Ngày tết nghĩ về vẻ đẹp Việt

Cuộc sống cuồn cuộn những toan tính mưu sinh, chẳng mấy khi cho ai được phép trầm ngâm điều gì ngoài cơm áo. Ngẫm nghĩ về phạm trù thẩm mỹ lại càng giống thứ xa xỉ phẩm của con người hiện đại lúc nào cũng ám ảnh từng số dư trong tài khoản ngân hàng. Chỉ khi được tách khỏi dòng chảy ồ ạt ngỡ chừng bất tận ấy, chúng ta mới có đôi phút thảnh thơi suy tư cho riêng mình trước những đổi thay vừa đáng mừng vừa đáng lo của xã hội. Không quá mơ mộng cũng không quá lãng mạn, nhưng tôi thường nghĩ về vẻ đẹp Việt trong mỗi dịp có chuyến công tác xa.

Cuộc sống cuồn cuộn những toan tính mưu sinh, chẳng mấy khi cho ai được phép trầm ngâm điều gì ngoài cơm áo. Ngẫm nghĩ về phạm trù thẩm mỹ lại càng giống thứ xa xỉ phẩm của con người hiện đại lúc nào cũng ám ảnh từng số dư trong tài khoản ngân hàng. Chỉ khi được tách khỏi dòng chảy ồ ạt ngỡ chừng bất tận ấy, chúng ta mới có đôi phút thảnh thơi suy tư cho riêng mình trước những đổi thay vừa đáng mừng vừa đáng lo của xã hội. Không quá mơ mộng cũng không quá lãng mạn, nhưng tôi thường nghĩ về vẻ đẹp Việt trong mỗi dịp có chuyến công tác xa.

Mỗi lần máy bay cất cánh, từ ô cửa nhỏ xíu nhìn xuống, không hiểu sao tôi thường thấy nôn nao. Những tòa nhà cao tầng ngày càng ken dày khi nhìn từ Tân Sơn Nhất. Những cây cầu cong bắc qua con sông rực đỏ khi nhìn từ Nội Bài. Những cánh đồng mênh mông chao nghiêng đàn cò trắng khi nhìn từ Tuy Hòa. Những bãi cát trắng tiếp nối biển xanh ngàn trùng khi nhìn từ Cam Ranh. Những cánh rừng bạt ngàn ẩn giấu bao nhiêu huyền thoại khi nhìn từ Pleiku… Mỗi nơi đều rất khác biệt nhưng đều rất thân thương, vì đó là xứ sở tổ tiên mình đã khai khẩn, dựng xây và gìn giữ đến hôm nay.

Chính sự đa dạng của thiên nhiên đã kiến tạo con người Việt đặc thù và tâm hồn Việt phong phú. Quá trình hội nhập nhiều thử thách, đã xuất hiện không ít thái độ ái ngại về vẻ đẹp Việt. Thậm chí chỗ nọ chỗ kia dăm ba người có điều kiện đặt chân đến những quốc gia phát triển đã không hề giấu giếm sự dè bỉu và chê bai đối với những tồn tại sau lũy tre làng. Không sao cả, một dân tộc đang trưởng thành chấp nhận mọi vấp váp, nên những phê phán dẫu tích cực hay tiêu cực cũng là món quà soi rọi thú vị.

Vậy, để giới thiệu với bạn bè năm châu, vẻ đẹp Việt có gì? Một điệu ví dặm, một chiếc nón lá, một bộ cồng chiêng hay tô phở thơm phức? Nếu chỉ chọn một, e rằng rất khó, vì bản sắc Việt là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố Việt. Chúng ta có 54 dân tộc anh em trải dài từ địa đầu Móng Cái đến vùng phù sa bồi đắp mũi Cà Mau, mỗi miền đều có nét độc đáo, nên không thể có âm thanh chuẩn mực và càng không thể có nhan sắc chuẩn mực.

Sự lao động tận tụy và ứng xử ân cần liên tục sản sinh những giá trị mang cốt cách Việt. Giữa vùng kênh rạch Nam bộ, chiếc áo bà ba ra đời cũng được nông dân Bắc bộ yêu mến. Khi chiếc áo dài được họa sĩ Nguyễn Cát Tường và họa sĩ Lê Phổ công bố bản vẽ đầu tiên tại Hà Nội vào thập niên 30 của thế kỷ trước, ngay lập tức được các cô gái Huế và các thiếu nữ Sài Gòn ưa chuộng. Không thể nói khác hơn, sự cởi mở và dung hòa lẫn nhau đã giúp vẻ đẹp Việt cộng hưởng và lan tỏa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người Việt mở cõi và mở lòng bằng nền văn minh lúa nước. Nông thôn Việt ngàn đời đã tích tụ nhiều phẩm chất chịu thương chịu khó. Ý thức nguồn cội làm nên sự gắn kết họ hàng máu mủ, xóm giềng tương thân, huynh đệ đồng hương. Dù đã chịu lung lay qua 2 đợt chuyển biến, từ chữ Hán sang chữ Nôm, rồi sang chữ quốc ngữ, gia phả của mỗi dòng tộc vẫn đang được thiết lập lại một cách rõ ràng và chỉn chu. Nếp nhà yên ấm trở thành cơ sở cho cộng đồng cường thịnh.

 Người Việt chưa thể tự hào về văn hóa vật thể. Bởi lẽ chúng ta chưa có nhiều công trình kiến trúc đồ sộ khiến thế giới phải ngỡ ngàng. Thế nhưng, nhiều tài sản văn hóa phi vật thể của chúng ta khiến thiên hạ sửng sốt. Từ chiếu chèo đến đờn ca tài tử, từ hò khoan đến vọng cổ, từ hát ru đến bài chòi... đều được truyền lửa đam mê từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngược lại, trên bản lĩnh văn hóa có sẵn, người Việt dễ dàng tiếp nhận những làn gió mới của phương Đông và phương Tây một cách khéo léo.

Thuở xưa người Việt vốn nhuộm răng đen, nhưng bây giờ khắp nơi đều nhan nhản bảng hiệu nha khoa tẩy trắng răng và mỗi ngày trên truyền hình không đếm xuể những đoạn phim quảng cáo sản phẩm nâng niu hàm răng trắng. Người Việt biết cách tiệm cận xu hướng cách tân nhưng không bị nhấn chìm bởi trào lưu lập dị. Vì vậy, càng ngày thời trang của Hàn Quốc, nhạc kịch của châu Âu hay Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ càng không xa lạ với người Việt.

Nếu bàn về một bất cập trong vẻ đẹp Việt, tôi có chút băn khoăn về văn minh đô thị. Những người nông dân chân lấm tay bùn đã làm nên văn minh lúa nước, còn văn minh đô thị phải trông chờ ai? Muốn có văn minh đô thị phải có quý tộc thực sự. Chúng ta chỉ mới có người giàu mà chưa có người sang. Khoe biệt thự trăm tỷ hay khoe siêu xe triệu đô chỉ là biểu hiện của trọc phú. Khi những người lắm tiền biết theo đuổi những giá trị nhân văn cao đẹp thì văn minh đô thị sẽ được hình thành.

Các tin khác