Nguyễn Du: Thế giới của lời thề

(ĐTTCO) - LTS: Kuroda Yoshiko là nữ thi sĩ, sinh năm 1945 tại Kyoto. Năm 1968 tốt nghiệp cao học ngành văn học Nhật Bản Trường Đại học Rikkyo. Bà thường đăng thơ trên tạp chí Hỏa Diệm, hiện đang làm biên tập cho tạp chí Chim câu đưa thư. Kuroda là con gái của Inoue Yasushi, tiểu thuyết gia với nhiều tác phẩm thuộc các lĩnh vực khác nhau, nhận được nhiều giải thưởng lớn của văn học Nhật Bản. ĐTTC giới thiệu bài viết của Kuroda Yoshiko nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du, nhằm cung cấp bạn đọc một góc nhìn mới lạ.

(ĐTTCO) - LTS: Kuroda Yoshiko là nữ thi sĩ, sinh năm 1945 tại Kyoto. Năm 1968 tốt nghiệp cao học ngành văn học Nhật Bản Trường Đại học Rikkyo. Bà thường đăng thơ trên tạp chí Hỏa Diệm, hiện đang làm biên tập cho tạp chí Chim câu đưa thư. Kuroda là con gái của Inoue Yasushi, tiểu thuyết gia với nhiều tác phẩm thuộc các lĩnh vực khác nhau, nhận được nhiều giải thưởng lớn của văn học Nhật Bản. ĐTTC giới thiệu bài viết của Kuroda Yoshiko nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du, nhằm cung cấp bạn đọc một góc nhìn mới lạ.

 

Một ngày nọ, đột nhiên, không hiểu vì lý do gì mà bản thảo của cuốn Truyện Thúy Kiều do Sato Seiji dịch được chuyển đến tay tôi, tôi đã đọc và say mê tác phẩm này từ đó.

Có lẽ vì nguyên tác của tác phẩm là một câu chuyện bằng thơ của Nguyễn Du, do đó nội dung của nó đương nhiên phải dễ đọc. Ấy vậy mà không biết từ lúc nào tôi đã đọc hết sức say sưa, và đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần.

Cũng từ lâu chúng ta thấy rằng xã hội Nhật Bản đang lung lạc, mất phương hướng, không biết tiến về phía nào. Và tôi cũng thấy đang xảy ra một hiện tượng rất nhiều người Nhật chúng ta không hiểu được rằng điều chi phối những hành động, phán đoán của chúng ta dựa trên nguyên lý, nguyên tắc nào. Mặc dù trong đời sống người Nhật của chúng ta vẫn tồn tại rất nhiều lời răn của Phật giáo, Nho giáo, ấy vậy mà có lẽ rất ít người trong chúng ta được dạy dỗ về chúng một cách bài bản.

Tìm hiểu điều này cũng giống như việc đi tìm xem có mối liên hệ nào, có mạch tinh thần nào xuyên suốt đi từ thân cây nối liền với các cành cây của một “cây đại thụ” hay không, và nếu có thì nó nằm ở chỗ nào trên thân cây.

Thế mà Truyện Thúy Kiều cho chúng ta thấy những điều đã mất ấy vẫn còn ẩn giấu bên trong đó, thôi thúc độc giả “hãy tìm đi, hãy thử suy nghĩ đi”. Chính vì vậy, trong bài viết này, tôi đã nêu ra đề tài “Lời thề” nhằm tìm và suy ngẫm thử về cốt lõi tinh thần đó.

Phải chăng từ “lời thề” mang lại âm hưởng xưa cũ và nghiêm khắc. “Lời thề” ở đây không chỉ là lời hứa giữa con người với con người mà còn là “sự hứa hẹn” cam kết giữa con người với “các vị thần trên trời” mà có lẽ người Nhật hiện đại đã dần quên lãng. Không giữ lời hứa đối với các vị thần là một điều vô cùng khủng khiếp. Tuy nhiên, cho dù là người thành thật đến đâu chăng nữa, trong suốt cuộc đời mình cũng không ít lần xảy ra những việc mà buộc chúng ta không thể giữ lời hứa. Vì vậy, trong đời sống thực, những thay đổi thường xuyên tùy theo tình hình cụ thể thì không thể gọi là lời thề được. Tôi sẽ tìm hiểu điều đó thật cụ thể, chi tiết trong tác phẩm này.

Nếu nói vắn tắt về cốt truyện, thì đây là “câu chuyện về cuộc đời nhiều thăng trầm của một nàng kỹ nữ”, cuộc đời của nàng là sự gặp gỡ và mối tình với ba người đàn ông. Đó là mối tình trong sáng với chàng Kim, mối tình mãnh liệt với chàng Thúc và mối tình đã trải qua thăng trầm với chàng Từ Hải. Nhân vật chính của tác phẩm - Nàng Kiều đã có tình yêu sâu đậm với chàng Kim và hai người đã thề ước nên vợ chồng, ấy vậy mà đứng trước nghịch cảnh của cuộc đời, họ đã không thể giữ vẹn lời thề ước với nhau. Nàng Kiều đã tin rằng mình bị “trời trừng phạt”, nàng vô cùng đau khổ trước những nỗi khổ đã ập xuống cuộc đời nàng, đồng thời luôn thấy mình đã mang tội “bội ước”.

Trong khi đó, chàng Kim một khi đã thề nguyền thì dù cho “có khó khăn gian khổ thế nào” chàng vẫn quyết đi tìm tông tích của nàng Kiều, cho dù không thể gặp được ở kiếp này thì chàng sẽ quyết không từ bỏ, tiếp tục đi tìm nàng ở kiếp khác. Vì chàng không thể nào quên được hình bóng của nàng Kiều “nàng đã thề ước với ta như vậy mà nay lại bội ước thì suốt đời suốt kiếp này chắc chắn nàng sẽ phải đau khổ”.

Đối với chàng thanh niên với trái tim nồng ấm Thúc thì lại khác, gặp và yêu nàng Kiều trên bước đường bất hạnh của cuộc đời, chàng quyết xem nàng là “vợ lẽ chính thức” và thề nguyền “dù có chuyện gì xảy ra ta vẫn yêu thương và bảo vệ nàng”. Nhưng trớ trêu thay, chàng đã có một người vợ chính thức mà chàng đã thề non hẹn biển, nên cuối cùng chàng buộc phải vâng lời vợ mà không thể giữ lời hứa với Thúy Kiều, chàng đành đau khổ hối tiếc mà tuyên bố bội ước với nàng, giải phóng nàng khỏi lời thề ước.

“Lời nói” có sức nặng ngàn cân, có khả năng chi phối con người, tuy nhiên có những người tốt, thề ước với tất cả sự thành thực của mình và cảm thấy đau khổ khi không giữ được chúng thì cũng có những kẻ xấu, tạo nên những lời thề giả dối để đánh lừa người khác. Chính những người thận trọng và đau khổ khi không thực hiện được lời thề của mình như Thúy Kiều, không nghi ngờ gì, chính là người có thể đứng vào vị trí phán xét những kẻ xấu. Chỉ đến khi những kẻ dễ dàng buông lời thề nhằm mục đích lừa dối người khác bị trừng phạt thật khủng khiếp như những gì chúng đã thề, chính là lúc chúng hiểu được sức nặng ngàn cân của “lời thề đã trao”, mới tin rằng có sự phán xét của Trời trên cõi đời này.

Chàng Kim phải trải qua bao nhiêu năm tháng mới có cơ hội tao ngộ với nàng Kiều, chàng mong muốn được giải thoát cho nàng ra khỏi khó khăn, muốn được kết hôn với nàng, muốn cùng nàng thực hiện lời hứa năm xưa, và hai người đã chọn đoạn kết cho cuộc đời mình là được sống trọn vẹn, hạnh phúc bên nhau.

Nếu chúng ta có thể cảm nhận được tác phẩm dưới góc độ “lời thề”, điều nổi bật có thể thấy ở tác phẩm là, những con người luôn sống theo một nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt. Mặt khác, điều này cũng cho thấy một điều là nếu sống tuân theo nguyên tắc thì có thể áp dụng nguyên tắc ấy theo nhiều cách lành mạnh khác nhau.

Tác phẩm này cho chúng ta thấy, nói với chúng ta thấy không chỉ mối quan hệ giữa tư tưởng, tôn giáo, thời đại, cá nhân với xã hội, mà mỗi khi chúng ta cảm thấy lạc lối, hãy tìm về với những nguyên tắc, nguyên lý ấy. Đồng thời cũng chỉ cho chúng ta phương pháp “quay về suy nghĩ” như thế nào.

Một điểm nữa của tác phẩm này đã hấp dẫn tôi, đó chính là tư tưởng “kiếp trước” đã trở thành tiền đề cho thế giới trong truyện. Từ “kiếp trước” là một từ cũ kỹ và khiến người ta cảm thấy lạc lối. Chắc không ai là không biết đến từ này, nhưng có lẽ cũng ít ai có thể giải thích được từ này một cách chính xác.

Nếu chúng ta nghĩ rằng cuộc đời này bắt đầu từ khi chúng ta được sinh ra thì đó là một sai lầm khủng khiếp khi xét đến cuộc đời của nàng Kiều. Nếu chúng ta cho rằng thực ra có đến 3 thế giới khác nhau, và thế giới chúng ta đang sống chỉ là một điểm trung gian. Nếu ví như một cuộc chạy đường dài, thì thời điểm chúng ta sinh ra là chúng ta đã đi được 1/3 đoạn đường ấy, có kẻ dừng lại giúp người bị thương nên trở thành kẻ thua cuộc, nhưng cũng có người giữa đường gặp được chiếc xe và nhờ gian lận nên vượt lên làm kẻ đứng đầu.

Chúng ta sinh ra trong một thế giới bất bình đẳng mà không hề biết gì về quá trình ấy, để rồi bắt đầu cuộc đua của mình. Nếu có kẻ vốn đang ở vị trí của người chiến thắng mà trượt vào thế giới này, rồi lại tiếp tục nỗ lực để lại có thể trở thành kẻ đứng đầu. Đối với những kẻ ấy, ông Trời, người đã dõi theo họ từ những quá trình trong quá khứ có thể nhắc nhở họ hết sức nghiêm khắc “Nếu nhà ngươi không tiếp tục cố gắng thì đó là tội lỗi”.

Nhân vật chính Thúy Kiều là một cô gái tài sắc với bản tính hiền lương từ khi mới sinh ra đã vượt qua bao nhiêu đau khổ để tiếp tục mài dũa tính cách hiền lương của mình. Ấy vậy mà, dù cho nàng Kiều có nỗ lực đến đâu đi nữa thì tại sao nàng vẫn bị Trời quở trách. Nàng đã xuất hiện trên cõi đời này trong một xuất thân hết sức tốt đẹp, phải chăng là do nàng đã là người lương thiện trong kiếp trước, vậy mà nàng đã trải qua  một con đường đau khổ đến thế nào? Suốt đời mình, nàng luôn mang câu hỏi ấy và nàng đặt câu hỏi ấy cho muôn đời sau.

Vì vậy, chúng ta không đặt câu hỏi cho ông trời rằng “Tại sao? Tại sao?” như nàng Kiều mà phải hiểu rằng “Cho dù chúng ta sinh ra trong cuộc đời này gặp được may mắn hay đau khổ thì hãy nhìn nhận hiện trạng của mình để mà cố gắng trong sự may mắn và đau khổ ấy”. Khi đọc câu chuyện này, chúng ta đi cùng cuộc hành trình như nàng Kiều đã đi và mỗi độc giả, hãy bằng cảm nhận của mình để hiểu câu chuyện.

Nếu tôi viết như thế này, dễ làm cho bạn đọc cảm nhận đây là một tác phẩm khó khăn đôi chút, tuy nhiên đây là tác phẩm mà cho dù nhân vật là thiện hay ác, tất cả các mô tả ấy đều rất sống động, đến nỗi cho dù dịch đi dịch lại bao nhiêu lần cũng vẫn không gột tả hết được, vẫn khiến chúng giá trị, khiến chúng ta phải xem lại.

Truyền Kiều là câu chuyện khiến chúng ta cảm nhận được mặt đau khổ của cuộc đời một con người, khiến độc giả có thể cùng rơi nước mắt trước nỗi khổ của một cô gái bất hạnh. Nhưng đồng thời cũng là một tác phẩm khiến chúng ta có thể mang lại cái nhìn vũ trụ quan mà trong đó mỗi cuộc đời của chúng ta như những cái kén nhỏ nhoi trôi trong khoảng không gian vô định.

Các tin khác