Lo sợ nếu áp giá cũ với cách tính mới
Ngày 2-8, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Tân Nguyễn Thị Ngọc Dung, ký Thông báo 8185/CCTBT-TB&TK gửi “Quý người nộp thuế” về việc giải quyết thủ tục hành chính hồ sơ. Theo đó, thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng bất động sản (BĐS), lệ phí trước bạ nhà đất, kể từ 1-8 chờ Quyết định của UBND TP ban hành để điều chỉnh Quyết định 02/2020/QĐ-UBND, tức chờ bảng giá đất mới áp dụng từ thời gian nào.
Do đó, Chi cục Thuế quận Bình Tân thông tin đến “Quý người nộp thuế” có một số loại thủ tục hành chính thuế được tiếp nhận từ ngày 1-8, có thể không trả kết quả giải quyết hồ sơ theo đúng thời hạn quy định.
“Sự chậm trễ này đã gây phiền hà, tốn kém chi phí, công sức của người nộp thuế. Chi cục Thuế quận Bình Tân sẽ nỗ lực trả kết quả giải quyết hồ sơ hành chính thuế cho người nộp thuế trong thời gian sớm nhất có thể. Rất mong nhận được sự thông cảm của người nộp thuế” - thông báo nêu.
Theo tìm hiểu của ĐTTC, không chỉ Chi cục Thuế quận Bình Tân có thông báo nói trên, mà tại nhiều quận, huyện cũng có thông báo tương tự. Theo đó, cơ quan thuế ở các quận, huyện và TP Thủ Đức, chỉ chuyển hồ sơ từ ngày 31-7 trở về trước sang cơ quan thuế thanh toán nghĩa vụ tài chính.
Sở dĩ có việc này, bởi việc tính nghĩa vụ tài chính theo Luật Đất đai 2024 có một số thay đổi, nói nôm na là áp theo bảng giá đất mới có giá tăng quá khủng. Vì sao lại như vậy, trong khi Luật Đất đai 2024 cho phép các địa phương được tiếp tục sử dụng bảng giá đất cũ đến ngày 31-12-2025?
Theo chia sẻ của nhiều cán bộ thuế, trước đây có một số trường hợp khi tính nghĩa vụ tài chính, ngoài áp dụng giá trong bảng giá đất còn nhân với hệ số điều chỉnh (hệ số K), nhưng cách tính mới đã bỏ hệ số K. Nay nếu vẫn áp bảng giá đất cũ, mà bảng giá này bị khống chế bởi khung giá đất rất thấp, chỉ bằng khoảng 30% giá thị trường, khi không nhân với hệ số K theo cách tính mới, sẽ khiến số tiền tính ra thấp hơn nhiều so với cách xưa nay vẫn tính. Việc này khiến họ lo lắng liệu có bị quy tội làm thất thoát ngân sách hay không.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103 hướng dẫn về tính tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2024. Nghị định này quy định cách tính tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 1-8, không còn áp dụng hệ số k như quy định cũ.
Nỗi khổ người dân
Việc tạm ngưng giải quyết hồ sơ tính thuế để chờ bảng giá đất mới, và chờ hướng dẫn đã gây bức xúc cho người đã nộp hồ sơ chuyển nhượng, chuyển mục đích… Lấy thí dụ: Ông B. ký hợp đồng chuyển nhượng một căn nhà trên đường Phan Anh (Bình Tân) từ tháng 7, ông đã nộp hồ sơ xin cập nhật biến động.
Tuy nhiên mới vừa nghe thông tin tạm ngưng xử lý chờ hướng dẫn, ông tỏ ra rất lo lắng. Ông B. chia sẻ, hợp đồng chuyển nhượng của ông được ký trước ngày 1-8 thì phải tính thuế theo giá đất cũ sao lại phải chờ? Trong trường hợp phải tính theo bảng giá mới chẳng lẽ phải ký lại hợp đồng mới với người mua? Và việc “hồi tố” như vậy có đúng quy định không?
Một cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cho biết, đơn vị này thực hiện thủ tục thuế liên thông với cơ quan thuế, thời hạn giải quyết hồ sơ tại cơ quan thuế là 5 ngày sau khi hồ sơ từ cơ quan đăng ký đất đai gửi sang. Như vậy việc ngưng xử lý hồ sơ tiếp nhận từ 1-8 có nhiều vấn đề chưa ổn.
Vì trước đó hợp đồng chuyển nhượng, chuyển mục đích… của người dân đã nộp tại cơ quan tiếp nhận rất lâu, và các phòng ban chuyên môn phải “xử lý” trong một thời gian, khi đủ điều kiện mới chuyển sang cơ quan thuế để tính thuế. Nhưng nếu hồ sơ chuyển sang thuế đúng vào ngày 1-8 trở về sau mà không giải quyết cho dân là không đúng, vì mọi thủ tục đã thực hiện trước đó.
Quy hoạch treo thiệt hại kép
Dự án khu công nghiệp Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) có quy mô 300ha được quy hoạch từ hàng chục năm qua. Trong suốt thời gian quy hoạch, quyền lợi của người dân có đất trong khu vực dự án cũng “treo” theo: Không được chuyển nhượng, không được chuyển mục đích, người có nhà thì chỉ sửa chữa tạm, không được xây mới…
Sau hàng chục năm “treo”, mới đây Chính phủ đã có quyết định “xóa treo”, trả lại quyền lợi cho người dân. Sau khi được xóa treo, nhiều người mừng vui chờ đợi hướng dẫn để chuyển mục đích, chuyển nhượng để xoay sở cuộc sống…
Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì người dân lại lo lắng khi có thông tin mức giá đất sẽ tăng hàng chục lần, và nghĩa vụ tài chính cũng sẽ tăng hàng chục lần so với mức giá cũ nếu chuyển mục đích sử dụng. Cụ thể, theo bảng giá đất cũ, đường Phan Văn Hớn (Hóc Môn) đoạn đi qua xã Xuân Thới Thượng có giá 650.000 đồng/m2, còn theo bảng giá dự thảo là 11.100.000 đồng/m2.
Ông Lý Văn Bê, một người dân ở đây cho biết, nếu không quy hoạch treo hàng chục năm nay, thì ông đã chuyển mục đích sử dụng đất thửa đất của mình và có cuộc sống ổn định. “Hàng chục năm quyền lợi bị ảnh hưởng, nay “tháo treo” tưởng mừng lại hóa lo với bảng giá đất mới, nếu như vậy chúng tôi bị thiệt hai lần. Vậy ai chịu trách nhiệm về vấn đề treo này”- ông Bê chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu, nhận định hiện nay những người chịu nhiều thiệt thòi nhất là người dân có nhà đất nằm trong các khu vực quy hoạch treo, vì nhiều năm qua họ đã không được cấp Giấy phép xây dựng mới, không được tách thửa, không được chuyển mục đích sử dụng đất, nên đã không được nộp tiền sử dụng đất theo giá đất rất thấp trước đây.
Nếu trong thời gian tới, khi TPHCM tháo gỡ xong “quy hoạch treo, dự án treo”, thì những người dân này tiếp tục bị thiệt thòi lần thứ 2, vì sẽ phải nộp tiền sử dụng đất với giá đất rất cao theo quy định tại Dự thảo bảng giá đất.
Ông Châu kiến nghị, tại thời điểm hiện nay, chưa cần thiết ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND quy định về Bảng giá đất trên địa bàn TPHCM áp dụng từ ngày 1-8 đến ngày 31-12.
"UBND TPHCM nên tiếp tục áp dụng bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất hiện hành trong giai đoạn từ nay đến ngày 31-12-2025, theo quy định tại Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024, để người dân có đủ thời gian làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận, và chạy tiền để nộp tiền sử dụng đất theo giá cũ, giảm bớt áp lực tài chính cho người dân", ông Châu phân tích.