Một thời gian dài ngoại tệ trên thị trường tự do lặng sóng khi cơ quan chức năng tiến hành xử lý mạnh tay việc mua bán ngoại tệ trái phép theo Nghị định 95 của Chính phủ. Tuy nhiên, thị trường này đã nóng trở lại và dẫn dắt cả thị trường ngoại tệ chính thức. Nguyên nhân là do những bất ổn từ thị trường vàng.
Ai làm giá?
Ảnh minh họa. |
Sau khi tăng thêm 10 đồng/USD lên mốc 20.813 đồng/USD vào ngày 14-12, đến cuối tuần qua NHNN giữ nguyên tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mốc này trong 4 ngày liên tiếp. So với ngày 7-9 - Thống đốc NHNN tuyên bố kiểm soát tỷ giá tăng không quá 1% từ nay tới cuối năm - tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng 185 đồng/USD, tương đương 0,9%.
Tại các NHTM, giá bán USD vẫn được niêm yết kịch trần 21.021 đồng và giá mua vào 21.010-21.020 đồng. Cuối tuần qua có ngân hàng đã nâng giá USD chuyển khoản lên bằng giá bán USD tiền mặt. Trong khi đó, giá USD mua bán trên thị trường tự do ở TPHCM và Hà Nội đã tăng cao 21.340-21.450 đồng/USD, tăng 30-50 đồng so với ngày trước đó.
Hiện tại khoảng cách giữa giá USD tự do và ngân hàng chênh lệch 300-500 đồng/USD. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến USD thị trường tự do tăng giá mạnh không đến từ việc NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, mà do chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Điều này dẫn đến nhu cầu gom USD nhập lậu vàng gia tăng, tạo cơ hội làm giá cho giới đầu cơ ngoại tệ. Nhiều ý kiến còn cho rằng không chỉ giới đầu cơ ngoại tệ trên thị trường tự do làm giá, mà chính các NHTM cũng đang âm thầm gom USD, đẩy giá USD chính thức lẫn thị trường tự do tăng cao.
Ngay như việc các NHTM tham gia bình ổn thị trường vàng sử dụng vàng tài khoản để cân đối trạng thái cũng gây ảnh hưởng lên tỷ giá. Do mua vàng với giá cao khi thị trường thế giới giảm mạnh có thể dẫn tới thua lỗ, các NHTM không vội hạ giá vàng bán trong nước sớm để bù lỗ mà tăng gom USD để bù đắp cho ký quỹ.
Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần cho biết, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa cuối năm của doanh nghiệp gia tăng, cộng với cầu ngoại tệ cho đáo hạn tín dụng, nên thực tế tỷ giá USD trong ngân hàng lên đến 21.400 đồng, vượt trần tỷ giá quy định của NHNN.
Các doanh nghiệp thời điểm này được ngân hàng bán USD là mừng nên cũng chấp nhận giá cao thông qua việc hạch toán qua nhiều loại phí khác nhau.
Tuy nhiên, lợi dụng cầu USD đang cao trong khi cung khan hiếm, không loại trừ các NHTM găm USD để làm giá, “đánh quả” nhằm về đích lợi nhuận cuối năm. Thời điểm này việc làm giá ngoại tệ có thể được khi lãi suất tiền đồng đang có xu hướng giảm.
Nỗi lo tỷ giá từ vàng
Theo một chuyên gia ngân hàng, khả năng giảm giá của tiền đồng vào đầu năm tới thấp, nhưng cần thận trọng với tỷ giá. Chênh lệch về lượng huy động và cho vay bằng ngoại tệ lên tới 6 tỷ USD, được tài trợ chủ yếu bởi dòng vốn ngắn hạn.
Những ngày gần đây có thời điểm lãi suất huy động bằng ngoại tệ tăng lên mức 5%/năm áp dụng với khách hàng VIP, dù trần lãi suất huy động áp dụng đối với khách hàng cá nhân là 2%/năm. Điều này cho thấy cầu ngoại tệ trên cả thị trường mua bán và thị trường huy động, cho vay cũng đang trở nên khan hiếm.
Nhiều dự đoán, NHNN sẽ neo tỷ giá cho đến hết năm 2011 và bước sang năm 2012 mới có thể có những biện pháp điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp với thực tế.
Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng phát đi thông điệp rằng năm 2012 sẽ có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ để đảm bảo tăng trưởng tín dụng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động vốn.
Đồng thời điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung, cầu ngoại tệ, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế và các cân đối vĩ mô. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục mạnh tay xử lý các vi phạm trong mua bán ngoại tệ trái phép theo Nghị định 95 của Chính phủ, đồng thời NHNN cần có giải pháp xử lý nhanh vấn đề thị trường.
Bởi hiện nay thị trường vàng đang tiếp tục quấy nhiễu thị trường ngoại tệ. Tại sao phạt mạnh tay với các vi phạm ngoại tệ nhưng với các doanh nghiệp vàng lại không hề bị thanh tra NHNN “đụng chạm”, trong khi giá niêm yết đã cho thấy có dấu hiệu làm giá, đầu cơ.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, các định chế tài chính nước ngoài đưa ra nhiều cảnh báo cho kinh tế Việt Nam, trong đó cảnh báo việc tỷ giá hối đoái đang đứng trước sức ép tăng rất lớn, chủ yếu là tăng trưởng tín dụng ngoại tệ rất nhanh.
Ngoài ra, lạm phát của Việt Nam cao hơn nhiều so với lạm phát Hoa Kỳ nên tiền đồng vẫn bị một sức ép phá giá. Năm nay cán cân thanh toán quốc tế lần đầu tiên sau 4 năm đã thặng dư với dự kiến khoảng 3,5-4 tỷ USD, giúp thâm hụt thương mại của Việt Nam giảm đáng kể, tác động quan trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, biến động của giá vàng đang là nỗi lo cho tỷ giá.
“Nhìn vào cán cân thanh toán tổng thể có thể thấy vàng tác động rất mạnh vào cán cân thanh toán. Trong cán cân thanh toán tổng thể có 2 tài khoản: tài khoản khác và tài khoản sai sót. 2 tài khoản này chiếm năm cao nhất là 10 tỷ USD và năm thấp nhất là 7 tỷ USD (năm 2011).
Trên thực tế các con số này đều có sai sót, phần lớn từ nhập lậu vàng. Ngoài ra có những sai sót nhất định về thống kê, hạch toán, nhưng chủ yếu là tình trạng nhập lậu vàng. Cộng 2 tài khoản này, 7 tỷ USD năm 2011 là không hề nhỏ. Điều này cho thấy nếu không giải quyết được bài toán thị trường, bài toán tỷ giá sẽ vẫn chưa có lời giải” - ông Nghĩa nói.