An ninh lương thực có nguy cơ nóng lên trên toàn cầu, khi rủi ro xung đột quân sự hiện hữu và hiện tượng thời tiết El Nino gây bất lợi đối với năng suất nông nghiệp đang có xu hướng tăng lên.
Lúa gạo, lúa mì sản lượng thấp
Báo cáo gần nhất trong tháng 10, số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, sản lượng gạo toàn cầu mùa vụ 2023-2024 dự báo đạt 518 triệu tấn, tăng 4,5 triệu tấn so với mùa vụ trước, tương ứng tăng 0,9%. Tuy nhiên, mức tăng đó không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ được dự báo đạt gần 524 triệu tấn.
Con số nhu cầu tiêu thụ hầu như giữ nguyên so với mùa vụ trước, bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đang ngày rõ hơn. Sau 3 mùa vụ thiếu hụt liên tiếp, dự kiến tỷ lệ tồn kho cuối mùa vụ 2023-2024 ở mức 32% so với nhu cầu tiêu thụ, thấp nhất kể từ mùa vụ 2016-2017.
Điều đáng nói, dù đã nhiều lần trải qua các đợt El Nino và La Nina kể từ 2006, nhưng suốt từ đó cho đến năm 2020, thế giới chưa từng nghĩ sẽ có lúc đối diện với nguy cơ mất an ninh lương thực nhờ vào việc năng suất và quy mô được phát triển.
Quan sát mùa vụ ở các quốc gia chủ chốt cho thấy, dù sản lượng gạo của Trung Quốc tăng hơn 3 triệu tấn, nhưng Ấn Độ lại giảm tới 4 triệu tấn. Sản lượng của Thái Lan cũng giảm 1,4 triệu tấn, trong khi sản lượng của Việt Nam giữ nguyên. Các bất lợi về mùa vụ ở những nước quan trọng như Ấn Độ và Thái Lan đã dẫn đến việc thiếu hụt tiếp tục diễn ra trong mùa vụ này.
Nguy cơ xung đột Israel - Hamas có khả năng leo thang, cũng là mối đe dọa đối với an ninh lương thực, bởi sự thiệt hại và gián đoạn nó gây ra đối với chuỗi cung ứng nông nghiệp thế giới.
Không chỉ lúa gạo, mặt hàng quan trọng khác đối với an ninh lương thực là lúa mì cũng chứng kiến thâm hụt 4 mùa vụ liên tiếp. Sản lượng lúa mì mùa vụ 2023-2024 được dự báo chỉ đạt 783,4 triệu tấn, hụt 9,4 triệu tấn so với nhu cầu gần 793 triệu tấn của thế giới.
Tỷ lệ tồn kho lúa mì cuối vụ hiện tại được dự báo ở mức 32,6% so với tiêu thụ, thấp nhất kể từ 2014-2015 đến nay. Điều này làm dấy lên lo ngại khó có thể kiềm chế được giá lương thực trong thời gian tới, bởi cả 2 mặt hàng quan trọng này đều thiếu hụt. Nhất là khi điều kiện thời tiết đang có xu hướng xấu đi.
Theo quan sát chỉ số ONI (tiêu chuẩn đo lường của NOAA để phân loại El Nino và La Nina), hiện tượng thời tiết La Nina diễn ra kể từ tháng 7-2020 và kết thúc vào tháng 2-2023. Tuy nhiên, chỉ số ONI đang tăng lên, hướng tới phạm vi được dự kiến chuyển thành El Nino.
Thị trường gạo trong nước
Theo báo cáo của Vietnambiz, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến giữa tháng 9 diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1,49 triệu ha, tương đương 99,2% cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực phía Bắc đạt 1 triệu ha, tương đương 98,3% so với cùng kỳ. Khu vực phía Nam đạt gần 487.000 ha, tăng khoảng 1,1% so với cùng kỳ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo lũy kế 9 tháng năm nay đạt hơn 6,4 triệu tấn, tương đương 3,54 tỷ USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 35,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, kim ngạch xuất khẩu gạo lũy kế 9 tháng vượt 3,45 tỷ USD đạt được trong cả năm 2022.
Số liệu cũng cho thấy Việt Nam đã vượt qua Thái Lan (khoảng 6 triệu tấn) để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Trong đó, Philippines là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng 2,44 triệu tấn lũy kế kể từ đầu năm đến nay, tương đương 1,29 tỷ USD. Đứng thứ 2 là Indonesia với 884,2 ngàn tấn, tương đương gần 463 triệu USD. Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3 với quy mô gần 859 ngàn tấn và giá trị khoảng 496 triệu USD.
Về cơ cấu loại gạo xuất khẩu, gạo trắng được xuất khẩu nhiều nhất từ đầu năm đến tháng 9, với khối lượng khoảng 3,8 triệu tấn, tương đương 60% về tỷ trọng. Tiếp theo là gạo thơm với khối lượng khoảng 1,6 triệu tấn, tỷ trọng 25,4%.
Giá gạo của Việt Nam đã tăng từ mức trung bình 502,8 USD/tấn hồi tháng 7 lên 594,4 USD/tấn trong tháng 9, tương ứng tăng hơn 18%, kể từ khi Ấn Độ đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo. So với cùng kỳ năm 2022, giá gạo Việt Nam đã tăng gần 52%.
Dự báo xu hướng giá trong thời gian tới có khả năng tăng tiếp và mức giá xuất khẩu không dưới 650 USD/tấn, nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp giới hạn xuất khẩu đến tháng 3-2024. Đó là tin tốt đối với nông dân vì giá thu mua lúa có điều kiện để tăng lên, trong bối cảnh chi phí phân bón đã giảm mạnh so với năm ngoái.
Áp lực tăng giá gạo
Khi Ấn Độ đứng trước rủi ro tăng giá gạo trong nước bởi sản lượng giảm mạnh 4 triệu tấn, chính phủ nước này đã quyết định áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ từ 25-8 đến 15-10-2023 và các giới hạn khác đối với xuất khẩu gạo basmati.
Dự kiến sắp tới Ấn Độ tiếp tục gia hạn mức thuế xuất khẩu đối với gạo đồ đến tháng 3-2024, sau khi các quan sát nông nghiệp cho thấy sản lượng nông nghiệp của nước này có thể giảm tiếp, do lượng mưa tích lũy định kỳ từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm là yếu nhất trong 5 năm trở lại đây.
Các cường quốc về gạo khác có thể tiếp nối động thái của Ấn Độ bằng cách hạn chế xuất khẩu gạo, là rủi ro đối với giá cả trong thời gian tới, nếu ảnh hưởng của thời tiết El Nino trở nên lớn hơn ngoài dự kiến.