Thêm luồng gió mới cho NH
Hiện NHNN đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo này. Điểm đáng chú ý của dự thảo là bổ sung quy định “trong trường hợp đặc biệt sẽ thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc”, tức Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐTNN tại TCTD, có thể vượt giới hạn quy định nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ (VĐL) của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc. Như vậy, những NH yếu kém đang đứng trước cơ hội được mở rộng cửa hơn trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, trình độ quản trị cao. Nếu tìm được đối tác chiến lược nhờ cởi trói room ngoại, các NH này sẽ nhanh chóng tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh.
Nhìn lại từ ngày 1-1-2020, Thông tư 41/2006/TT-NHNN chính thức có hiệu lực, quy định chi tiết về hệ số an toàn vốn CAR theo tiêu chuẩn Basel II, áp lực tăng vốn của các nhà băng ngày một gia tăng. Trong 3 năm qua, hệ thống NH trong nước cũng đã có những nỗ lực rất lớn trong việc tăng VĐL. Cuối năm 2019, tổng VĐL của khối NHTM có vốn nhà nước là 155.153 tỷ đồng và của khối NHTMCP đạt 284.698 tỷ đồng. Còn theo số liệu gần nhất được NHNN công bố tại thời điểm cuối tháng 10-2022, tổng VĐL của khối NHTM có vốn nhà nước là 190.410 tỷ đồng và của khối NHTMCP là 452.947 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguồn vốn chính đóng góp vào việc tăng VĐL chủ yếu nhờ các NH tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trong khi đó, cánh cửa tăng vốn bằng phương thức bán vốn cho đối tác nước ngoài rất được kỳ vọng nhưng chỉ có một vài NHTM quy mô lớn thực hiện. Ở thời điểm hiện tại, hút vốn ngoại cũng gặp nhiều hạn chế khi một số NHTM quy mô lớn đã có tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐTNN chạm hoặc gần chạm trần 30%.
Bởi theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP, tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐTNN không vượt quá 30% VĐL của một NHTM Việt Nam; tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân NĐTNN không quá 5% VĐL; tỷ lệ của tổ chức nước ngoài không quá 15% VĐL; tỷ lệ NĐT chiến lược không quá 20% VĐL; tỷ lệ NĐTNN và người có liên quan không quá 20% VĐL. Với mức tỷ lệ sở hữu đó dẫn đến việc nguồn vốn đầu tư của khối ngoại vào các nhà băng chỉ mang tính chất đầu tư tài chính, chưa đủ để họ tham gia vào việc quản trị, quản lý và điều hành NH, hỗ trợ hoặc cải thiện tình hình tài chính… Thời gian qua, nhiều NĐTNN kỳ cựu đến từ châu Âu, và cả đối tác chiến lược cũng đã dần rút vốn khỏi NH Việt Nam vì tỷ lệ sở hữu này khiến họ bị hạn chế tiếng nói. Vậy nên sự cởi mở của dự thảo đã tạo ra một tín hiệu sáng hơn cho thị trường.
Nhưng vẫn phải chờ…
Tuy vậy, tín hiệu tốt này vẫn phải chờ xem có được thông qua hay không, và khi thông qua có được thực thi hay không? Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực (từ 1-8-2020), Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các TCTD của EU được nâng mức nắm giữ lên tối đa 49% VĐL của 2 NHTMCP Việt Nam (không áp dụng với 4 NHTM có vốn nhà nước là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank), song đến nay vẫn chưa có các thông tin chính thức về việc này. Hay trước đó, NHNN cũng nhiều lần khẳng định Việt Nam mong muốn các NĐTNN tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu NH. Song qua nhiều năm, trần room ngoại đối với các NHTM vẫn chưa có sự thay đổi.
Trong khi đó hiện nay có rất nhiều lý do cần phải nới room ngoại cho các NH. Thứ nhất, trên bình diện chung, các NHTM vẫn đang có nhu cầu tăng vốn để tăng trưởng tín dụng, thêm nguồn lực xử lý dứt điểm nợ xấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thành Basel II và tiến đến Basel III. Hiện dòng tiền trong nước chỉ đáp ứng được một phần, và nhiều nhà băng rất kỳ vọng có dòng tiền quy mô từ NĐTNN để có thể “lớn nhanh hơn”.
Thứ hai, Chiến lược phát triển ngành NH năm 2025 định hướng 2030 có mục tiêu “3-5 NH niêm yết cổ phiếu trên thị trường nước ngoài vào năm 2025”. Nhưng để một NH niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài vốn phải có tầm cỡ. Cụ thể, quy mô tổng tài sản của NH đó phải lên đến 50 tỷ USD, vốn chủ sở hữu tối thiểu cũng phải 5 tỷ USD mới vươn ra khu vực. Vì vậy muốn đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải nới room cho các NĐTNN, họ không chỉ hỗ trợ về vốn mà còn có kinh nghiệm để các NH trong nước có thể vươn ra thị trường thế giới.
Thứ ba, trong một lần trao đổi với ĐTTC, TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (Anh), cũng đề cập nâng hạng thị trường chứng khoán là mục tiêu của Việt Nam. Tuy nhiên, khi xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán, room ngoại nói chung của cả nền kinh tế là điều các tổ chức xếp hạng đều đề cập đến. Tức Việt Nam muốn nâng hạng phải mở room cho NĐTNN. Nếu quá thận trọng Việt Nam không lên hạng trong khi các quốc gia cùng nhóm được lên hạng.
Có thể chứng minh cho lời của chuyên gia nói trên bằng câu chuyện tháng 6-2022, Việt Nam lại một lần nữa không được tổ chức xếp hạng uy tín thế giới Morgan Stanley Capital International (MSCI) đưa vào danh sách xem xét việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Vì trong 17 tiêu chí xếp hạng, MSCI đánh giá Việt Nam không đạt 9 tiêu chí, trong đó có tiêu chí “giới hạn sở hữu nước ngoài”.
Trong bối cảnh như vậy, việc giới hạn room ngoại đối với các NH ở mức 30% thời gian qua, tương tự như chúng ta đang tự ép mình nhỏ lại so với “kích cỡ” thực tế. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu ở năm 2011, mở room ngoại có thể dẫn đến những rủi ro lớn vì thời điểm đó chưa có Basel, chưa có các biện pháp quản lý chặt chẽ từ NHNN như hiện nay. Nay câu chuyện đã khác. Hệ thống NH hiện nay có tiềm lực tài chính tốt, có dự trữ ngoại hối tốt. Giả sử có các vấn đề xảy ra trong ngắn hạn, tiềm năng của Việt Nam vẫn có thể vay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc NH Thế giới (World Bank) để giải quyết.
Với quan điểm thận trọng, các chuyên gia đề xuất nới tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài không đại trà mà phân loại theo nhóm, nới room theo đánh giá xếp loại của NHNN, trong đó các NHTMCP hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30% như đã quy định.
Việc giới hạn room ngoại đối với các NH ở mức 30% thời gian qua, tương tự như chúng ta đang tự ép mình nhỏ lại so với “kích cỡ” thực tế.