Trước tình trạng tắc nghẽn tín dụng, ứ đọng vốn huy động từ trái phiếu, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 28-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành phải nhanh chóng giải ngân vốn cho xây dựng cơ bản, khẩn trương đưa tiền vào nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ứ đọng tiền, tắc tín dụng
![]() |
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến ngày 20-1 giảm 1,21%, huy động tiền gửi giảm 0,98%, đều là mức giảm mạnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Vừa qua, NHNN công bố tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD đến ngày 20-2 tiếp tục giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Nhiều phân tích cho rằng tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm giảm là vấn đề mang tính quy luật, bởi vào thời điểm này người dân và doanh nghiệp không vay đầu tư nên nhu cầu tín dụng không cao.
Thay vào đó nhu cầu rút tiền để chi trả, thanh toán lại tăng cao nhất trong năm. Tuy nhiên, diễn biến này đang khiến lo ngại về mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 12-14%. Năm 2012, tăng trưởng tín dụng âm một mạch trong cả nửa đầu năm.
Tính đến hết ngày 31-5-2012, tăng trưởng tín dụng vẫn âm 0,28% cho đến giữa tháng 6 mới quay đầu tăng 0,17%. Năm 2013, tín dụng tháng đầu năm cũng âm và những tháng tiếp theo của nửa đầu năm cũng tăng trưởng rất ì ạch và bất ngờ tăng vọt trong 2 tháng cuối năm để cán mốc 12,51%. Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2014 cũng âm 1,6%, trong khi lượng tiền gửi trong hệ thống NHTM lại tăng 0,83%.
Nhiều lo ngại sự hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn khó khăn nên hiện tượng tín dụng “no dồn đói góp” có thể tái diễn trong năm nay. Đặc biệt hiện tượng “thổi phồng” tín dụng trong tháng cuối năm để lấy thành tích phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm tiếp theo của các ngân hàng (NH).
Tại hội nghị sơ kết chương trình kết nối doanh nghiệp - NH năm 2013 vừa diễn ra tại TPHCM, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã kêu gọi các NHTM cố gắng giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó đưa lãi suất ngắn hạn về mức 7-8%/năm thay vì 9%/năm như hiện nay, giảm lãi suất trung dài hạn xuống 10%/năm thay vì 9-12%/năm. Cho vay tiểu thương tại các chợ, mức 9%/năm cũng tạm chấp nhận được nhưng phải mở rộng diện tiếp cận vốn, giảm thiểu thủ tục sao cho thông thoáng hơn. |
Lý giải tình trạng ứ đọng tiền và tắc tín dụng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết bội chi ngân sách 20.000 tỷ đồng, bằng 9% dự toán. Nhưng đáng lo ngại hơn là dù ngân sách huy động được tới gần 57.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, nhưng lại đang được Kho bạc Nhà nước mang đi gửi NH, không được giải ngân cho các dự án.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, tiền huy động bị ứ đọng không chỉ khiến nền kinh tế đói vốn, sẽ đe dọa thanh khoản hệ thống NH nếu xảy ra tình trạng kho bạc bất ngờ rút tiền. Ông Bình cũng kiến nghị Kho bạc Nhà nước chỉ nên duy trì khoảng 20.000-25.000 tỷ đồng để gối đầu, còn lại phải sớm giải ngân.
Lãnh đạo 2 Bộ Tài chính và NHNN cũng thừa nhận nếu không sớm giải ngân, khơi thông dòng tín dụng cho doanh nghiệp, nền kinh tế thời gian tới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho biết trong 2 tháng đầu năm, dự trữ ngoại hối tăng thêm 4 tỷ USD. Đáng chú ý, dịp cuối năm lượng tiền đổ về NHTM rất lớn nhưng NHNN đã có phương án hút tiền để ngăn chặn việc NH dùng tiền dư “ôm” ngoại tệ, gây áp lực lên tỷ giá.
Đưa nhanh tiền vào sản xuất
Trước tình trạng doanh nghiệp đang cần vốn nhưng dư nợ tín dụng tăng trưởng âm, Thủ tướng yêu cầu NHNN phải có giải pháp đưa nhanh tiền vào sản xuất kinh doanh, nhưng rải đều không để dồn nén vào các tháng cuối năm.
Theo đó, trước mắt nguồn tiền dành để đầu tư các dự án đã được huy động đủ, nguồn vật liệu và lực lượng xây dựng có sẵn, NHNN cần sớm vào cuộc giải ngân vốn cơ bản. Bên cạnh đó, vốn đối ứng ODA đã có sẵn, phải quyết liệt giải phóng mặt bằng, giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) triển khai đẩy nhanh các dự án, tạo đà tăng trưởng ngay từ đầu năm.
“Doanh nghiệp đang cần vốn, NHNN tìm mọi cách đưa vốn vào sản xuất kinh doanh. Cần đẩy nhanh giải ngân vốn cho các dự án trong mùa khô nhưng phải đi liền với kiểm soát chất lượng, đừng để thất thoát, tiêu cực” - Thủ tướng chỉ đạo.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nêu đề xuất một chương trình mới để hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Thứ nhất, tín dụng phục vụ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Thứ hai, tín dụng phục vụ mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp.
Thứ ba, tín dụng phục vụ xuất khẩu nông thủy sản. Về cơ cấu tiền tệ, NHNN đã dự kiến theo hướng thời hạn vay, khối lượng vay và lãi suất phù hợp. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh đề xuất của Thống đốc NHNN và yêu cầu triển khai ngay trong quý I-2014.
“Không cần nói gói hỗ trợ bao nhiêu, hàng trăm ngàn tỷ đồng cũng được, với điều kiện có đối tượng cho vay, thời hạn cho vay hợp lý, phải đủ độ dài của sản xuất nông nghiệp. Về lãi suất mặt bằng phải thấp hơn cho vay thương mại. Như vậy là rất tốt, đó là ủng hộ trực tiếp cho nông dân, cho sản xuất nông nghiệp” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Theo đó, từ ngày 1-1-2014, NHNN hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân vay vốn để mua máy, thiết bị như máy làm đất, sấy cà phê, nông sản, thủy sản... với mức vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa. Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% trong năm thứ 3.
Quyết định trên cũng nhấn mạnh ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ người vay vốn phần chênh lệch lãi suất cho vay thương mại với lãi suất tín dụng đầu tư phát triển để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch, các dự án chế tạo máy... Mức vay tối đa bằng 70% giá trị dự án. Thời gian cho vay theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư nhưng không quá 12 năm.