Đây cũng là vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân khi tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay.
Không có tài sản, khó vay vốn
Ông Nguyễn Hồng Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt sản xuất bột rau quả sấy tại huyện Củ Chi (TPHCM) với nhiều mặt hàng có mặt trong các siêu thị và nhiều chuỗi phân phối lớn, cho biết: “Thời gian trước, nhiều Ngân hàng thương mại (NHTM) không hỗ trợ vay vốn vì tôi có tài sản là đất nằm trong vùng “quy hoạch treo”.
"Mới đây, Agribank đã “mở đường” cho tôi vay lãi suất ở mức 6%-9%/năm. Dù lãi vay không phải là thấp nhưng quan trọng nhất là tiếp cận được vốn kịp thời để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư vào công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường”.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh một ngân hàng thương mại ở TPHCM Ảnh: HOÀNG HÙNG
Về trường hợp này, một lãnh đạo NHTM tại TPHCM thừa nhận, tài sản bảo đảm là “lá chắn” của ngân hàng khi cho vay, nhưng vẫn có DN được vay vốn không cần tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc vào từng DN mà NHTM sẽ xem xét, thẩm định để lựa chọn phương thức cho vay phù hợp. Chẳng hạn như yếu tố niềm tin của ngân hàng đối với khách hàng, khách hàng truyền thống của ngân hàng; dòng tiền thu - chi của khách hàng có 100% qua sự quản lý của ngân hàng… thì ngân hàng mới dám cho vay.
Trong khi đó, đa số các DNNVV có sổ sách không minh bạch để chứng minh cho ngân hàng nên khó được vay theo phương án tín chấp. “Tùy “khẩu vị” rủi ro mà mỗi ngân hàng cho vay tín chấp hay không.
Tuy vậy, ngân hàng cũng phải tuân thủ quy trình chặt chẽ để đảm bảo không bị mất vốn. Cán bộ tín dụng cũng phải “thủ thế” vì khi trở thành nợ xấu có khả năng mất vốn, cán bộ tín dụng có nguy cơ bị xử lý hình sự”, vị này nói.
Mặt khác, trên thực tế có tài sản đảm bảo cũng chưa chắc đảm bảo được vay. Tuần trước, tại hội nghị kết nối ngân hàng - DN tại TP Thủ Đức (TPHCM), khi nói về những phản ảnh của một số DN cho biết khó tiếp cận vốn vay dù có tài sản nhiều, ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh khu vực 2 giải thích, để được vay vốn, DN và hộ kinh doanh cũng cần chứng minh phương án kinh doanh có hiệu quả và sử dụng vốn đúng mục đích để các tổ chức tín dụng quản lý khoản vay đúng quy định pháp luật.
Ngân hàng cho vay nhằm mục đích phát triển sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm và hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, ngân hàng không cho vay để giữ tài sản hay bán tài sản của DN.
Cần hành lang pháp lý
Trước chủ trương bơm vốn mạnh cho khối tư nhân, nhiều ngân hàng hồ hởi triển khai. Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết, trong năm 2025 được NHNN phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng khoảng 13%, tương ứng khoảng 230.000 tỷ đồng, Agribank xác định chủ yếu sẽ cho vay với khách hàng là khối kinh tế tư nhân.
Hiện Agribank đã triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi dành cho nhiều nhóm đối tượng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực then chốt như xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, DNNVV.

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại ở TPHCM. Ảnh: MINH HUY
“Agribank khẳng định sẽ đồng hành, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, để cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng, các DNNVV cần nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính, đặc biệt là sổ sách kế toán, đồng thời củng cố năng lực quản trị. Đây là điều kiện để ngân hàng đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động và mức độ tin cậy của DN, từ đó sẵn sàng đồng hành và cung cấp nguồn vốn phù hợp”, bà Phùng Thị Bình nhấn mạnh.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, cũng cho biết, hơn 95% khách hàng DN của ACB là DNNVV. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, ACB đã triển khai loạt giải pháp tín dụng ưu đãi để hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn, chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Cụ thể, ACB triển khai gói tín dụng 40.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ đồng dành riêng cho DNNVV, với mức lãi suất thấp hơn 2% so với thông thường. Ngân hàng cũng cho vay tín chấp, tài trợ theo chuỗi cung ứng và hỗ trợ các DN xuất khẩu.
“Chính sách về tín dụng được đưa ra trong Nghị quyết 68 định hướng ưu tiên một phần tín dụng thương mại cho DNNVV là một bước tiến rất quan trọng, tuy nhiên cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ phát triển DNNVV là rất cần thiết.
Những quỹ này sẽ đóng vai trò như “bệ đỡ trung gian”, cùng ngân hàng chia sẻ rủi ro, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng mạnh dạn hơn trong việc cấp vốn cho những DN tiềm năng, có mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo”, ông Từ Tiến Phát kiến nghị.
Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để các ngân hàng có thể gia tăng cho vay tín chấp thì phải hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý về các khoản vay. Trong đó, cơ chế kiểm soát rủi ro, các tiêu chí tín nhiệm, cơ sở dữ liệu sản xuất, hợp đồng liên kết và năng lực tài chính của khách hàng phải được đánh giá kỹ ngay từ giai đoạn thẩm định và xem xét hỗ trợ vốn.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các cơ chế pháp lý chung về bảo lãnh, kiểm soát rủi ro, ràng buộc trách nhiệm của các bên nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn và hạn chế tối đa rủi ro cho ngân hàng.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước ĐÀO MINH TÚ:
Cải cách mạnh mẽ hơn trong cơ chế cho vay
Dư nợ tín dụng cho vay đối với DN tư nhân tính đến cuối năm 2024 đạt khoảng 7 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023, chiếm 44% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, 100 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ cho vay DNNVV, với tổng dư nợ 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2023, chiếm 17,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. DNNVV được NHNN xác định là đối tượng ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi, khi lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường, hiện là 4%/năm.
Tuy nhiên, để vốn ngân hàng thực sự trở thành “bệ phóng” cho kinh tế tư nhân cần có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong cơ chế cho vay, mở rộng mô hình đánh giá tín dụng dựa trên dữ liệu giao dịch thay vì chỉ tập trung vào tài sản đảm bảo. Cùng với đó, việc phát triển các quỹ bảo lãnh tín dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tài chính cũng là giải pháp quan trọng giúp DN tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.