 70% sản lượng, số còn lại vẫn đang loay hoay đầu ra.

Chật vật tự bơi

Cũng giống như DN BĐS, khó khăn tiếp nối từ đầu năm 2010 đã khiến nhiều DN VLXD buộc phải tìm hướng đi mới để tồn tại. Trong khi nhiều DN chấp nhận dừng một số dây chuyền sản xuất, kinh doanh kiểu cầm hơi, cũng có nhiều DN tích cực tìm kiếm công nghệ mới, vật liệu mới để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó có thể coi ngành xi măng là mảng sáng nhất về giải quyết hàng tồn kho sau nhiều năm triền miên dư cung.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), sau 8 tháng VICEM chỉ tồn kho khoảng 80.000 tấn clinker, tính cả tồn kho xi măng mới là 1,1 triệu tấn. Tiêu thụ đạt 95% công suất thiết kế.

Điều may mắn nhất lúc này là VICEM không bị lỗ dù phải trả nợ đầu tư đến hạn 4.500 tỷ đồng. Một số công ty thuộc VICEM như Hoàng Thạch, Bút Sơn… đã lựa chọn sản xuất dòng xi măng MC25 để bán ra thị trường và nhận được kết quả khả quan.

Theo bà Nguyễn Thị Tảo, Phó Tổng giám đốc Vicem Hoàng Thạch, trong tháng 8, Vicem Hoàng Thạch tiêu thụ hơn 300.000 tấn sản phẩm, trong đó xi măng khoảng 250.000 tấn. Riêng sản phẩm xi măng MC25 của công ty tung ra thị trường 4 tháng có mức tiêu thụ khoảng 15.000 tấn sản phẩm/tháng.

Theo các DN, loại xi măng mới này sẽ tăng độ dẻo cho vữa, giữ nước tốt hơn, chống thấm tốt, thời gian đông kết hợp lý, giá thành thấp hơn, chỉ 900.000 đồng/tấn tại nhà máy so với hơn 1 triệu đồng/tấn của xi măng bình thường. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế của các công ty xi măng trong thời điểm này bởi MC25 thuộc dòng xi măng có tỷ lệ clinker thấp.

Ván ép chất cao tại một nhà máy. Ảnh: CAO THĂNG

Ván ép chất cao tại một nhà máy. Ảnh: CAO THĂNG

Không được thuận lợi như xi măng, ngành thép đang phải chịu áp lực cao từ bên ngoài. Nhiều nước đang dư thừa thép nên ráo riết thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất thép song hành với đẩy mạnh xuất khẩu bằng mọi giá. Ngoài ra, Hoa Kỳ đang kiện bán phá giá với mặt hàng ống thép các bon tiêu chuẩn của Việt Nam, chuẩn bị kiện tiếp mặt hàng ống thép dẫn dầu. Malaysia chuẩn bị kiện Việt Nam xuất khẩu tôn mạ. Indonesia kiện sản phẩm ống thép cán nguội của Việt Nam…

Trong tình cảnh đó, một số DN ngành thép đã vượt khó bằng cách mở rộng thị trường tại khu vực miền Trung và Tây nguyên, nơi nhu cầu xây dựng đang rất lớn; đồng thời đổi mới dây chuyền, ứng dụng công nghệ tiên tiến để hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm và tìm đến những thị trường mới, tiềm năng hơn.

Không chỉ xi măng, thép, các DN VLXD khác cũng đang nỗ lực tìm hướng đi cho mình. Theo ông Nguyễn Công Cường, Phó Giám đốc CTCP Tập đoàn phát triển ĐMC (đơn vị sản xuất gạch không nung), thị trường khó khăn cũng là cơ hội cho các DN ứng dụng công nghệ mới, có sản phẩm vượt trội.

Trong khi các sản phẩm gạch nung gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ thì sản phẩm gạch không nung của công ty đang phải chạy hết công suất. “So với gạch nung, gạch không nung như gạch bê tông tạo hiệu quả vượt trội vừa giảm chi phí sản xuất, vừa giảm giá bán tính trên đơn vị m2.

Trung bình mức giảm sẽ khoảng 10% tùy loại. Đồng thời chất lượng vượt trội hơn, độ hút nước tốt hơn”- ông Cường nói. Nhiều DN gốm sứ xây dựng cũng đồng loạt cho ra mắt những sản phẩm chuyên biệt, có tính cạnh tranh cao và giá thành hợp lý để thu hút người tiêu dùng.

Lối đi nào cho ngành VLXD?

Trên thực tế, một vài điểm sáng trên không cứu nổi bức tranh đầy màu xám của thị trường VLXD Việt Nam. Số lượng DN sống khỏe, sống tốt gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay và từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình cũng không nhiều khả quan. Chính vì vậy, tìm một lối đi đúng đắn cho ngành VLXD vẫn là việc làm cấp bách.

DN VLXD chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế vẫn còn khó khăn, thị trường BĐS trầm lắng. Tuy nhiên cần tỉnh táo, bình tĩnh để suy xét gốc gác của mọi khó khăn, rồi phân loại những khó khăn ấy. Lỗi nào thuộc về DN thì DN phải tự thay đổi để tìm cách cứu mình. Lỗi nào thuộc về rào cản chính sách, cần thẳng thắn góp ý kiến đề xuất tham mưu để Bộ Xây dựng nghiên cứu giải pháp, kiến nghị Chính phủ giải cứu cho DN.

Ông TRỊNH ĐÌNH DŨNG,
Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Cách đây 1 năm, trả lời ĐTTC về tình hình DN ngành VLXD, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Trần Văn Huynh đã thẳng thắn thừa nhận: “Không cứu, sẽ chết hàng loạt”. Tuy nhiên, cứu như thế nào là vấn đề đáng bàn, bởi thị trường BĐS - nơi tiêu thụ chính của VLXD - tiếp tục trầm lắng.

Mới đây nhất, Hội VLXD Việt Nam đã đưa ra bảng danh mục đề xuất kiến nghị 8 vấn đề đang gây cản trở sự phát triển của DN VLXD, như đề nghị Nhà nước có chính sách kích cầu sản xuất VLXD; công trình Việt Nam phải sử dụng hàng VLXD sản xuất tại Việt Nam; thúc đẩy việc xây dựng hành lang pháp lý phát triển đường giao thông bê tông xi măng…

Bài toán đối với ngành VLXD đang khó giải hơn bao giờ hết bởi bản thân ngành đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: khủng hoảng thừa trong nước, không thể xuất khẩu, bản thân DN thiếu vốn, tính cạnh tranh thấp…

Theo nhiều chuyên gia, những tháo gỡ trong thời điểm hiện nay không vì tình thế mà phải hướng tới sự ổn định lâu dài, nghĩa là cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch ngành, thậm chí chấp nhận “chịu đau” bỏ một số DN làm ăn thua lỗ, đưa ra khỏi quy hoạch một số nhà máy ở những ngành đã quá dư thừa; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho những DN làm ăn tốt, khuyến khích ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Chỉ khi tăng sức “đề kháng” cho chính bản thân DN, ngành VLXD mới có thể phát triển vững bền.

Các tin khác