Nghịch lý sản lượng, lợi nhuận

Thép được xem là lương thực của các ngành công nghiệp. Từ những tòa nhà chọc trời, cho đến những chiếc máy giặt, đều cần đến thép. Năm 2013, dự kiến sản lượng thép toàn cầu sẽ gia tăng lên mức kỷ lục 1,55 tỷ tấn, bất chấp việc tiêu thụ khó khăn do kinh tế suy thoái.

Thép được xem là lương thực của các ngành công nghiệp. Từ những tòa nhà chọc trời, cho đến những chiếc máy giặt, đều cần đến thép. Năm 2013, dự kiến sản lượng thép toàn cầu sẽ gia tăng lên mức kỷ lục 1,55 tỷ tấn, bất chấp việc tiêu thụ khó khăn do kinh tế suy thoái.

Châu Âu: cắt giảm sản lượng

Năm 2006, khi thực hiện thương vụ M&A với Arcelor để trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal (MT), Mittal đã phải thỏa thuận tiếp tục duy trì công ăn việc làm cho đội ngũ nhân công của Arcelor với chính phủ các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, thời gian gần đây MT đang tìm cách để phá vỡ những thỏa thuận này khi có ý định đóng cửa 2 lò cao và cắt giảm việc làm tại Nhà máy Florange.

MT đã bỏ ra 43 tỷ USD để đầu tư trong giai đoạn 2006-2011, nhưng giá trị vốn hóa của MT trên sàn chứng khoán hiện chỉ vào khoảng 26 tỷ USD. Những con số này đã đặt ra câu hỏi liệu MT nói riêng và các doanh nghiệp ngành thép nói chung có khả năng tạo ra lợi nhuận cho cổ đông từ các dự án đầu tư trong dài hạn của mình hay không?

Ông Jeff Largey,
chuyên gia phân tích CTCK Macquarie Securities (Anh)

Điều này khiến chính phủ Pháp đe dọa sẽ quốc hữu hóa nhà máy của MT. Cũng dễ hiểu, bởi giá năng lượng và chi phí nhân công đắt đỏ, kèm theo những điều kiện khắc nghiệt về môi trường, đã đe dọa sự tồn tại của những nhà máy thép đang gặp khó khăn.

Để có thể cầm cự tại thị trường châu Âu, cắt giảm sản lượng gần như là giải pháp duy nhất đối với các nhà máy thép này, bởi đã có một số dự báo nhận định nhu cầu sử dụng thép tại châu Âu có thể giảm thêm khoảng 50 triệu tấn/năm, về mức khoảng 100 triệu tấn/năm.

Ngoài những khó khăn nội tại, ngành thép tại châu Âu còn phải đối mặt với các nhà sản xuất thép Trung Quốc. Vào giai đoạn cao điểm, Trung Quốc có thể chiếm phân nửa sản lượng tiêu thụ thép toàn cầu, nên hiện nay chỉ cần ngành thép nước này “hắt hơi sổ mũi”, hoặc các nhà sản xuất tại đây đẩy mạnh lượng cung hàng hóa là có thể tác động rất mạnh đến giá thép toàn cầu.

Lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc hiện nay dù chỉ vào khoảng 30-50 triệu tấn/năm, chiếm một phần nhỏ so với sản lượng của nước này (khoảng 750 triệu tấn), nhưng cũng đủ khiến một số quốc gia có ngành sản xuất thép lâu đời như Nga, Ukraine hay Hàn Quốc phải lao đao.

Tại Hoa Kỳ, tình hình có khá hơn đôi chút khi Ngân hàng Jefferies đưa ra nhận định mức tiêu thụ thép trong năm nay sẽ gia tăng khoảng 2,8%. Nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục xu hướng phục hồi, kèm theo các nguồn nguyên liệu như đá phiến sét, gas đã hỗ trợ đáng kể cho ngành thép.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành này cũng nhận được một số khoản cho vay hỗ trợ. Tuy nhiên ngành thép tại nền kinh tế số 1 thế giới cũng vấp phải sự cạnh tranh từ khu vực Mỹ Latin, nơi có nhiều lợi thế về nguồn nhân công cũng như năng lượng giá rẻ.

Châu Á: bài toán thị phần

Việc Trung Quốc phát triển ngành thép để phục vụ cho nền kinh tế của mình cũng tương tự như châu Âu trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Nhìn một cách tổng thể, nhu cầu đối với ngành thép vẫn gia tăng, chỉ có điều lượng cung lại tăng nhanh hơn.

Điều này đã khiến các cuộc cạnh tranh trong ngành thép trở nên gay gắt hơn, giá bán tiến sát đến giá thành sản xuất, khiến lợi nhuận trở nên teo tóp. Hơn nữa, khi đã sản xuất ở quy mô lớn, nhu cầu sử dụng nguyên liệu đầu vào bao gồm quặng sắt, than cốc, điện cũng sẽ rất lớn.

Các doanh nghiệp thép muốn tồn tại phải tính đến bài toán thị phần. Ảnh: LONG THANH

Các doanh nghiệp thép muốn tồn tại phải tính đến bài toán thị phần.
Ảnh: LONG THANH

Các nhà sản xuất thép có thể sẽ phải thương lượng tương đối vất vả với các nhà cung cấp nguyên liệu để đầu vào được ổn định, đảm bảo không có rủi ro. Trong khi đó, các loại thị trường kỳ hạn liên quan đến thép cũng chỉ có quy mô nhỏ, thanh khoản thấp, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sử dụng các sản phẩm phái sinh để kiểm soát rủi ro về giá.

Đối với Việt Nam, thực trạng hiện nay trong ngành thép là mỗi khi một nhà sản xuất mới ra đời, thường trong khoảng 1-2 năm đầu sẽ phải chịu thua lỗ để có thể thâm nhập thị trường. Đây là một quy luật vô cùng khắc nghiệt.

Mới đây, một nhà sản xuất thép lá cán nguội trong nước đi vào hoạt động, đã bán ra sản phẩm với giá giảm hơn so với mặt bằng giá chung, khiến các nhà sản xuất khác phải điêu đứng. Năm ngoái, khi Pomina (POM) tiến hành thâm nhập thị trường phía Bắc, chỉ riêng công ty con phụ trách thương mại của POM đã bị lỗ gần 26 tỷ đồng.

Hiện tại, mỗi kg thép xây dựng chỉ đem lại lợi nhuận 100 đồng, nếu phải gánh thêm chi phí lãi vay, đồng thời cho khách hàng trả chậm từ khoảng 45 ngày trở lên xem ra còn bị lỗ ngược. Trong khi đó, nói như lời của một người đã hơn 20 năm kinh doanh thép, bây giờ có lấy kính hiển vi soi cũng không tìm ra được dự án xây dựng, bất động sản nào mới, nên chỉ cần có cơ hội tiêu thụ, nhiều người sẽ phải tìm cách bán cho bằng được, nhiều khi bất chấp giá cả.

Thực tế trên của ngành thép nước ta cho thấy trong ngắn hạn, bài toán giữa sản lượng, lợi nhuận vẫn chưa thể tìm ra lời giải thỏa đáng. Nếu không mở rộng sản lượng, tìm kiếm các nguồn tiêu thụ tiềm năng, kiểu như một số tập đoàn thép trên thế giới đang hướng đến các quốc gia có ngành công nghiệp nặng phát triển, khả năng mất thị phần, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh rất lớn.

Nhưng nếu tiếp tục đầu tư, nguồn lợi nhuận ít ỏi và triển vọng không mấy sáng sủa trong ngắn hạn của ngành thép cũng là một rủi ro lớn.

Các tin khác