Nghệ nhân cuối cùng của làng mộc Văn Hà

(ĐTTCO) - Thời hưng thịnh, làng mộc Văn Hà (xã Tam Thành, Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, có tuổi đời hàng trăm năm) luôn âm vang tiếng đẽo, đục, tiếng cưa xẻ gỗ… 
Rồi thời cuộc đổi thay, làng nghề mai một, nghệ nhân tài hoa dần khuất núi, duy nhất chỉ còn lão nghệ nhân Đinh Thạch (còn gọi Đinh Thẩm, 93 tuổi) còn sống với làng nghề.
Một đời với nghề…
Tìm tới làng mộc Văn Hà vào một buổi trưa hè nắng gắt. Con đường dẫn đến nhà lão nghệ nhân Đinh Thẩm ngoằn ngoèo, nằm khuất sau lũy tre làng. Dù vậy tôi cũng dễ dàng tìm được nhà cụ, vì ở đây ai cũng biết đến nghệ nhân Đinh Thẩm.  
 Ngồi giữa căn nhà nhỏ, nhấp ngụm trà xanh, tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn lão nghệ nhân cả đời dồn hết tâm huyết nối nghiệp gia truyền. Bàn tay tài hoa giờ đã chai sần vì chế tác hàng trăm sản phẩm. Song đến khi cuối đời, gia tài của cụ chỉ là căn nhà tuềnh toàng, cũ kỹ.
Ở làng mộc này, chỉ có nghệ nhân Đinh Thẩm là một trong những tay thợ chế tác tài hoa, chạm trổ, điêu khắc tinh xảo bậc nhất. Bước vào nghề từ năm 17 tuổi, từng theo cha anh đi khắp đó đây. Tới nay đã gần hết cuộc đời, cụ Thẩm chứng kiến bao thăng trầm của làng mộc Văn Hà. Cụ đau đáu nỗi niềm về nguy cơ thất truyền của làng mộc khi những nghệ nhân tài hoa đã dần vắng bóng, còn người trẻ chẳng mấy ai mặn mà nối nghiệp.
Ông nói: “Cả đời làm nghề dẫu vất vả nhưng vui vì được gắn bó với nghề. Mê lắm. Cực khổ mấy cũng chịu. Vui nhất là khi sản phẩm mình làm ra được người dùng đón nhận hoan hỉ. Cả đời bám nghề cũng chẳng dư giả gì, chỉ đủ nuôi con. Giờ sức khỏe yếu rồi, mắt đã mờ, ngồi đây mà tiếc, nhớ nghề lắm…”. 
Thời ông Thẩm trai trẻ cũng là lúc hoàng kim của làng mộc, chỉ với đôi bàn tay tài hoa ông đã nuôi cả đàn con khôn lớn, nên người. Thời của ông, quanh năm suốt tháng những đội thợ mộc Văn Hà tỏa đi khắp nơi để làm nên những ngôi nhà rường với những đường nét chạm khắc tinh xảo. Dấu tích ấy bây giờ vẫn còn hiện hữu ở làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) hay ở nhiều công trình nhà rường, nhà cổ khắp vùng Đại Lộc, Tiên Phước, Phú Ninh, Điện Bàn…
Cuối năm 2016, tròn 92 tuổi cụ Thẩm mới chính thức giải nghệ. Cả đời bám nghề tới khi giải nghệ, món quà duy nhất cụ để lại cho con cháu chỉ là bộ tủ thờ Phước - Lộc - Thọ được chính tay ông chế tác suốt gần 2 tháng trời. Chắt chiu, tỉ mẩn đẽo gọt, chạm trổ, thổi hồn vào từng đường vân, thớ gỗ để bức chạm trổ, điêu khắc hiện ra lung linh, thanh thoát, như hút hồn người chiêm ngưỡng. 
“Lối điêu khắc, chạm trổ thủ công xưa đòi hỏi sự kết hợp khéo léo của bàn tay và khối óc để biến mớ gỗ vô tri vô giác trở nên có hồn. Vật dụng trong mộc truyền thống chỉ đơn giản gồm cưa, xẻ, đục, bào, dao lam… chứ không phải dùng máy móc hiện đại như bây giờ. Tay làm, đầu óc suy nghĩ, thổi hồn vào đấy...
Tôi từng bao bận mải mê với mớ gỗ mà quên ăn. Cái nào mình làm ra mà người ta tán dương thì mình mới vui được” - ông chia sẻ. Và chính tay cụ Đinh Thẩm đã làm nên hàng trăm sản phẩm, nhiều nhà cổ vô giá với lối kiến trúc đặc trưng như: “tam nhị hạ thiên”, “tam gian tứ hạ”, “năm gian hai chái cổ lầu”… với những đường nét tinh xảo, khác người.
Dù gắn bó lâu nhất với nghề, nhưng cụ Thẩm cũng không biết làng nghề có từ thời nào. Chỉ nghe các vị cao niên trong làng kể lại, mộc Văn Hà đã nổi danh từ thế kỷ 17. Nhiều tay thợ tài hoa xứ Quảng cũng đã tham gia điêu khắc, chạm trổ nhiều tác phẩm trong cung đình Huế. Tên tuổi làng mộc Văn Hà cũng từ đó lan rộng khắp nơi ở miền Trung. Dân tứ phương đổ xô về Văn Hà đặt làm những vật dụng bàn ghế, tủ thờ, tủ quần áo, bàn trang sức… 
Trong số hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm, công trình mà các nghệ nhân Văn Hà để lại đáng kể nhất là chiếc bàn tự xoay. Ông bảo để đóng được chiếc bàn tự xoay, phải chọn những tấm gỗ hoàn hảo nhất. Bàn có 3 chân lượn sóng được gắn với trụ lớn (trụ chính đỡ mặt bàn) theo thế chân kiềng. Quan trọng nhất vẫn là bộ trục có 12 trụ tiện hình bình hoa nhỏ gắn khớp với mặt bàn.
Đây cũng là bí quyết rất riêng chỉ có người thợ Văn Hà mới có. Xưa chỉ có nhà giàu có, quyền quý mới mua nổi chiếc bàn xoay của thợ mộc Văn Hà. Ngay cả lão nghệ nhân Đinh Thẩm cũng không biết ai là người đầu tiên chế tác được chiếc bàn xoay. Chỉ nhớ ông nội ông (cố nghệ nhân Đinh Khói), rồi cha ông (cố nghệ nhân Đinh Văn Kỳ) cũng từng làm bàn xoay.
Nghệ nhân cuối cùng của làng mộc Văn Hà ảnh 1 Cụ Thẩm, nghệ nhân duy nhất của làng mộc Văn Hà bên chiếc bàn tự xoay độc đáo. 
Đau đáu một nỗi niềm
Cụ Thẩm nhớ rõ kỷ niệm vui của đời mình là năm 2010, Sở VH-TT - DL tỉnh Quảng Nam nhờ cụ sửa chữa, phục chế lại hai chiếc bàn tự xoay để mang đi hội chợ triển lãm sản phẩm độc đáo làng nghề truyền thống. Năm 2016, Hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ diễn ra ở Hà Nội, có sản phẩm Văn Hà góp mặt.
Hạnh phúc hơn khi cụ Thẩm vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Rồi nghe đâu, UBND xã Tam Thành cũng đã giải phóng mặt bằng, hướng tới xây dựng nhà trưng bày sản phẩm làng nghề, nhiều vật dụng, máy móc hỗ trợ làng nghề đã được tỉnh, huyện hỗ trợ. Từ sự vào cuộc của huyện Phú Ninh, lớp đào tạo nghề mộc đã được mở cho thanh niên huyện nhà, do cụ Thẩm đứng dạy. Song, học viên rơi rụng dần, chỉ còn vài thợ mộc trẻ bền chí theo nghề như: Phạm Miên, Trần Ngọc Tuấn, Đinh Văn Tri, Phạm Thanh. 
“Nhìn làng mộc hiu hắt, lụi tàn tôi buồn lắm. Liệu còn ai nối nghiệp? Ngay cả con cháu tôi, không đứa nào nối nghiệp cha ông, bởi mộc truyền thống lợi nhuận quá thấp, chúng bỏ làng đi lập nghiệp xa” - cụ Thẩm trầm buồn.
Dẫu biết vậy, song trong thâm tâm cụ vẫn đau đáu mong mỏi con cháu trong làng được tổ nghề phù trợ, mai kia biết đâu làng nghề đủ sức gượng dậy, phát triển. “Tôi mong làm sao phải giữ được nghề mộc truyền thống. Ở cấp trên quá chiếu cố rồi, không thể bỏ được đâu. Sắp tới sẽ phải xây nhà truyền thống, rồi thành lập nơi chạm nghề cho bài bản” - ông hy vọng. Song yếu tố cũng không kém phần quan trọng để thắp lửa làng nghề là phải tạo được thế hệ chân truyền tiếp thụ tinh hoa nghề mộc, tạo được lối đi và dáng nét riêng giữa dòng chảy sản phẩm mộc công nghiệp tràn lan…
Lão nghệ nhân Đinh Thẩm rồi cũng không nằm ngoài quy luật sinh-tử. Nỗi lo mai kia, “cây đại thụ” cuối cùng của làng nghề khuất núi thì làng mộc Văn Hà một thời nức tiếng sẽ đi về đâu? Nghe được câu nói của tôi với một cán bộ xã đi theo, chợt trong khóe mắt của cụ Thẩm ướt đẫm những dòng lệ và sâu thẳm đau đáu một nỗi niềm… 

Các tin khác