Nói về Nguyễn Văn Vĩnh (ảnh, 1882-1936), GS. Phạm Thế Ngữ nhận xét: Về tư tưởng, Nguyễn Văn Vĩnh có thể coi là người tiêu biểu của phong trào duy tân cấp tiến của nước ta vào đầu thế kỷ XX. Về học thuật, ông là một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi truyền bá chữ Quốc ngữ. Và ông đã cho ra đời những tờ báo rất bổ ích của nền báo chí phôi thai, như tờ Đông Dương tạp chí…
Hành trình một con người kỳ lạ
Nguyễn Văn Vĩnh ra đời ngày 15-6-1882 tại làng Phượng Vũ, xã Phượng Dục, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) trong một gia đình nông dân nghèo đông con ở vùng đồng chiêm trũng, quanh năm đói kém. Vì quá nghèo, gia đình ông bỏ quê ra Hà Nội ở nhờ nhà một người họ hàng bên ngoại ở số 46 Hàng Giấy để kiếm sống.
Lúc 8 tuổi, Vĩnh đi chăn bò thuê ngoài bãi sông Hồng. Sau đó gia đình phát hiện ở đình làng Yên Phụ có lớp học do thầy giáo người Pháp phụ trách dạy các học sinh đỗ tú tài trở lên học thành thông ngôn nên xin vào làm, ngồi cuối lớp kéo quạt cho lớp học. Không chỉ kéo quạt và cũng không có sách, bút nhưng Vĩnh luôn chăm chú nghe thầy giảng để học lỏm.
Nhờ vậy, sau một thời gian ông đã nói, viết được tiếng Pháp thành thạo. Nhờ tư chất “học lỏm” xuất sắc, ông được thầy hiệu trưởng D’Argence chú ý, cho phép dự thi tốt nghiệp cùng 40 học sinh khác trong khóa học. Kết quả: Nguyễn Văn Vĩnh đỗ hạng 12 khi mới 10 tuổi!
Vì tốt nghiệp với tuổi quá nhỏ, Nguyễn Văn Vĩnh thôi kéo quạt, được cấp học bổng để theo học Trường Thông ngôn (Collége des Intreprêtes) khóa 1893-1896 và đã đỗ thủ khoa khi mới 13 tuổi. Sau đó, ông được bổ làm thông ngôn cho Tòa công sứ Lào Cai, Hải Phòng, Bắc Ninh - Bắc Giang. Được đánh giá cao về tài mẫn tiệp và khả năng tiếng Pháp, ông được Công sứ Hauser đặc cách làm thư ký riêng, chánh văn phòng. Sau đó viên quan này được điều về Hà Nội làm đốc lý, Vĩnh được điều theo.
Đầu thế kỷ XX tình hình thế giới có nhiều biến động: Phong trào “Châu Á thức tỉnh” nổi lên, Nhật thắng Nga trong chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905). Trong nước phong trào Đông Du, Duy Tân phát triển rầm rộ. Vì vậy, Toàn quyền Đông Dương P. Beau nhận thấy cần cải cách thích ứng với biến động xã hội đồng thời xoa dịu sự phản kháng của Nhân dân trước chính sách hà khắc của chính quyền thuộc địa.
Toàn quyền P. Beau giao nhiệm vụ cho Đốc lý Hauser trực tiếp vận động và giúp đỡ người Việt làm đơn, thảo điều lệ xin phép lập các trường, các hội để trình lên Phủ Thống sứ. Nguyễn Văn Vĩnh được Hauser tín nhiệm giao cho việc này. Nhờ đó, Nguyễn Văn Vĩnh trở thành sáng lập viên của các hội, các trường lúc bấy giờ, như Hội Trí Tri, Trường Đông Kinh Nghĩa thục, Hội Dịch sách, Hội Tương trợ người Việt sang Pháp học đại học và kỹ thuật…
Bước ngoặt cuộc đời ông xảy ra vào năm 1906. Năm đó, Pháp mở Hội chợ thuộc địa Marseille và Đốc lý Hauser được giao tổ chức gian hàng Bắc kỳ. Hauser giao cho Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện, gồm thu thập sản phẩm triển lãm, thiết kế trưng bày, đưa thợ đi Marseille dựng gian hàng.
Ông còn được giao quản lý gian hàng tại hội chợ thuộc địa từ tháng 3 đến tháng 8-1906, khi đó Vĩnh mới 24 tuổi. Hội chợ kết thúc, Vĩnh ở lại Marseille 1 tháng, được Đốc lý Hauser đưa đi tham quan, tìm hiểu hoạt động của nhà in và báo Revue de Paris, nhà xuất bản Hachette, cơ quan xuất bản từ điển Larousse…
Năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội Nhân quyền Pháp. Sau đó về nước, ông xin… nghỉ việc và cùng một người Pháp - Dufour - thành lập nhà in. Ông cùng với Phan Kế Bính dịch và xuất bản 2 tác phẩm đầu tiên: Tam quốc và Truyện Kiều. Từ đây cuộc đời ông chuyển hẳn qua làm báo và xuất bản. Ông tự cách tân chính mình bằng cách cắt tóc ngắn, bỏ túi tó, khăn xếp, áo dài; mặc quần áo theo kiểu Âu, đi giày da, dùng xe mô tô mang từ Pháp về…
Năm 1907 ông thực sự bước vào làng báo, là người khởi xướng và khai sáng việc phát triển báo chí tiếng Việt - một nghề hoàn toàn mới đối với người Việt đầu thế kỷ XX. Ông lấy nhiều bút danh khác nhau như Tân Nam Tử, Đoàn Thị Loan, V, Bảo Quán... tùy theo thể loại báo chí.
Sau đó ông làm chủ nhiệm, chủ bút nhiều nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam vào thời đó, với các tờ Đăng cổ Tùng báo (ra số đầu tiên ngày 28-3-1907), Notre Journal (1908-1909), Notre Revue (1910), Lục tỉnh Tân văn (ở Sài Gòn), Đông Dương tạp chí (số đầu tiên ra ngày 15-5-1913), Trung Bắc Tân văn (1915). Năm 1919 tờ Trung Bắc Tân văn xuất bản dưới dạng nhật báo, là tờ nhật báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đầu những năm 1930 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực. Ngành báo chí và in ấn của Nguyễn Văn Vĩnh bị tổn thất nặng nề. Báo, sách in ra không phát hành được. Lúc này Nguyễn Văn Vĩnh nợ ngân hàng Đông Dương một khoản tiền lớn, mặt khác ông luôn viết báo chống Pháp, đả phá chính quyền phong kiến bù nhìn, nên Pháp buộc ông phải lựa chọn một trong 3 điều kiện để xóa nợ: (i) Vào Huế làm quan Thượng thư. (ii) Phải đi tù. (iii) Phải biệt xứ sang Lào tìm vàng trả nợ. Ông chọn phương án thứ 3 để giữ phẩm cách của mình và để… tiếp tục viết báo.
Ngày 1-5-1936, người ta phát hiện ông chết trên một chiếc thuyền độc mộc, trong người không có một xu nhưng trên tay vẫn đang cầm bút với một bài phóng sự đang viết dở “Một tháng với những người đi tìm vàng”. Loạt bài này có những bài đầu đã đăng trên tờ Annam Nouveau!
Nước Nam ta hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ
Khai sáng nền báo chí và cổ động truyền bá chữ Quốc ngữ là sự nghiệp gắn liền cả đời Nguyễn Văn Vĩnh. Trong lời tựa cuốn Truyện Kiều xuất bản bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên (năm 1907), Nguyễn Văn Vĩnh ghi: “Nước Nam ta mai sau này hay hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”, trở thành lời kêu gọi của các nhà truyền bá chữ Quốc ngữ, được in trên tất cả các bìa sách của nhà in Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản.
Tại Hội quán Trí Tri ngày 4-8-1907, ông phát biểu: “Nước Nam ta muốn chóng bước lên đường tiến hóa thì phải mau thu thái lấy những tư tưởng mới. Muốn cho những tư tưởng mới trong văn hóa Âu - Tây truyền bá khắp trong dân gian thì phải phiên dịch sách chữ nước ngoài ra tiếng Việt”. Nói là làm, Nguyễn Văn Vĩnh viết trên báo Đông Dương tạp chí: “Bản quán định đem hết những bài luận hay về các công nghệ, về việc buôn bán dịch ra quốc văn cho người An Nam được tận hưởng”.
Góc trưng bày ảnh nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh và các tờ báo do ông làm chủ bút, bao gồm: |
Khởi sự với nghề làm báo và tham gia giảng dạy ở trường Đông Kinh Nghĩa thục, Nguyễn Văn Vĩnh luôn cổ động Nhân dân học chữ Quốc ngữ để thay thế chữ Hán, chữ Nôm. Ông lập luận: “Mở ngay tờ nhật báo này ra mà ngẫm xem bấy nhiêu điều luận trong báo, thử nghĩ: Giá thử luận bằng chữ Nho thì có mấy người đọc được, mà trong những người đọc được thì có mấy người hiểu cho hết nghĩa. Viết bằng chữ Quốc ngữ thì người biết chữ đọc được, hiểu được mà một người đọc cả nhà nghe đều hiểu”.
Ông cho rằng để đọc, viết được chữ Quốc ngữ rất dễ. “Ai có ý chí thì vài ngày, ngu đần một tháng cũng phải thông. Trong khi chữ Nho thì phải học nửa đời người, mà trăm người học không được một người hay, học được hay cũng chỉ ích lấy một mình, chẳng qua là một cái thú rung đùi mà thôi!”.
Bên cạnh việc cổ động, truyền bá chữ Quốc ngữ, ông cũng là một nhà ngôn ngữ học về tiếng Việt xuất chúng mà di sản của ông còn giá trị đến ngày nay. Trên các bài báo, Nguyễn Văn Vĩnh đưa ra để bàn luận, đi đến thống nhất trong cả nước về cách đặt câu, cách viết, dùng dấu chấm, phẩy…
Là người đi qua mọi miền đất nước, Nguyễn Văn Vĩnh phát hiện ngữ âm các vùng miền có sự khác biệt. Ông chủ trương phân biệt và thống nhất chữ ch và tr, như con trâu, hạt châu; đổi chữ gi và tr, như sai (giai), trăng (giăng), tro (gio); s đổi ra tr, như trống thay cho sống; d đổi ra nh, như (mạng) nhện thay cho dện, nhốt (gà) thay cho dốt, nhơ (bẩn) thay dơ…
Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng sự khác biệt ngữ âm giữa 3 miền và việc học hời hợt, không thống nhất sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của chữ Quốc ngữ, làm người đọc hiểu sai nghĩa nên ông đã có nhiều đề xuất “lạ và quá đáng” vào thời bấy giờ. Ông đã đề nghị các quan cai trị khi xét đơn từ, nếu đơn nào viết sai lỗi chính tả thì không nhận, trừ những việc khẩn cấp, để đưa người dân vào khuôn khổ, không được viết liều.
Trên Đông Dương tạp chí còn có nhiều bài hướng dẫn cách cầm bút, cách ngồi, cách viết… tiếng Việt khác hẳn cách viết chữ Nho trước đây. Với mong muốn đưa chữ Quốc ngữ nhanh chóng trở thành loại chữ viết phổ thông, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết trên báo nhiều thể loại báo chí, dịch tiểu thuyết, thơ ngụ ngôn bằng chữ Quốc ngữ, truyền tả được tất cả các tư tưởng tình cảm con người. Qua đó, những người không biết chữ Hán và tiếng Pháp cũng có thể tiếp cận được những áng văn hay, những tư tưởng mới.
Tận tâm, cật lực truyền bá chữ Quốc ngữ, đến năm 1918 chữ Quốc ngữ được khẳng định, sử dụng rộng rãi thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm. Chữ Hán bị bãi bỏ trong thi cử ở Bắc kỳ từ năm 1915 và trên cả nước năm 1919.
Lạc giữa rừng gươm
Nếu đánh giá về Nguyễn Văn Vĩnh mà chỉ dừng lại ở việc cụ là thủy tổ của làng báo tiếng Việt, là người có công phát triển chữ Quốc ngữ và là nhà dịch thuật xuất sắc thì chưa đầy đủ và thỏa đáng. Điều xứng đáng hơn cũng là đóng góp lớn nhất ở cụ chính là về tư tưởng. Đó là một trong những nhà tư tưởng dân chủ đầu tiên của Việt Nam mang tính khai sáng. Cụ cũng là người biết dùng văn học và văn hóa để tác động sâu vào lòng người, truyền bá những tư tưởng tiến bộ, vượt thời đại. | |
GS. Phan Huy Lê |
Đi tiên phong và cổ vũ chữ Quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh trải qua không ít khó khăn. Thực tế trong chương trình học nước ta lúc đó, chỉ 3 năm đầu cấp tiểu học mới được học chữ Quốc ngữ, đến bậc trung học chữ Quốc ngữ chỉ còn là một môn sinh ngữ. Đến bậc đại học, cao đẳng chữ Việt mất hẳn, thay bằng Pháp ngữ.
Tiếng Việt mất hút ngay trên đất nước của mình nên Nguyễn Văn Vĩnh vừa đối đầu với ý thức hệ phong kiến lạc hậu, bảo thủ trong xã hội Việt Nam, vừa đấu tranh với người Pháp để xác định vai trò tiếng bản ngữ. Cả người Pháp cũng không ngờ khi Quốc ngữ trở thành chữ viết phổ thông của dân chúng thì làn sóng truyền đạt tư tưởng, nguyện vọng, đòi hỏi của dân chúng bùng lên, gây mất kiểm soát cho chính quyền thuộc địa, trở thành nhân tố quan trọng trong công cuộc đấu tranh đòi độc lập của dân tộc Việt Nam.
Nhà văn Vũ Bằng nhận xét: “Nói đến ông Vĩnh, người ta thường nhớ ngay các loạt bài đả kích chủ trương quân chủ của Phạm Quỳnh theo chính quyền thuộc địa và chủ trương xây dựng nền dân chủ lập hiến, làm cho người dân từ Bắc đến Nam sôi nổi, hăng say. Chiến dịch khích động lòng yêu nước của toàn dân lúc ấy đã làm cho Pháp giật mình, không ngờ ông Vĩnh được dân chúng tin yêu đến thế.
Vì vậy Nguyễn Văn Vĩnh đối mặt với nhiều lời đe dọa, khi thì sỗ sàng, lúc thì mềm dẻo của nhà cầm quyền Pháp lúc đó, kéo dài không ngớt trong cuộc đời ông. Vậy mà, Nguyễn Văn Vĩnh thà chịu khổ sở, thiếu thốn, hiểm nghèo chứ không chịu vị tình người Pháp hay vì tiền của của họ mà thay đổi lập trường, chí hướng”.
Năm 1932, Nguyễn Văn Vĩnh dự họp Đại hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương tại Sài Gòn. Ông thay mặt giới doanh nghiệp phản đối việc chuyển đồng tiền Đông Dương từ ngân bản vị sang kim bản vị, cho rằng điều này chỉ có lợi ngân hàng Pháp nhưng có hại cho nền kinh tế Đông Dương.
Đang họp thì Nguyễn Văn Vĩnh nhận được trát tòa đòi tịch biên toàn bộ gia sản vì thiếu nợ. Sau nhiều lần mặc cả giữa chính quyền và Nguyễn Văn Vĩnh, nhà cầm quyền đòi Nguyễn Văn Vĩnh chấp nhận 1 trong 3 điều kiện sau: Chấm dứt việc đả phá triều đình Huế và quan Thượng thư Phạm Quỳnh; Đồng ý vào Huế làm Thượng thư; Dừng toàn bộ việc viết báo.
Ông vẫn tỏ thái độ lừng khừng và không hợp tác với chính quyền thuộc địa nên năm 1935 ông tiếp tục nhận trát với 3 điều kiện còn tệ hại hơn: Chấm dứt toàn bộ việc viết báo; Chấp nhận đi tù; Sang Lào tìm vàng trả nợ. Và ông đã chấp nhận điều kiện thứ 3, mất trên dòng sông Sê Pôn năm 1936 khi mới 54 tuổi!
GS. Tham Lãng nhận định: “Có lẽ cái mẫu quốc Pháp với mọi vẻ huy hoàng (khi ông tham dự đấu xảo Marseille) đã làm ông nảy ra ý định dấn thân. Cho nên khi về nước, thay vì tiếp tục cộng tác với Pháp để được vinh thân phì gia, ông lại bỏ ngay quan trường để dấn thân vào cuộc đấu tranh văn hóa, mà khí giới của ông là báo chí và các ấn phẩm.
Mặt khác, Nguyễn Văn Vĩnh có thể coi là ông tổ của nền văn học - báo chí thời bấy giờ. Đông Dương tạp chí do ông điều khiển quả là một văn đàn đã quy tụ nhiều nhà văn danh tiếng. Và điều mà ông đã ôm ấp và phụng sự cho đến hết đời là làm cho chữ Quốc ngữ có một tương lai rực rỡ. Công của ông quả thực to tát”.
Những sản phẩm để lại sau 30 năm làm báo và xuất bản của Nguyễn Văn Vĩnh cho thấy ông hội tụ đầy đủ tố chất của một nhà báo tài ba, chân chính; viết nhiều thể loại, dám nêu chính kiến trên nhiều lĩnh vực đi ngược lại chủ trương của nhà cầm quyền; là gương sáng nhiều thế hệ làm báo học tập.
Tuy vậy, sinh thời Nguyễn Văn Vĩnh rất khiêm tốn, tự nhận mình là “người man di hiện đại”, vì cho rằng ông là người làm văn hóa - chính trị không có gốc gác, xuất thân là cậu bé chăn bò 8 tuổi xin kéo quạt trong lớp học. Nguyễn Văn Vĩnh là người có tầm tư tưởng mới, luôn hướng tới sự cách tân, dân chủ nhưng chưa được đánh giá sâu sắc và toàn diện về sự nghiệp.
Thậm chí trong nhiều giai đoạn lịch sử, người đương thời đã hiểu sai khi kết tội ông là “tay sai, kẻ bồi bút” cho chính quyền thực dân, nặng nề hơn là tầng lớp phong kiến kết tội ông là người “đã cắt đứt mạch văn hóa Hán - Nôm của dân tộc”. Được cho là người phục vụ chính quyền thực dân, nhưng thực tế ông đã hai lần từ chối nhận Bắc Đẩu bội tinh - một huân chương cao quý mà cả người Pháp và người Việt đều mơ ước.
Về chính trị, Nguyễn Văn Vĩnh phản bác chủ trương quân chủ lập hiến vì cho rằng đó là bộ máy trung gian, người dân phải 1 cổ 2 tròng áp bức. Ông coi thường triều đình nhà Nguyễn, đả phá chính sách cai trị của Pháp. Ông chống người bạn thân Phạm Quỳnh cũng vì phối hợp với nhà cầm quyền ủng hộ chế độ quân chủ. Ông đưa ra quan điểm rất mới lúc bấy giờ: Hình thái xã hội lý tưởng phải là một xã hội cộng hòa; trong đó luật pháp, quyền dân chủ và sự bình đẳng được tôn trọng!
Nguyễn Văn Vĩnh cũng không chấp nhận đường lối của cụ Phan Bội Châu, là muốn cầu viện người Nhật để duy tân, cho rằng: Muốn giải phóng người dân, việc đầu tiên phải giúp họ nâng cao kiến thức - nhận thức. Khi đó người dân sẽ quyết định vận mệnh của mình một cách sáng suốt. Mâu thuẫn giữa 2 bậc thức giả sau đó được hóa giải sau khi trao đổi, hiểu nhau hơn. Vì vậy khi Nguyễn Văn Vĩnh mất, Phan Bội Châu có điếu văn khóc Nguyễn Văn Vĩnh, được viết bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán.
Tại lễ tang ông, đông đảo giới báo chí cả 3 kỳ đã đến tiễn đưa. Thi hài ông được Hội Tam điểm đưa về Hà Nội cử hành tang lễ trong 3 ngày, dưới dòng chữ: “Kính viếng Ông Tổ của nghề báo”.