Nghẽn lệnh: Không có lựa chọn hoàn hảo

(ĐTTCO)-Tình trạng chậm lệnh, kẹt lệnh những ngày gần đây tạo nên sự bức xúc lớn trong cộng đồng NĐT. Hàng loạt giải pháp được đưa ra nhưng mổ xẻ kỹ đều có hạn chế. Điều quan trọng hơn là trong các lựa chọn bị giới hạn và không hoàn hảo, giải pháp ít xấu nhất nhưng dễ thực hiện nhất và có hiệu quả nhất vẫn là tốt nhất.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Giảm tải hệ thống: Những lựa chọn khó
Bất kỳ hệ thống giao dịch nào, dù tinh vi hiện đại đến đâu cũng có giới hạn của nó. Hệ thống giao dịch đang sử dụng tại sàn HOSE có tuổi đời khá lâu nên không thể đáp ứng được nhu cầu trong bối cảnh thanh khoản gia tăng cấp số nhân như hiện tại.
Thực tế giới hạn này cũng đã được nhìn thấy từ trước nên mới có chuyện xây dựng hệ thống giao dịch mới (KRX của Hàn Quốc). Nếu không vì lý do dịch bệnh Covid bùng phát đầu năm 2020 và kéo dài suốt cả năm, có thể hệ thống này đã đón đầu được sự bùng nổ giao dịch. 
Tuy nhiên, việc đổ lỗi cho dịch bệnh lúc này là không cần thiết. Trong khi chờ đợi hệ thống mới vận hành thì điều quan trọng nhất là đảm bảo thị trường hoạt động chính xác và liên tục.
Hàng loạt lựa chọn được đưa ra: Nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 CP lên 100 CP và cao hơn là 1.000 CP; tăng bước giá từ 10 đồng lên 100 đồng hoặc cao hơn; chuyển niêm yết bớt CP đang có trên HOSE sang HNX; ký gửi một phần giao dịch CP qua hệ thống giao dịch của sàn HNX.
Việc nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 CP lên 100 CP đã được thực hiện từ ngày 4-1-2021 và theo thông tin từ HOSE cũng giảm tải được khoảng 15-18% số lượng lệnh. Tuy nhiên tình trạng nghẽn giao dịch vẫn xảy ra, nghĩa là hiệu quả chưa đủ. Do vậy việc nâng tiếp lô tối thiểu lên 1.000 CP được cho là sẽ giảm tải 40-50% số lượng lệnh. 
Nhưng nâng lô tối thiểu từ 10 lên 100 đã vấp phải những chỉ trích gay gắt, rằng giải pháp đó đã “tước cơ hội” giao dịch của các NĐT nhỏ lẻ. Vì thế khi nâng tiếp lô tối thiểu lên 1.000 CP càng gây bão dư luận. Có khá nhiều CP thị giá cao (từ 50.000 đồng trở lên) đang giao dịch, nghĩa là lượng vốn tối thiểu để mua cũng sẽ tăng lên và cứ như lý do phản đối ban đầu, việc sử dụng lô 1.000 bị cho là đang “đuổi khách”.
Mặt khác khi một bộ phận NĐT không mua được CP thị giá cao, sức cầu sẽ sụt giảm ở các mã này và có thể ảnh hưởng đến biến động giá.
Thực ra việc nâng lô giao dịch lên 1.000 sẽ dễ được chấp nhận hơn nếu có nhiều lựa chọn theo thị giá. Chẳng hạn CP có giá trên 100.000 đồng thì mới áp dụng lô tối thiểu 1.000, CP từ 50.000 đồng đến dưới 100.000 đồng áp dụng lô nhỏ hơn. Rắc rối nảy sinh là khi CP biến động giá quanh ngưỡng giới hạn thì quy định lại thay đổi.
Điều này cũng làm tăng tải của hệ thống giao dịch của CTCK, chưa kể khả năng chỉnh sửa tham số hệ thống của các công ty cũng là vấn đề, nhất là khi giải pháp này cũng chỉ là tạm thời.
Giải pháp tăng bước giá cũng là một lựa chọn, về kỹ thuật không làm giảm tổng số lệnh vào hệ thống. Lựa chọn này nếu có, hướng tới mục đích khác, là làm tăng chi phí giao dịch đối với các hệ thống robot đang sử dụng chiến thuật arbitrage (chênh lệch giá), và từ đó làm giảm hoạt động đặt lệnh của nhóm này.
Tuy nhiên tăng khoảng cách bước giá cũng gây thiệt hại cho tất cả các giao dịch bình thường khác. Đây là thiệt hại có thực, trực tiếp và ngay lập tức đối với mọi NĐT (giống như các sàn Forex đang áp dụng). Giải pháp này gây tác dụng phụ lâu dài trong khi cũng không hạn chế giao dịch robot hiệu quả bằng việc nâng lô tối thiểu.
Lựa chọn chuyển sàn đang gây phản ứng nhất định về việc “hạ cấp” doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên đó chỉ là nhận định chủ quan của một vài ý kiến. Để chuyển ngược niêm yết từ HOSE về HNX cần có sự tự nguyện và chấp thuận của cổ đông, chứ không chỉ mệnh lệnh hành chính. Cơ quan quản lý đang kêu gọi sự tự nguyện từ doanh nghiệp, do đó giải pháp này cũng không mấy hứa hẹn về hiệu quả vì chưa rõ số lượng, chưa kể thời gian sẽ kéo dài về mặt thủ tục.
Mặt khác, nếu chỉ là tạm thời, sau khi có hệ thống mới doanh nghiệp lại chuyển trở lại HOSE, tạo nên vòng luẩn quẩn. Thực ra việc hệ thống giao dịch nghẽn chỉ tác động đến các NĐT thứ cấp mua bán hàng ngày, còn các cổ đông lớn, ông chủ doanh nghiệp hầu như không quan tâm mà đó lại là tiếng nói quyết định trong đại hội cổ đông.

Ký gửi giao dịch: Hiệu quả ngắn hạn, chi phí cao
Giải pháp thú vị nhất là ký gửi một phần giao dịch sang hệ thống giao dịch của HNX. Ý tưởng của giải pháp này là một số CP sẽ chuyển sang giao dịch trên hệ thống sàn HNX thay vì HOSE và giảm tải đúng bằng quy mô giao dịch hàng ngày của các mã này.
Hệ thống của HNX đang thừa tải (đã chạy thử tải đến ngưỡng 12-15 triệu lệnh) nên việc nhận thêm vài chục mã hay cả trăm mã CP từ HOSE không khó.
Tuy nhiên giải pháp này lại có hạn chế là các CTCK phải chỉnh sửa tham số hệ thống để gửi lệnh đúng sàn. Khó khăn đặt lên vai thành viên thị trường nhiều hơn do còn liên quan đến việc quản lý margin.
Vì vậy các CTCK cần thời gian để chỉnh sửa phần mềm hệ thống, làm tăng chi phí. Nếu đây chỉ là một giải pháp trong ngắn hạn, thì sau khi có hệ thống mới lại phải điều chỉnh lần nữa. Nhưng không phải CTCK nào cũng sẵn lòng làm điều này, mà nếu chỉ một số công ty thực hiện thì lại tạo ra sự bất công trong giao dịch.
Mặt khác, việc liên thông dữ liệu giữa hệ thống của HNX và HOSE cũng là vấn đề. Chỉ số VN Index là đại diện cho toàn bộ CP đang niêm yết trên HOSE, tức là bao gồm cả số CP “ký gửi giao dịch” trên hệ thống của HNX. Việc cập nhật dữ liệu giá liên tục trong phiên để tính VN Index là không thể mà chỉ làm được vào cuối ngày.
Đặc biệt CP thuộc VN30 chắc chắn không thể ký gửi, vì còn liên quan đến chỉ số cơ sở cho thị trường phái sinh. Điều này sẽ khiến việc phân tích kỹ thuật dựa trên VN Index trở nên méo mó vì các mức giá mở cửa, đóng cửa, cao nhất, thấp nhất không chính xác.
Còn một lựa chọn rất dễ nữa ít được nhắc tới là chấp nhận tình trạng nghẽn hệ thống ở một thời điểm nào đó, nghĩa là không cần làm gì cả vào lúc này, vì hệ thống mới đang được gấp rút triển khai. Thực tế là hệ thống đã nghẽn từ cuối năm 2020 và đã tồn tại nhiều tháng nay.
Thị trường phần nào tự điều tiết thanh khoản và tần suất nghẽn đã giảm đi. NĐT có thể linh hoạt thời điểm giao dịch khi hệ thống chưa bị nghẽn, vì hàng ngày vẫn có cả chục ngàn tỷ đồng được khớp. 

Các tin khác