Tuyến xe buýt 03 (Thạnh Lộc - Bến Thành) lịch trình vẫn như mọi ngày. Nhưng hôm nay đặc biệt hơn bởi ngoài việc bán vé, thu tiền và sắp xếp chỗ ngồi cho hành khách, cô tiếp viên lại kiêm nhiệm thêm cả nhiệm vụ “tiếp thị” vé số.
“Ai có điều kiện thì mua dùm bà già vài tờ vé số, bà hoàn cảnh khổ lắm, mới hơn 50 tuổi mà nhìn như bà lão 70 tuổi”, vừa nói, cô vừa chỉ vào người phụ nữ nhỏ con với mái tóc cắt ngắn đã phủ màu muối tiêu. Số là, con cái lận đận chuyện chồng con phiêu dạt khắp nơi, cuối cùng bỏ lại mấy đứa cháu, bà phải mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Bác tài xế biết hoàn cảnh, ủng hộ đến mấy lần, cả thảy hơn chục tờ vé số. Trên xe, người 2 tờ, 3 tờ, rồi 5-7 tờ. Có người còn gửi thêm vài chục ngàn cho bà mua quà cho các cháu. Nhìn xấp vé số trên tay vơi đi trông thấy chỉ trong quãng đường ngắn từ cầu An Lộc đến điểm dừng siêu thị Big C (quận Gò Vấp), bà vui ra mặt.
Hôm nay, đôi chân bà sẽ bớt nhọc nhằn phần nào, chặng đường rao bán vé số, len lỏi qua từng con phố, ngõ nhỏ sẽ ngắn hơn. Bà rời đi, cô tiếp viên vẫn chưa hết thở dài ngao ngán cho hoàn cảnh bi đát ấy. Theo chia sẻ, đây là lần thứ 2 cô gặp bà trên tuyến xe này và kêu gọi hành khách mua giúp bà vài tờ vé số.
Nhiều người khi nói đến văn hóa xe buýt thường đề cập không ít những bất cập. Đó là thái độ khó chịu của tài xế hay tiếp viên nếu hành khách không bấm chuông khi xuống xe; vẫy xe đột ngột khiến tài xế không kịp vào trạm…
Lại có những ứng xử không đẹp xuất phát từ người đi xe buýt như học sinh, sinh viên thường xuyên bấm điện thoại ồn ào, lên xuống xe mất trật tự; vô tư ăn uống, nói chuyện lớn tiếng trên xe; ngồi chắn lối đi, mang theo hành lý cồng kềnh… Vì bất tiện nhiều thứ như thế nên lượng khách đi xe buýt chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động phổ thông và phần nhỏ, là dân công sở ngại đi xe cá nhân.
Nhưng, những câu chuyện đẹp như của bà cụ bán vé số như trên có lẽ không hiếm gặp trên những chuyến xe buýt khắp thành phố này. Hóa ra, xe buýt ngoài việc đưa hành khách đến các địa điểm khác nhau, dường như còn làm cả nhiệm vụ chuyên chở những yêu thương.
Đó còn là câu chuyện người đàn ông bắt xe buýt ra bến xe để về quê, có duy nhất tờ 200.000 đồng trong túi, tiếp viên vừa lắc đầu không đủ tiền thối, tài xế lập tức rút 6.000 đồng của mình mua vé giúp. Khách mới đi xe buýt, nhiều tài xế ân cần hỏi, khách tìm điểm lên xuống, được nhân viên lẫn hành khách chỉ đường cặn kẽ để lên xuống đúng trạm.
Hay, như cô tiếp viên luôn miệng nhắc tụi nhỏ (học sinh, sinh viên) đừng vì mải mê điện thoại hay nói chuyện mà quên điểm xuống, lỡ giờ học. Đôi khi, những người bán hàng rong mang hành lý cồng kềnh một chút vẫn được thông cảm, tài xế chú ý dừng hay ghé trạm lâu hơn để họ lên xuống an toàn. Đó chẳng phải là những câu chuyện đầy yêu thương đó sao?
Mỗi chuyến xe buýt ở thành phố này giống như bức tranh cuộc sống đa sắc với vô số câu chuyện được nghe và kể. Dù chỉ là hành trình ngắn ngủi nhưng nó phần nào bộc lộ tính cách rất đặc trưng của người Sài Gòn. Lúc nóng giận, người ta có thể nói thẳng, đôi khi buông lời mắng mỏ nhưng rồi sau đó lại quên ngay tắp lự.
Hay những câu chuyện giúp đỡ người già, người khuyết tật, yếu thế lại cho thấy tính cách hào sảng, nghĩa hiệp rất đặc trưng của người Sài Gòn. Nào đâu, cứ phải thật giàu có mới cho đi. Sự phóng khoáng của người Sài Gòn còn ở chỗ, họ sẵn sàng giúp đỡ người khác dù bản thân chỉ nhỉnh hơn họ một chút. Mà giúp thì cứ giúp, chẳng cần phải chờ được cảm ơn. Âu đó cũng là cái sự thân thiện, nhiệt tình và giản dị.
Những câu chuyện đời, cả đẹp và chưa đẹp như thế vẫn cứ lăn theo từng vòng xe mỗi ngày trên khắp các nẻo đường thành phố. Ai cũng hiểu, nếu muốn những ứng xử văn hóa trên xe buýt thay đổi theo hướng tích cực, mọi thứ phải đến từ cả hai phía: tài xế/nhân viên và chính hành khách.
Lời giải đã có. Những hành động đẹp, dù là rất nhỏ nhưng sẽ góp phần tạo nên những thay đổi lớn. Vậy nên, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ như thế để những câu chuyện đẹp trên xe buýt được lan tỏa nhiều hơn.