1.Thập niên 1960, là thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương ở miền Nam. Đi xem cải lương là khái niệm hưởng thụ văn hóa giải trí hàng đầu của khán giả nhiều tầng lớp, cả trí thức và bình dân, cả nông thôn và thành thị.
Những năm tháng đó nở rộ những soạn giả-thầy tuồng tài danh, những nhà thiết kế sân khấu-họa sĩ giỏi giang, những nhà quản lý-bầu gánh năng động, nhất là những thế hệ diễn viên-nghệ sĩ thanh sắc lưỡng toàn. Trăm hoa đua nở nên cần chọn đóa hoa thanh sắc nhất để xác định tiêu chuẩn và định hướng cho sự phát triển sân khấu cải lương lúc ấy. Đó là tiền đề cần thiết để Giải Thanh Tâm hình thành.
Giải Thanh Tâm là một giải thưởng quan trọng trong nền sân khấu cải lương Việt Nam, tồn tại từ năm 1958-1968, ra đời theo sáng kiến của nhà báo Thanh Tâm Trần Tấn Quốc, nhằm tạo một kênh thông tin thể hiện tinh thần cộng tác chặc chẽ giữa báo chí với cải lương. Tôn chỉ Giải Thanh Tâm ban đầu nhằm khuyến khích những tài năng trẻ trong bộ môn cải lương.
Đa số nghệ sĩ đoạt Giải Thanh Tâm đều cố gắng phấn đấu trở thành những diễn viên ngôi sao trong làng ca kịch, được nhiều thế hệ khán giả yêu mến trên sân khấu cải lương cho đến hôm nay. Nghệ sĩ Thanh Nga, người nhận Giải Thanh Tâm Triển vọng đầu tiên năm 1958 với vai sơn nữ Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới của soạn giả Kiên Giang và Quy Sắc, đã trở thành một nghệ sĩ cải lương thanh sắc lưỡng toàn, từng được khán giả mến mộ và tôn vinh là "nữ hoàng sân khấu".
Những năm về sau, Giải Thanh Tâm đã được nâng cấp và phát triển trở thành một giải thưởng danh giá, không chỉ tìm kiếm những tài năng trẻ mà còn trở thành một giải thưởng vinh danh những nghệ sĩ cải lương xuất sắc và những vở tuồng cải lương hay nhất trong năm.
Tầm vóc của Giải Thanh Tâm lớn vụt hẳn lên, biến thành một thước đo giá trị biểu đồ định hình, phát triển và chói sáng của người nghệ sĩ, đồng thời khẳng định cải lương đã trở thành một nghệ thuật biểu diễn chủ đạo trong ngành giải trí. Cải lương thuở ấy được xem là kỳ tú của sàn gỗ, trở thành một kênh thông tin phản ánh mọi mặt đời sống xã hội tích cực, có khả năng tác động mạnh mẽ đến sự định hướng của các lĩnh vực nghệ thuật khác.
2. Sau ngày nước nhà thống nhất, sân khấu cải lương Việt Nam bước vào một vận hội mới và phổ biến khắp mọi miền. Nhiều đoàn hát mới được thành lập với một thế hệ diễn viên chín mùi. Nhiều vở diễn nổi danh trước đây nay được đem dàn dựng lại cùng với những kịch bản cải lương mới, mang hơi thở của một đất nước vừa bước vào cuộc sống hòa bình.
Song vì nhiều lý do, sự phát triển ấy chậm lại và cải lương mất dần thế độc tôn trong ngành văn hóa giải trí ở những năm cuối của thập niên 80. Cần một cú hích để chấn hưng lại sân khấu cải lương và Giải Trần Hữu Trang ra đời. Giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TPHCM và báo Sân khấu TPHCM lập ra năm 1991, mang tinh thần tinh tuyển tài năng trẻ như Giải Thanh Tâm, đã xướng danh nhiều nghệ sĩ tài sắc như Vũ Linh, Phượng Hằng, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long...
Bà Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cho rằng Giải Trần Hữu Trang là dịp tập luyện ca diễn dành cho diễn viên trẻ sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Giải thưởng cũng đã xác định nhiệm vụ tìm kiếm và khẳng định những tài năng trẻ xứng đáng là lực lượng kế thừa cho các nghệ sĩ đi trước. Giải thưởng Trần Hữu Trang cốt khuyến khích các diễn viên trẻ có ý thức làm nghề, tôn trọng khán giả mộ điệu, giữ gìn đạo đức. Vì thế, Giải Trần Hữu Trang có 4 tiêu chuẩn để chọn lựa huy chương vàng: đầu tiên là thanh (giọng ca), kế đến là sắc vóc và kỹ năng biểu diễn, thứ ba là trình độ tri thức và cuối cùng là đạo đức.
Biểu diễn đờn ca tài tử tại khu du lịch vườn nhãn Bạc Liêu. |
3. Giải Thanh Tâm và Giải Trần Hữu Trang đều chung mục đích là nâng đỡ lớp nghệ sĩ trẻ có nhiều triển vọng với kỳ vọng họ sẽ thay thế các thế hệ đàn anh với phương châm tre già măng mọc. Song có một điều nhiều nhà chuyên môn hầu như đều nhất trí là Giải Trần Hữu Trang chưa bao giờ sáng giá được như Giải Thanh Tâm. Có thể bối cảnh phát triển của cải lương trong 2 thời kỳ khác nhau, dẫn đến những tiêu chí thẩm định có phần khác nhau.
Giải Thanh Tâm ra đời khi sân khấu cải lương ở miền Nam đang thời kỳ cực thịnh. Cải lương thuở ấy có hàng trăm đoàn hát lớn nhỏ, lan tỏa mạnh mẽ từ thành thị đến nông thôn, sân khấu hàng đêm sáng đèn liên tục với nhiều vở diễn mới. Người nghệ sĩ có một không gian biểu diễn quen thuộc, có lượng khán giả hâm mộ thân thiết, nên có thể cởi bỏ mọi âu lo, tập trung toàn bộ tâm lý, thần thái và kỹ năng để biểu diễn, với mục đích toát lộ toàn bộ cái hay của vai diễn và vở diễn.
Cho nên Giải Thanh Tâm được chấm theo cách hội đồng tuyển chọn đến các đoàn hát xem trọn vở để bình chọn vai diễn hay, rồi xét trao giải vào cuối năm, là một phương thức thẩm định đầy đủ và chính xác, phù hợp với bối cảnh thăng tiến của cải lương.
Giải Trần Hữu Trang ra đời trong bối cảnh cải lương bắt đầu thoái trào đầu những năm 90, không còn nhiều sàn diễn nên đã chọn cách tổ chức theo kiểu tập trung, thí sinh dự thi bằng các trích đoạn. Nét khác biệt giữa cách chấm Giải Thanh Tâm và Trần Hữu Trang ngoài việc tạo ra 2 khoảng cách nghề nghiệp, còn thể hiện rõ tiến trình phát triển và suy thoái của cải lương.
Ở mùa giải lần thứ 10 tổ chức tại Cần Thơ, Ban Tổ chức Giải Trần Hữu Trang đã tổ chức lại cách chấm như Giải Thanh Tâm, nghĩa là hướng đến công chúng, hội đồng nghệ thuật sẽ xuống các rạp chấm giải, sau đó bình chọn vào cuối năm. Song sân khấu cải lương ngày càng hiếm dịp sáng đèn, buộc ban tổ chức phải quay lại chấm chọn diễn viên triển vọng theo cách cũ.
Có ý kiến cho rằng hạn chế của Giải Trần Hữu Trang chính là trao quá nhiều huy chương vàng theo kiểu phong trào, mặt trận khi chia đều giải cho các đơn vị có gửi diễn viên đi thi. Hơn nữa, tình hình cải lương suy thoái khiến nhiều người bi quan.
Họ đặt vấn đề: cá cần nước mới sống được, nghệ sĩ cần có sân khấu mới trau dồi và phát huy được kỹ năng ca diễn của mình, mới có điều kiện xây dựng tên tuổi và đóng góp cho sự phát triển của cải lương. Sân khấu cải lương nay hiếm có dịp sáng đèn, nếu có đa phần cũng chỉ là trích đoạn vở diễn, nên khả năng diễn xuất lần hồi mai một.
Liệu có cần phải giữ Giải Trần Hữu Trang trong khi thực tế diễn viên cải lương đang mất gần hết những điều kiện hành nghề cơ bản. Song cũng có nhiều người nghĩ khác. Cải lương đang thời buổi khó khăn thì lại càng phải duy trì giải thưởng, bởi đó cũng là cách gìn giữ ngọn lửa đam mê nghề luôn âm ỉ trong lòng bất cứ những ai thực lòng yêu mến cải lương và theo đuổi nghiệp ca diễn vô vụ lợi. Rõ ràng việc chấn hưng nghệ thuật sân khấu cải lương không thể một ngày một buổi.
4. Điều đáng mừng là nghệ thuật cải lương mới đây đã được Nhà nước có những định hướng quan trọng để vực dậy loại hình ca kịch dân tộc này, trong đó có việc đầu tư cho thế hệ nghệ sĩ trẻ. Mặt khác, vì tính chất chuyên nghiệp và hiệu quả của các huy chương vàng, giải thưởng Trần Hữu Trang đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ ban lãnh đạo các tỉnh, thành trong việc chăm chút cho các thí sinh dự giải.
Năm nay, giải thưởng Trần Hữu Trang được tổ chức trong bối cảnh nghệ thuật đờn ca tài tử vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tiếng vang ấy góp phần giúp giải mở rộng phương thức tổ chức, quy mô hoạt động bằng sự kết hợp thực hiện cùng các đài truyền hình, các đơn vị tỉnh, thành phía Nam.
Chúng ta có quyền hy vọng rằng ngày cải lương lại thường xuyên sáng đèn không còn xa nữa, Giải Trần Hữu Trang lại được trọng vọng và là một bệ phóng đúng nghĩa để những tài năng trẻ đủ điều kiện tỏa sáng trên bầu trời cải lương, góp phần tạo nên một giai đoạn hoàng kim mới của nghệ thuật sân khấu ca kịch dân tộc đầy hấp dẫn này, chứ không phải chỉ là tiếng thở dài đầy tiếc nuối khi nhìn lại một thời vang bóng Giải Thanh Tâm xưa.