Đua phá đỉnh lãi suất huy động
Tuần trước, thông tin nóng được chú ý nhất là lãi suất huy động gần chạm ngưỡng 9%/năm. Tin này lan truyền sau khi NH Bản Việt công bố chỉ cần từ 10 triệu đồng có thể tham gia sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi cuối kỳ các kỳ hạn 6, 9, 12, 15 và 18 tháng lần lượt ở mức 7,5%/năm, 7,8%/năm, 8%/năm, 8,2%/năm và 8,4%/năm. Thật ra, lãi suất trên 8%/năm hay sắp chạm ngưỡng 9%/năm không phải là mức lãi suất mới có gần đây. Vài tháng trước, ABBank đã nắm giữ mức lãi suất huy động cao nhất thị trường với 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Hiện những người có tiền nhàn rỗi cũng không khó để tìm thấy các sản phẩm tiền gửi sinh lợi cao, vì mọi nhà băng đều tăng lãi suất. Trên biểu lãi suất của Techcombank, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại quầy ở mức 6,5%/năm, nhưng nếu khách hàng gửi từ 3 tỷ đồng trở lên được cộng thêm 1,5%, tương đương lãi suất 8%/năm.
Trong khi đó, NamABank đang có chương trình tiền gửi Happy Future áp dụng từ ngày 26-9, trong đó gửi 9 tháng áp dụng lãi suất 11%/năm trong 3 tháng đầu, gửi 12 tháng lãi suất 9,9%/năm trong 6 tháng đầu, gửi 18 tháng lãi suất 8,9%/năm trong 12 tháng đầu, kỳ hạn 24 tháng áp dụng lãi suất 8,4%/năm trong 18 tháng đầu. 6 tháng cuối của các kỳ hạn này, lãi suất về mức 4%/năm.
Một chiêu hút tiền gửi đã vắng bóng một thời gian dài nay đang được VietBank triển khai là tặng quà, quay số trúng thưởng với giải đặc biệt là sổ tiết kiệm trị giá 1 tỷ đồng. Hay tại VIB, lãi suất tiền gửi trên kênh online đã được nâng lên tối đa 7,9%/năm, và nếu khách hàng lần đầu tiên mở sổ tiết kiệm online từ 50 triệu đồng sẽ được tặng ngay 500.000 đồng…
Thanh khoản tiếp tục căng thẳng
Ngày 19-9, ĐTTC đã có bài viết “Lãi suất VNĐ đang leo dốc vì thiếu thanh khoản”. So với thời điểm đó, lãi suất huy động trên thị trường dân cư và tổ chức (thị trường 1) đã tăng thêm khoảng 0,5 - 1% chỉ trong vòng 4 tuần. Có nghĩa câu chuyện thanh khoản của các NHTM không hạ nhiệt mà còn nóng hơn, thể hiện qua sự “dậy sóng” của lãi suất trên thị trường liên NH (thị trường 2). Ngày 4-10, lãi suất cho vay qua đêm trên liên NH ở mức 7,88%/năm, kỳ hạn 1 tuần ở mức 6,43%/năm, 2 tuần 7%/năm, 1 tháng 6,78%/năm, 3 tháng 7,48%/năm, 6 tháng 7,91%/năm, 9 tháng 8,77%/năm.
Trước đó vào ngày 30-9, lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm và kỳ hạn 1 tuần giao dịch lần lượt quanh mức 4,93%/năm và 5,48%/năm. Chỉ trong tuần cuối tháng 9, NHNN đã phải bơm ròng 28.103 tỷ đồng thông qua cả 2 loại hình mua kỳ hạn và bán hẳn trên kênh tín phiếu. Tuy nhiên những ngày đầu tháng 10, các NH vẫn vay trên liên NH với lãi suất qua đêm tương đương lãi suất huy động kỳ hạn 12-24 tháng trên thị trường 1, cho thấy thanh khoản đang rơi vào tình trạng căng thẳng cục bộ.
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình này có thể sẽ khó cải thiện sớm khi đến thời điểm 20-9, huy động vốn của các TCTD tăng 4,04%, cùng kỳ năm 2021 tăng 4,28%. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54%, cùng kỳ năm 2021 tăng 7,17%. Tức là tốc độ tăng tín dụng đang gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Sự lệch pha này sẽ tiếp tục tạo nên áp lực huy động rất lớn, mặc dù dư địa tín dụng của năm nay không còn nhiều, thế nên lãi suất tăng thị trường 1 khó có thể hạ nhiệt. Từ ngày 1-10-2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các NH điều chỉnh từ 37% xuống 34%, cũng là áp lực để các NH tăng lãi suất kỳ hạn dài để hút tiền gửi trung và dài hạn. Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo, mức tăng lãi suất cho cả năm 2022 có thể dao động 150-200 điểm (tức khoảng 1,5-2%).
Lãi suất buộc phải tăng
Lãi suất huy động tăng, lãi vay cho vay cũng rục rịch tăng. Phía NHNN cho biết, khi điều chỉnh lãi suất cũng đã tính đến mục tiêu bình ổn lãi suất cho vay những tháng cuối năm. Do đó, trong số các trần lãi suất điều chỉnh tăng, NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay, thể hiện việc điều hành của NHNN đã hướng đến mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Thế nhưng, ổn định lãi vay như công bố chỉ có thể tồn tại ở những lĩnh vực ưu tiên, ở các nhóm khác, quan hệ vay-mượn phải theo quy luật thị trường, khó có thể áp dụng mệnh lệnh hành chính về lãi suất. Hiện tại, các khách hàng cá nhân đang bắt đầu râm ran về việc NH thông báo tăng lãi suất cho vay, dao động trong khoảng 11-13%/năm so với mức 9,5-11%/năm được áp dụng trước đó. Cùng lúc này, các DN không nằm trong lĩnh vực ưu tiên cũng đang thấp thỏm lo khi lãi suất huy động tăng.
Một kênh nữa có thể cũng sẽ chịu tác động của câu chuyện tăng lãi suất huy động là TPDN. Sau khi Nghị định 65 mới có hiệu lực, thị trường TPDN đang rục rịch chuyển động lại vấp phải “cú sốc lãi suất” của kênh tiền gửi. Hiện tại, các công ty bất động sản đang phát hành TPDN với lãi suất khoảng 9,5-10%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động tăng lên rõ ràng sẽ tạo áp lực nhất định cho kênh TPDN, trong khi ngành bất động sản sẽ phải đáo hạn 35.560 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay và năm 2023 là 61.370 tỷ đồng. Nhóm này hiện khó tiếp cận vốn NH, song nếu huy động TPDN để đáo hạn lại phải đẩy lãi suất lên cao hơn, cũng là một rủi ro cho họ.
Phát hành TPDN là phương thức huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu của các DN ở các nước có thị trường vốn phát triển. Tại Việt Nam lâu nay, hình thức huy động vốn này chỉ được chú trọng tính hấp dẫn của lãi suất và cũng chỉ có nhóm NH, bất động sản, gần đây có thêm nhóm công ty tài chính, điện mặt trời. Nay lãi suất huy động lại nâng lên, lãi suất TPDN cũng phải nhìn vào đó để điều chỉnh, sẽ càng khiến nhóm sản xuất khó tìm vốn trung và dài hạn ở kênh trái phiếu và vẫn phải tiếp tục bám trụ vào nguồn tín dụng NH.
Đến thời điểm 20-9, huy động vốn của các TCTD tăng 4,04%, cùng kỳ năm 2021 tăng 4,28%. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54%, cùng kỳ năm 2021 tăng 7,17%. Tức là tốc độ tăng tín dụng đang gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Sự lệch pha này sẽ tiếp tục tạo nên áp lực huy động rất lớn. |