Bài ca “thiếu đủ thứ”
Dệt may là ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam luôn lọt vào top ngành hưởng lợi khi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực. Thế nhưng việc hưởng lợi ấy vẫn chỉ nằm trên lý thuyết, vì dệt may lâu nay vẫn vướng nút thắt không đáp ứng tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ. Bởi, để được giảm thuế theo quy định tại EVFTA, sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ quy tắc về xuất xứ và thỏa mãn 2 điều kiện: vải sử dụng để tạo thành sản phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU; việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU.
Dù vậy, EVFTA cũng có cam kết linh hoạt về xuất xứ cộng gộp. Cụ thể với trường hợp nếu vải được DN sử dụng có xuất xứ từ nước có FTA với EU và cả Việt Nam (như Hàn Quốc) cũng được coi là xuất xứ hợp lệ. Song hiện nay DN Việt Nam vẫn chủ yếu nhập nguyên liệu của Trung Quốc, còn Hàn Quốc nhập rất ít và cũng không phải là thị trường cung ứng nguyên liệu lớn nên mẫu mã không đa dạng, giá thành lại cao.
Thực tế chiến lược phát triển CNHT cho ngành dệt may không phải đến khi EVFTA có hiệu lực mới được nhắc đến, mà là nguyện vọng lâu nay của DN ngành may. Bởi việc chủ động nguyên liệu có thể giúp DN chuyển qua làm hàng với hình thức cao hơn như FOB hay ODM, thay vì gia công với giá trị gia tăng thấp như hiện nay. Song ngành may mới tự cung ứng được 25-30% nhu cầu nguyên phụ liệu, trong đó mảng dệt còn rất hạn chế. Nguyên nhân do DN chưa đủ tiềm lực đầu tư nhà máy nguyên phụ liệu có quy mô tương đối. Chẳng hạn, để đầu tư cho nhà máy sản xuất vải quy mô 10 triệu m/năm cần khoảng 30 triệu USD (gần 700 tỷ đồng). Đây là con số quá sức so với hầu hết DN, chưa kể nếu có khả năng đầu tư, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là thách thức không nhỏ.
Không chỉ ngành may, CNHT của Việt Nam nói chung đến nay vẫn rất yếu. Câu nói Việt Nam không sản xuất nổi chiếc ốc vít trong một hội thảo với Samsung, đã từng làm nhức nhối nhiều DN. Tương tự, ngành công nghiệp phụ trợ ô tô của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn nhiều hạn chế. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tính đến tháng 8-2019, Việt Nam có 276 nhà cung cấp linh kiện phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, trong khi Malaysia 627 công ty, Indonesia 729 công ty và Thái Lan hơn 2.000 công ty.
Thiếu vốn đã làm nhiều DN không thể đầu tư. Trước thực tế này, nhiều địa phương đã tiên phong việc hỗ trợ một phần lãi vay cho DN, như TPHCM đã sớm đưa ra các gói kích cầu đầu tư. Nhưng đến nay mới có 24 dự án được phê duyệt trong tổng số 1.500 dự án tiếp cận chương trình. Thiếu vốn, yếu công nghệ và dung lượng thị trường trong nước nhỏ, đã khiến DN loay hoay với câu hỏi đầu tư trước rồi đi tìm khách hàng, hay tìm kiếm được đầu ra mới đầu tư. Bởi lẽ, chi phí đầu tư không nhỏ, nếu không làm hết công suất sẽ lâu thu hồi vốn... Tất cả đã làm kìm hãm tốc độ phát triển ngành CNHT Việt Nam bao lâu nay.
Chờ lực đẩy từ Nghị quyết 115
Chờ lực đẩy từ Nghị quyết 115
Nghị quyết 115 đã đưa ra nhiều giải pháp sát sườn với sự phát triển của ngành CNHT, như tiếp tục chính sách ưu đãi lãi suất với DN CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo (Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất tối đa 5%/năm); nâng cao năng lực DN CNHT thông qua xây dựng các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng từ vốn đầu tư của trung ương và địa phương (cụ thể sẽ có 5 trung tâm, trong đó 3 trung tâm lĩnh vực cơ khí, 2 trung tâm lĩnh vực dệt may, da giày); phát triển chuỗi giá trị trong nước thúc đẩy liên kết giữa DN Việt và DN đa quốc gia, xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành; xây dựng đề án thí điểm đầu tư các khu công nghiệp tập trung…
Chỉ tính riêng ngành cơ khí nghị quyết mới có nhiều nội dung đáng quan tâm. Thí dụ, việc xây dựng khu công nghiệp tập trung, các DN trong Hội Cơ khí điện TPHCM đã kiến nghị TP từ hơn 5 năm nay nhưng chưa tiến hành được. Hy vọng Nghị quyết 115 sẽ tạo ra động lực để sớm hình thành các khu công nghiệp như mong muốn của DN. Thêm nữa việc lập trung tâm kỹ thuật vùng trong đó ngành cơ khí có 3 trung tâm cũng đang được DN chờ đợi. Bởi lâu nay các DN nhỏ không thể đầu tư hết máy móc, thiết bị, nếu có trung tâm kỹ thuật sẽ hỗ trợ tốt cho DN. Tuy nhiên, vấn đề khai thác, vận hành hiệu quả trung tâm này không đơn giản, vì trước đó đã có một số trung tâm như trung tâm nghiên cứu chế tạo sản phẩm mới chưa phát huy được tác dụng với DN.
Nhiều nội dung mới chứa đựng kỳ vọng của DN, song hầu hết DN quan tâm là hành trình triển khai của Nghị quyết 115, bởi con đường từ nghị quyết đến hành động vốn chưa khi nào ngắn. Thế nên mục tiêu cho một số ngành, như đến năm 2025 tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành dệt may đạt 65% e khó thực hiện được. Bên cạnh đó, dù Nhà nước có nghị quyết sát sườn, các bộ ngành vào cuộc tích cực, để đạt được mục tiêu như kỳ vọng cần sự quyết tâm của chính DN.
“Đầu tư vào mảng CNHT là con đường đầy thách thức, đòi hỏi DN phải có ý chí, nội lực và đây là bài toán mà mỗi chủ DN phải tự quyết định. Khi chúng tôi đầu tư dự án hơn 100 tỷ đồng đã phải xác định con đường đi lâu dài, hiệu quả thu về sau 5, 10 năm thậm chí 15 năm mới nhìn thấy được” - ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội DN cơ khí điện TPHCM, chia sẻ.
Ông HUỲNH ANH TUẤN, chuyên gia cao cấp dự án USAID-LinkSME : Nâng cao tính chuyên nghiệp của DN Trước khi nhắc đến sự trợ lực của Chính phủ, tự thân các DN phải thay đổi nếu muốn tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài. Trong suốt hơn 5 năm qua khi cùng các cộng sự đi tìm kiếm các nhà cung ứng Việt Nam cho các DN FDI, tôi nhận thấy có vài điểm cần lưu ý. Thứ nhất, việc báo giá sản phẩm của DN trong nước thường cao hơn 30-50% so với sản phẩm của Trung Quốc. Thậm chí với khách hàng đến từ châu Âu, Mỹ việc báo giá cao hơn rất nhiều. Điều này dựa vào mong muốn của DN hơn là những tính toán kỹ thuật. Vì thế, DN đừng muốn “ăn ngay” từ đơn hàng đầu tiên, mà có thể chấp nhận lỗ trong vài đơn hàng đầu (coi như chi phí đầu tư, học hỏi). Nếu quyết tâm thay đổi có thể từ đơn hàng thứ 5 DN sẽ cạnh tranh giá tốt và có lời. DN cũng cần chú ý đến thời gian báo giá. Thông thường các DN phải mất 3 tuần mới có thể báo giá, thêm vài tuần trả giá, làm mẫu… mất rất nhiều thời gian. DN nên đưa ra mức giá cơ bản trước để khách hàng tham khảo, sau đó đưa ra mức cuối cùng. Thứ hai, phản hồi của nhiều DN Việt chưa tích cực. Sau khi DN giới thiệu sản phẩm, khách hàng yêu cầu báo giá nhưng nhiều DN báo giá chậm, thậm chí không có phản hồi. Làm như vậy tên DN sẽ bị xếp vào danh mục độ tín nhiệm thấp, sau này rất khó được đưa vào danh sách dù giá tốt hay sản phẩm ổn định. Thứ ba, phải có năng lực thực sự. Nhiều DN nói hay nhưng khi xuống nhà máy không thấy máy móc sản xuất, DN nói sẽ liên kết với DN A, B, C… sẽ khiến đối tác cảm thấy rủi ro cao. Có căn bệnh cố hữu của không ít DN là làm hàng mẫu tốt nhưng khi sản xuất hàng loạt chất lượng lại không ổn định. Ngoài ra nhiều DN ít tập trung vào các tài sản vô hình (quản lý chất lượng, số hóa, con người, tư duy lãnh đạo…). Đa số DN Việt vẫn còn suy nghĩ nhân công của mình rẻ nên có thể cạnh tranh được với nhiều quốc gia, nhưng thực tế năng suất lao động ở nhiều nước cao hơn nhiều lần nên tưởng rẻ lại không rẻ. Cuối cùng là tính chuyên nghiệp của DN. DN nên tập trung làm một dòng sản phẩm thay vì cái gì cũng ôm hết. Khi có thể làm nhà cung ứng cho một đối tác lớn, cơ hội trở thành nhà cung ứng cho các đối tác khác cũng rất cao. Thanh Dung (ghi) |