Người tiêu dùng quyết định

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tới 70% doanh số bán lẻ tại các thị trường trọng điểm như TPHCM. Điều này chứng tỏ dù có bao nhiêu đại gia đang khuynh đảo thị trường bán lẻ, quyền lực vẫn trong tay người tiêu dùng.

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tới 70% doanh số bán lẻ tại các thị trường trọng điểm như TPHCM. Điều này chứng tỏ dù có bao nhiêu đại gia đang khuynh đảo thị trường bán lẻ, quyền lực vẫn trong tay người tiêu dùng.

Sức mạnh chợ và cửa hàng

 

Hầu như cuối tuần nào chị Nguyễn Thu Hương (TPHCM) cũng đưa 2 con tới các siêu thị hoặc TTTM lớn để vui chơi, còn mua sắm rất ít. Bởi công việc đi chợ hàng ngày đã có khu chợ dân sinh gần nơi chị ở, đồ ăn lúc nào cũng tươi ngon, trong khi các nhu yếu phẩm khác đã có các cửa hàng tạp hóa cách nhà chỉ vài bước chân.

Câu chuyện của chị Hương cũng là một thực tế đang rất phổ biến ở thị trường bán lẻ Việt Nam. Mặc dù các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, đại siêu thị đang dần “phủ sóng” tại  hầu hết tỉnh, TP, nhưng người tiêu dùng vẫn chuộng mua sắm ở chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa bởi sự tiện lợi và giá cả rẻ hơn.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường vừa được Công ty Thống kê quốc tế Nielsen công bố, người tiêu dùng Việt vẫn ưa thích các kênh thương mại truyền thống như chợ hay cửa hàng tạp hóa khi chọn mua thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, đồ ăn nhẹ và đồ uống.

Những mặt hàng này ít được chọn hơn trong những chuyến mua sắm chính tại siêu thị hay đại siêu thị. Cụ thể, đối với các thực phẩm dành cho bữa ăn hàng ngày có tới 30% lượng người mua tìm tới cửa hàng thương mại truyền thống, trong khi đó con số này là 12% với siêu thị mini, 7% với siêu thị và đại siêu thị.

Còn với các sản phẩm sử dụng ngay như nước ngọt, bia, bánh mỳ... tỷ lệ người chọn mua ở chợ và cửa hàng 39%, cao hơn so với 35% của siêu thị mini và 18% siêu thị và 12% đại siêu thị.

Cũng theo báo cáo này, trong khi người mua hàng có xu hướng xem các cửa hàng thương mại truyền thống như một phần mở rộng của tủ đựng thức ăn trong bếp của họ, doanh số lớn của cửa hàng tạp hóa lại đến từ dòng sản phẩm gia dụng và chăm sóc cá nhân. Mặt hàng giặt xả, dầu gội đầu, trang điểm, vitamin; sản phẩm chăm sóc trẻ em và sản phẩm gia dụng nói chung là những mặt hàng thường xuyên nhất được mua tại các cửa hàng tạp hóa.

Đó có lẽ cũng là lý do nhiều nhà đầu tư khi tham gia lĩnh vực bán lẻ hiện đại luôn coi chợ truyền thống và cửa hàng bách hóa là đối thủ. CEO CTCP Đầu tư Thế giới Di động, Nguyễn Đức Tài cho biết: "Đối thủ của Bách hóa Xanh không phải là các chuỗi bán lẻ hiện đại như Coopmart, Fivimart, Citimart hay Vinmart và cửa hàng tiện lợi như Cirle K, B's Mart hay Shop & Go, mà chúng tôi hướng đến 80% thị phần bán lẻ Việt Nam vẫn nằm ở các chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa".

Ủng hộ doanh nghiệp nội

Trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ ngoại, sự ủng hộ của người tiêu dùng hết sức quan trọng. Tất nhiên, cùng với đó phải là những nỗ lực phát triển của doanh nghiệp nội, vì người tiêu dùng không thể ủng hộ những chuỗi bán lẻ chất lượng thấp. Để ngành bán lẻ nội có thể thực sự lớn mạnh cần chiến lược ở cả 3 cấp Nhà nước, bộ ngành và doanh nghiệp.

Ông Vũ Vinh Phú,
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Trong cuộc chiến với những “cá mập” ngoại, doanh nghiệp bán lẻ nội rất cần sự ủng hộ của người tiêu dùng. Xin nêu thí dụ về Hàn Quốc. Năm 1998, khi Wal-Mart tiến vào Hàn Quốc, các nhà bán lẻ ở Hàn Quốc lúc đó hoảng loạn. Trước đó, Carrefour cũng gây một chấn động tương tự. Thế nhưng chỉ vài năm sau đó 2 tập đoàn này đã phải rút khỏi thị trường Hàn Quốc và vị trí bán lẻ số một vẫn thuộc về các tập đoàn lớn  trong nước như Lotte hay E-mart…

Điều này một lần nữa minh chứng cho sức mạnh của người tiêu dùng cũng như sự am hiểu địa phương của các doanh nghiệp nội. Vì thế, ủng hộ doanh nghiệp bán lẻ nội địa không chỉ nhằm bảo vệ một ngành quan trọng của nền kinh tế, mà còn đóng vai trò sống còn đối với sản xuất trong nước. Nhà sản xuất muốn đưa hàng đến tay người tiêu dùng phải thông qua các hệ thống bán lẻ - nếu hệ thống này nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài, chắc chắn nhà sản xuất trong nước sẽ bị ảnh hưởng.

Việt Nam đã đưa ra trong cam kết mở cửa trong WTO là các nhà bán lẻ nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ bán lẻ thông qua việc lập cơ sở bán lẻ (cửa hàng, siêu thị...), chỉ được tự động mở một địa điểm bán lẻ không phải đáp ứng điều kiện gì, việc thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất) phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép trên cơ sở phân tích nhu cầu kinh tế (Economic Need Test - ENT).

ENT thực chất là một “rào cản kỹ thuật” trong lĩnh vực bán lẻ các nước đã phải chấp thuận để đánh đổi lấy việc Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ của mình. ENT được thiết kế như một công cụ cho phép kiểm soát được số lượng cơ sở bán lẻ của một nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời giới hạn số lượng này tùy thuộc vào nhu cầu kinh tế trong những bối cảnh cụ thể.

Song trên thực tế, dù nhà đầu tư than phiền về chính sách này nhưng các chuỗi mới vẫn mọc lên. Việc bảo vệ ngành bán lẻ trong nước không chỉ của riêng Việt Nam mà các nước trong khu vực đều có những chính sách tương tự.

Chẳng hạn Malaysia buộc các tập đoàn bán lẻ nước ngoài phải dành 30% cổ phần cho doanh nghiệp trong nước. Indonesia quy định các tập đoàn ngoại không được mở quá 150 cửa hàng bán lẻ. Hàn Quốc tìm mọi cách hạn chế sự bành trướng của các chuỗi siêu thị lớn nhằm bảo vệ các nhà bán lẻ nội địa và chợ truyền thống.   

Hôm nay 5-11, tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn, SECC, TPHCM khai mạc triển lãm quốc tế ngành bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu (VIETRF). VIETRF 2015 có sự tham gia của 320 gian hàng từ 250 công ty tại Việt Nam và 13 nước, vùng lãnh thổ, dự tính thu hút 40.000 khách tham quan. Đối với các công ty trong nước, triển lãm thu hút sự tham gia của các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường Việt Nam như: Jollibee, Ministop, Effoc Cafe, World Franchise Associates, Uncle Bill, Snowee, Tous Les Jour… VIETRF 2015 còn mang đến các thiết bị, máy móc, công nghệ mới nhất từ nước ngoài vào Việt Nam, với mục tiêu xây dựng cửa hàng bán lẻ hiện đại được lắp đặt các thiết bị như các máy POS, máy đông lạnh, máy pha chế cà phê…

Các tin khác