Nguồn vốn lãi suất giảm - Vẫn chưa khai thông

Từ cuối tháng 8 đến nay, hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) công bố các gói tín dụng VNĐ lãi suất thấp 17-19%/năm theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tuy nhiên, qua khảo sát tại các NHTM cho thấy doanh nghiệp muốn vay được lãi suất thấp cũng không dễ.

Từ cuối tháng 8 đến nay, hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) công bố các gói tín dụng VNĐ lãi suất thấp 17-19%/năm theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tuy nhiên, qua khảo sát tại các NHTM cho thấy doanh nghiệp muốn vay được lãi suất thấp cũng không dễ.

> Kiên định NQ 11 sẽ giảm lạm phát và lãi suất

Ưu đãi nhưng chắt lọc khách hàng

Các NHTM quốc doanh lớn đều đã công bố các gói tín dụng ưu đãi lãi suất có tổng trị giá hàng ngàn tỷ đồng, trong đó đặc biệt Agribank đưa ra gói tín dụng trị giá đến 15.000 tỷ đồng; VietinBank, BIDV 5.000-10.000 tỷ đồng…

Riêng với các NHTM cổ phần tùy theo quy mô cũng đã đưa ra gói tín dụng từ 1.000-3.000 tỷ đồng. Một điểm chung là các NHTM chỉ cho vay lãi suất thấp thuộc khu vực sản xuất kinh doanh; trong đó ưu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một thời gian dài doanh nghiệp chịu đựng lãi suất cao, nên NHTM cũng cân nhắc tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn để đảo nợ cũ. Vì vậy, đây là thời điểm tín dụng có chắt lọc, không thể cho vay đại trà. Bên cạnh cho vay các đối tượng và khu vực kinh tế NHNN đang khuyến khích, các NHTM ưu tiên vốn cho doanh nghiệp tốt mang lại nhiều nguồn thu dịch vụ và cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng. Vì thế điều kiện để xét cho vay sẽ khắt khe hơn, từ tài sản đảm bảo đến hạn mức cho vay...

Ông PHẠM THIỆN LONG,
Phó Tổng giám đốc HDBank

Sau một thời gian triển khai, một số NHTM lớn cho biết đã giải ngân một khối lượng vốn đáng kể. Đơn cử, tại Eximbank đến nay đã giải ngân được 500-600 tỷ đồng vốn lãi suất thấp.

Một lãnh đạo của ACB cho biết cũng đã giải ngân gần hết gói tín dụng ưu đãi triển khai cách đây hơn 1 tháng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều NHTM mặc dù rầm rộ đưa ra gói lãi suất ưu đãi nhưng tại các chi nhánh lại thừa nhận chưa phát triển tín dụng được.

Do tín dụng lãi suất thấp nên NHTM phải chọn lựa rất kỹ khách hàng để cho vay và không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để cho vay. Doanh nghiệp xuất khẩu thường được các NHTM lớn ưu ái cho vay lãi suất thấp.

Nhưng có một thực tế các NHTM này chuộng vay USD thay vì vay tiền đồng. Hơn nữa, đối tượng khách hàng tốt cũng hạn chế và hầu hết đã “có nơi có chỗ” để vay vốn nên không phải dễ để các NHTM tiếp cận đẩy mạnh cho vay các khách hàng mới.

Một trưởng phòng giao dịch BIDV tại Vũng Tàu cho biết lãi suất cho vay ngắn hạn với khách hàng doanh nghiệp ở ngân hàng này cao nhất chỉ còn 18,5%/năm, khách hàng đặc biệt tốt 17%/năm. Tuy nhiên đến nay ngân hàng chưa giải ngân được nhiều khoản vay mới, chủ yếu là giảm lãi suất cho khách hàng cũ nhưng phải đến kỳ hạn mới điều chỉnh.

Theo vị lãnh đạo này, doanh nghiệp muốn vay phải có đầu ra nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp đơn hàng sản xuất kinh doanh chưa ổn định. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn lại không đủ điều kiện, nhất là hàng tồn kho còn nhiều và chưa hoàn thành việc trả nợ cũ.

Kẻ còn, người cạn

Nhiều NHTM đang khó tiếp cận khách hàng vay mới, dù lãi suất vay đã giảm. Ảnh: LÃ ANH

Nhiều NHTM đang khó tiếp cận khách hàng vay mới, dù lãi suất vay đã giảm. Ảnh: LÃ ANH

Hiện nay, dù “room” tăng trưởng chung của toàn hệ thống NHTM còn khá lớn (8 tháng tăng trưởng tín dụng chỉ trên 8%), nhưng riêng từng NHTM, thậm chí từng điểm giao dịch của NHTM hạn mức tăng trưởng còn rất ít. Một giám đốc chi ngân hàng quốc doanh lớn cho biết đầu năm được hội sở chính giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dựa trên hệ số vốn huy động.

Nhưng từ đầu năm đến nay huy động của chi nhánh sụt giảm mạnh, nhất là thời điểm này NHNN đang thanh tra gắt gao việc thực hiện trần lãi suất huy động không quá 14%/năm, nên việc huy động vốn của NHTM ngày càng khó khăn hơn.

Những gói tín dụng hàng ngàn tỷ đồng các NHTM đưa ra nhìn qua thấy nhiều nhưng tính trên tổng thể nền kinh tế là rất nhỏ. Do vậy, sẽ vẫn còn nhiều doanh nghiệp khát vốn lãi suất rẻ. Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng  đủ điều kiện để được vay lãi suất này, đặc biệt vay tại các NHTM nhỏ. Có thể thấy việc công bố, đưa ra gói tín dụng ưu đãi lãi suất sẽ tạo nên sự cạnh tranh khách hàng giữa các NHTM. Nhưng cũng có NHTM chỉ công bố hình thức, để “tiếp thị”, còn việc khách hàng có vay được hay không cần phải kiểm chứng.

TS. ĐINH THẾ HIỂN,
chuyên gia tài chính ngân hàng

Vì vậy, chi nhánh không thể đưa tăng trưởng tín dụng cao như kế hoạch đầu năm. Theo một chuyên gia ngân hàng, dù lãi suất cho vay giảm nhưng NHNN vẫn kiên quyết xử lý nghiêm NHTM vi phạm hạn mức tăng trưởng tín dụng 20% và giữ quan điểm hạn chế tín dụng phi sản xuất.

Những năm trước, các NHTM nhỏ đẩy vốn nhiều vào lĩnh vực phi sản xuất với kỳ hạn dài đã tạo ra “rào cản” tăng trưởng tín dụng năm nay ở các NHTM nhỏ. Bên cạnh đó, do NHNN siết hoạt động ủy thác vốn, hàng loạt NHTM lớn trước đây thừa vốn đem đi ủy thác từ NHTM bạn về để tránh bị thanh tra.

Quá trình này nếu diễn ra sẽ làm sụt đáng kể lượng tiền, buộc các NHTM nhỏ phải nhận lại nguồn vốn ủy thác trước đó thành vốn vay lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng để giải quyết thanh khoản.

Chi phí vốn đầu vào tăng cao và có tính ngắn hạn, chắc chắn các NHTM khó có thể giảm nhanh lãi suất đầu ra. Theo vị chuyên gia này, việc giải ngân lãi suất rẻ có thể chỉ “nói đi đôi với làm” ở những NHTM lớn có “room” tăng trưởng tín dụng cao và có nguồn vốn huy động lớn.

Những ngày gần đây, NHNN đã tăng cung trên thị trường mở, điều này giúp hạ nhiệt phần nào lãi suất liên ngân hàng. Nhưng đến nay lãi suất liên ngân hàng vẫn cao hơn lãi suất huy động trên thị trường tiền gửi. Điều này cho thấy nỗi lo thanh khoản ở các NHTM vẫn còn đó và không loại trừ đây là nỗi lo thường trực từ nay đến cuối năm.

Tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ ở TPHCM cho biết từ ngày 8-9 (thời điểm NHNN chấn chỉnh việc huy động vốn) đến nay việc huy động vốn của ngân hàng đã giảm nhẹ. Vì vậy ngân hàng cũng không mạnh dạn cho vay, chỉ giải ngân những hợp đồng tín dụng ngắn hạn đã ký trước đó.

Như vậy, có thể thấy sự e ngại trên cũng không thừa vì với cùng mức lãi suất 14%/năm rõ ràng ngân hàng lớn có lợi thế huy động hơn. Tình trạng rút tiền gửi từ NHTM nhỏ sang NHTM lớn đã diễn ra.

Do vậy, các ngân hàng nhỏ đã tìm cách nâng lãi suất huy động lên mức cao nhất 14%/năm kể cả những kỳ hạn rất ngắn để thu hút khách hàng. Chẳng hạn mới đây Western Bank đã chính thức điều chỉnh mức lãi suất huy động lên 14%/năm áp dụng cho tất cả các kỳ hạn từ 1 đến 6 ngày dành cho mọi khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp.

Trước đó các NHTM lớn cũng đẩy lãi suất kỳ hạn ngắn lên rất cao, như VCB kỳ hạn 14 ngày lãi suất lên 14%/năm; 7 ngày 12%/năm; Eximbank 1-3 tuần lãi suất 13,8-13,85%/năm…

Diễn biến phức tạp

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng giám đốc MaritimeBank, tình hình lãi suất trong thời gian tới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán trước. Chưa kể, việc giảm lãi suất cho vay trong tình hình khó khăn chung như hiện nay cũng tạo rất nhiều áp lực đối với khối NHTM, nhất là sẽ ảnh hưởng trực tiếp về mặt lợi nhuận của các ngân hàng do giảm nhanh lãi suất cho vay nhưng vẫn bị áp lực giữ các khách hàng truyền thống.

Khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng Việt Á. Ảnh: LÃ ANH
Khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng Việt Á.
Ảnh: LÃ ANH

Ông Phan Thanh Hải, Trưởng phòng nguồn vốn GiaDinhBank, cho rằng thời gian tới, với sự hỗ trợ của NHNN, việc tiếp cận vốn từ ngân hàng của các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Tuy cũng cần có độ trễ nhất định một vài tháng để mặt bằng lãi suất đồng loạt giảm.

Vì các NHTM muốn cho vay cũng phải cân đối vốn huy động thị trường tiền gửi và thị trường liên ngân hàng. Cả 2 thị trường này vẫn còn chưa ổn định vững chắc thì lãi suất cho vay khó giảm. Hơn nữa, trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng tăng cao so với thời điểm cuối năm 2010 (tỷ lệ 3,04% vào cuối tháng 7 so với mức 2,16% cuối năm 2010) nên việc kiểm soát chất lượng tín dụng và thận trọng trong cho vay là hoàn toàn dễ hiểu.

Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp xem ra khó có thể kỳ vọng vào việc vay được vốn với lãi suất thấp như những lời tuyên bố đầy lạc quan của các quan chức ngân hàng. Sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp được vay vốn lãi suất thấp, số tiền giải ngân thực tế là bao nhiêu… đang được ví như vài hạt mưa trên cánh đồng khô hạn.

Điều đáng nói, hiện nay các doanh nghiệp muốn vay được nguồn vốn từ ngân hàng với mức lãi suất cao hay thấp phải phụ thuộc mối quan hệ của doanh nghiệp với ngân hàng đó. Thí dụ, trên hồ sơ vay vốn, mức lãi suất vay vẫn là 17-19%/năm, tuy nhiên các ngân hàng lại tìm cách lách luật ở khoản mục khác.

Do vậy, lãi suất thực tế được vay nếu có quan hệ tốt cũng ở mức 19,5-20%/năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận với mức trên 20%/năm. Một đại diện doanh nghiệp lấy dẫn chứng về chiêu “lách luật” của các ngân hàng như sau: Khách hàng khi vay vốn tại một ngân hàng vẫn được làm các thủ tục vay bình thường với mức lãi suất ghi là 17-19%/năm.

Nhưng các ngân hàng đều có một phòng khác - phòng quản lý tài sản - thậm chí các ngân hàng lớn còn thành lập cả một trung tâm quản lý tài sản. Sau khi ký với ngân hàng xong, khách hàng phải ký thêm một hợp đồng đóng phí quản lý tài sản đảm bảo với phòng (hoặc trung tâm) này, tính phí bằng tỷ lệ phần trăm trên tổng số vốn vay và thu một lần.

Hợp đồng này ký với giám đốc trung tâm quản lý tài sản, tách ra hẳn với hợp đồng tín dụng vay vốn của ngân hàng. Do vậy không có đủ căn cứ pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm vượt trần lãi suất!

Các tin khác