Hy sinh lợi nhuận cho xử lý nợ
Vietcombank mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý IV-2023, với lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất cả năm đạt 41.244 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với năm 2022. Nhờ giảm được chi phí DPRR một nửa so với năm 2022, và được hoàn nhập gần 1.500 tỷ đồng chi phí DPRR tín dụng trong quý IV-2023, là một trong các động lực giúp lợi nhuận của NH tăng mạnh.
Năm 2023, MB cũng giảm trích lập DPRR và đã hoàn nhập dự phòng hơn 4.800 tỷ đồng từ danh mục cơ cấu nợ thành công cho các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ 2020, 2021, dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu (quỹ dự phòng tín dụng/nợ xấu) vẫn đạt mức 116%. Trên cơ sở đó, NH này đã có lãi lớn với hơn 26.306 tỷ đồng LNTT.
Tại BIDV, nhờ trích lập DPRR mạnh các năm trước, nên năm 2023 dù giảm trích lập hơn 14% nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn đạt 192%, lợi nhuận được bảo toàn. Tuy nhiên đây chỉ là số ít, đa số các nhà băng chưa có được lợi thế tương tự để bứt phá lợi nhuận.
Tại VietinBank, nợ xấu cuối năm 2023 chỉ tăng 5% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1,24% đầu năm xuống còn 1,13%. Tuy nhiên trong năm 2023, NH đã trích đến 25.115 tỷ đồng để DPRR tín dụng, tăng 6% so với năm trước. Với mức này “ngốn” gần một nửa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.
Quý IV-2023, LNTT của VIB tăng trưởng âm 14% do chi phí DPRR tăng cao, gấp 4,8 lần so với cùng kỳ. Cả năm, tổng trích lập dự phòng của NH này là 4.846 tỷ đồng, cao gấp 3,7 lần năm 2022. Vậy nên lũy kế năm 2023, VIB đạt 17.360 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng trưởng 16%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 8.562 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 1%.
Năm 2023, TPBank đạt tổng thu nhập hoạt động 16.233 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng 12,7% lên 6.698 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí DPRR tăng mạnh 114% lên 3.946 tỷ đồng, đã kéo LNTT cả năm về mức 5.588 tỷ đồng, giảm 28,6% so với năm 2022. Còn MSB mới là NH có tỷ lệ tăng chi phí DPRR đáng kể nhất với 244%, với mức 1.647 tỷ đồng.
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề nợ xấu là tình trạng pháp lý của các dự án bất động sản chưa hoàn thiện. Vấn đề này không thể giải quyết một cách nhanh chóng mà có thể kéo dài trong thời gian dài, mặc dù có 3 luật mới thông qua nhưng có hiệu lực từ năm 2025.
Ở các NH quy mô nhỏ, chi phí DPRR tín dụng gia tăng đã kéo lợi nhuận đi chậm, thậm chí đi lùi. Cụ thể, khoản này đã tăng 41% tại BacABank lên hơn 195 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế năm 2023 xuống còn hơn 834 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng thời điểm của năm 2022.
Hay tại VietABank, LNTT năm 2023 chỉ đạt hơn 928 tỷ đồng, giảm 16,2% so với năm 2022 và chỉ thực hiện được 73% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính là do chi phí dự phòng tăng gấp 11 lần năm 2022. BaoVietBank cũng đã tăng tới 91% chi phí DPRR tín dụng lên mức 1.072 tỷ đồng, tương đương hơn 92% lợi nhuận thuần trong năm, khiến cho LNTT cả năm giảm nhẹ so với năm 2022, bất chấp lãi thuần tăng rất mạnh.
Vẫn chưa hết khó khăn?
Nhiều nhà băng đã cấp tập tăng trích lập DPRR trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng mạnh. Như tại BacABank, tổng nợ xấu gần 916 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng 78% so với cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu từ 0,55% lên 0,92%, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều gấp 4 lần.
Hay BaoVietBank có 1.655 tỷ đồng nợ xấu, tăng 49% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ mức 3,34% lên 4%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm gần 1.296 tỷ đồng đã đẩy mức trích lập DPRR lên cao.
Tại MSB, tổng nợ xấu tăng lên 4.280 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm 2023, tỷ lệ nợ xấu từ mức 1,71% đầu năm lên 2,87% cuối năm. Nợ xấu tại TPBank tăng gấp 3 lần cuối năm 2022 với 4.200 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu từ mức 0,84% đầu năm lên 2,05%...
Thống kê được NHNN công bố gần đây nhất cũng cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã đạt 4,95%, nợ xấu bán cho VAMC và nợ xấu có nguy cơ trở thành nợ xấu là rất lớn. Trước áp lực nợ xấu, NHNN cho biết năm nay sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, phấn đấu tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) năm 2024 dưới 3%.
Tuy nhiên mục tiêu này có thể gặp thách thức. Vì theo các chuyên gia tài chính, tín dụng đột nhiên tăng nhanh trong tháng 12-2023 (tăng đến 4,7%), điều này cũng kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các NH ở thời điểm cuối năm giảm xuống. Nhưng tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024, nếu tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa cải thiện rõ rệt.
Động thái cân nhắc kéo dài Thông tư 02/2023 về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ của NHNN cũng cho thấy lo lắng về nợ xấu gia tăng trong năm nay.
Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua, tuy bổ sung thêm các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội, nhưng đến ngày 1-1-2025 mới có hiệu lực thi hành. Từ nay đến đó, các nhà băng ở trong khoảng trống của hành lang pháp lý, sẽ rất khó để thu hồi nợ vay, kể cả với các khoản nợ có tài sản đảm bảo. Bối cảnh đó cũng là một trong các lý do khiến các NH phải đẩy mạnh trích lập DPRR để xử lý nợ.
Ngoại trừ các NH thuộc nhóm Big 4, hiện nay rất nhiều nhà băng có mức dự phòng thấp hơn so với giá trị của các khoản vay có vấn đề, do nguồn lực hạn hẹp. Đây sẽ là khó khăn của ngành NH trong thời gian tới.
Trong một báo cáo gần đây, SSI Research cũng lưu ý, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và các khoản vay cũ) vẫn tiếp tục cần được giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 16 nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của NH được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại đối với các NH tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.