Người tài & việc nước

Trong “Cáo bình Ngô”, Nguyễn Trãi đã viết: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có”. Việt Nam - đất nước của những anh hùng, đất nước của tài năng và khát vọng. Trong kháng chiến giành độc lập dân tộc hay trong công cuộc dựng xây, bao giờ cũng rất cần người tài đức. Phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng tài năng luôn đi cùng với nhau, thì những năng lực tiềm ẩn mới tỏa sáng.

Trong “Cáo bình Ngô”, Nguyễn Trãi đã viết: “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có”. Việt Nam - đất nước của những anh hùng, đất nước của tài năng và khát vọng. Trong kháng chiến giành độc lập dân tộc hay trong công cuộc dựng xây, bao giờ cũng rất cần người tài đức. Phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng tài năng luôn đi cùng với nhau, thì những năng lực tiềm ẩn mới tỏa sáng.

Bàn về nhân tài hiện nay, GS.TS Dương Phú Hiệp nêu con số: “Cả nước có 14.000 tiến sĩ; 1.131 giáo sư; 5.253 phó giáo sư cùng với khoảng trên 16.000 thạc sĩ và tổng cộng có trên 35.000 người có trình độ trên đại học. Nhưng phải nói nhân thì có, còn tài thì ít”.

Quả thật cũng buồn phiền khi nghĩ về các “thần đồng” rầm rộ một thời, nhưng rốt cuộc cũng bị “thui chột” do không được trọng dụng. Có học sinh giỏi trong các cuộc thi quốc tế nhưng về sau phải chấp nhận làm một nghề không đúng với sở trường của mình. Hiện tượng chảy máu chất xám xảy ra ở không ít nơi.

Có tới 80% thủ khoa tốt nghiệp đại học tự đi kiếm việc làm sau khi được tuyên dương thành tích học tập tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đội ngũ nhân tài tương lai của đất nước.

Đội ngũ nhân tài tương lai của đất nước.

Như vậy, người có tài ở nước ta hiện thời không hẳn đã rơi vào tình trạng hiếm “như lá mùa thu”. Vấn đề quan trọng là ở khâu sử dụng, phát huy, trong đó chế độ đãi ngộ, điều kiện sống tưởng như “tầm thường” nhưng lại hết sức quan trọng.

Năm 1484, trên tấm bia Tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442, đã khắc: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.

GS. Hiệp nói: “Người ta thường nói trí thức không nên quan tâm đến đời sống vật chất tầm thường, nhưng đây lại là điều kiện sống tối thiểu để nhân tài có thể tồn tại và làm việc. Nhiều nhân tài bị gò bó trong hoàn cảnh hạn hẹp của cuộc sống mưu sinh quá vất vả, chế độ lương bổng thấp, phải làm thêm nhiều công việc khác để lo cho gia đình và bản thân. Nếu còn tiếp tục làm việc trong hoàn cảnh như thế thì không thể nói phát huy nhân tài.

Sử dụng, phát huy nhân tài như thế nào, đã thực sự trở thành vấn đề thời sự, đặc biệt trong giới trí thức, doanh nhân câu chuyện càng trở nên sôi nổi.

PGS.TS Bùi Ngọc Oánh (Viện khoa học Phát triển nhân lực và tài năng) cho rằng: “Muốn sử dụng nhân tài trước hết phải biết thừa nhận người có tài, đặc biệt phải phân biệt được người có tài thật sự với những người bất tài - bằng cấp giả, học giả bằng thật, đồng thời phải biết lắng nghe, mạnh dạn giao nhiệm vụ, chức năng quyền hạn cho họ.

Chống việc giao chức quyền cho những người chạy chọt, nịnh bợ, tình cảm cá nhân, không đúng lĩnh vực chuyên môn. Vấn đề đặt ra ở đây là phải có bản lĩnh để thừa nhận người tài, giao quyền cho họ, đồng thời phải biết “tránh xa” những kẻ ngụy hiền”.

GS.TS Phạm Tất Dong, trong tham luận hội thảo “Nhân tài với thịnh suy đất nước” đã viết: “Không ít kẻ bất tài được sử dụng vào những cương vị quan trọng, người có tài năng thì lại không thể xuất thân hoặc không có năng lực tài chính để chạy danh, hoặc không có chỗ thân quen để nhờ cậy cất nhắc vào cái ghế trong chốn quan trường.

Đó là một hiện tượng xấu, sinh ra bởi thế lực đồng tiền đè nặng lên đạo đức xã hội. Để tài năng bị vùi dập là một lãng phí vô cùng lớn, chưa nói đó là một sai lầm nghiêm trọng. Không dùng tài năng là làm sai quy luật, bởi mỗi khi xã hội gặp những “bài toán khó” đều cần đến sự xuất hiện những tài năng”. 

Các tin khác