Hưởng lợi nhờ lãi suất huy động thấp
Nửa đầu năm 2024, nhóm Big 4 tăng trưởng tín dụng thấp so với mặt bằng chung, nhưng thu nhập lãi thuần vẫn đứng đầu. Trong đó vị trí cao nhất về mức thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm thuộc về Agribank, với mức 30.832 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ.
VietinBank ghi nhận mức tăng 20% thu nhập lãi thuần so với cùng kỳ, đạt 30.513 tỷ đồng, xếp vị trí thứ hai. BIDV tăng 3,3% đạt mức 28.379 tỷ đồng xếp vị trí thứ 3.
Vietcombank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt mức 27.986 tỷ đồng, giảm 0,8%, tuy nhiên vẫn đứng ở vị trí thứ tư trong top 10 NH có thu nhập lãi thuần cao nhất nửa đầu năm.
Ở nhóm NHTMCP, VPBank là nhà băng có mức thu nhập lãi thuần cao nhất với mức 23.732 tỷ đồng, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước, kế tiếp là Techcombank với mức 17.977 tỷ đồng, tăng 40,2% so với cùng kỳ.
MB tương tự Vietcombank, ghi nhận mức giảm 0,6% trong 6 tháng, nhưng vẫn giữ vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng với mức thu nhập lãi thuần đạt được 19.593 tỷ đồng.
Xét về tốc độ tăng trưởng, có những nhà băng đã có bước nhảy vọt về thu nhập lãi. Đơn cử HDBank đạt mức tăng trưởng lên tới 51,9%, đạt 14.880 tỷ đồng, xếp thứ 8/10 NH có thu nhập lãi thuần cao nhất nửa đầu năm. Techcombank với mức tăng 40,2% đạt mức 17.977 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 7.
Ở nhóm sau cũng có nhiều NH ghi nhận mức tăng lớn về khoản này như KienlongBank tăng 47,3%, SeABank tăng 43,6%, BacABank tăng 42,3%, LPBank tăng 36,1% và Vietbank tăng 36%. Trong 29 NH công bố báo cáo tài chính chỉ có 6 NH có mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần giảm dù tín dụng tăng chậm.
Đáng chú ý, trong một báo cáo mới đây, Công ty Đầu tư vốn cổ phần cơ bản Kirin Capital, cho biết theo số liệu tổng hợp từ các NH niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể thấy, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của ngành đã có sự sụt giảm đáng kể trong quý II vừa qua khi chỉ đạt 247.680 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, do tỷ suất tiền gửi không kỳ hạn (CASA) toàn ngành tăng trưởng tốt, đi kèm với lãi suất huy động suy giảm trong giai đoạn vừa qua, đã giúp chi phí lãi sụt giảm mạnh 0,5%, từ mức 4,9% xuống còn 4,4% trong quý II. Điều này đẩy biên lãi thuần (NIM) toàn ngành tăng nhẹ từ 3,4% lên mức 3,5%.
Hiểu cách khác, nguồn thu lãi từ các khoản cho vay nửa đầu năm nay đã có giảm so với trước đây, nhưng nhờ lãi suất huy động vốn vào giảm nhanh hơn lãi suất cho vay ra, nên các nhà băng vẫn đạt lợi nhuận tốt từ phần chênh lệch lãi suất này.
Khó khăn đang hiện hữu
Mặc dù đã có những yếu tố để ủng hộ thu nhập lãi thuần trong nửa đầu năm, nhưng về nửa cuối năm điều này có thể khó khăn hơn. Trong nửa đầu năm, lãi thuần từ thu nhập dịch vụ của 29 NH niêm yết tăng gần 9,5% so với cùng kỳ với 34.996 tỷ đồng, nhưng mức đóng góp vào tổng thu nhập chỉ khoảng 12%.
Trong số đó có đến 13/29 NH ghi nhận sự sụt giảm về tăng trưởng thu nhập dịch vụ. Đồng nghĩa đóng góp của mảng dịch vụ vào lợi nhuận của các nhà băng nửa đầu năm 2024 không đáng kể, và cũng khó kỳ vọng mảng dịch vụ sẽ bứt phá mạnh mẽ ở nửa năm sau.
Còn xét về thu nhập từ lãi thuần, lãi suất huy động tại các NH đã và đang trong xu hướng tăng, một số NH đã vượt mốc 6%/năm. Các chuyên gia của Fiingroup nhận định, diễn biến tăng lãi suất huy động gần đây sẽ tạo áp lực nhất định lên tỷ lệ NIM của ngành, đặc biệt là ở nhóm NHTM có vốn nhà nước. Vì trong các quý tới, do cầu tín dụng yếu và Chính phủ vẫn chủ trương giữ lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ tăng trưởng.
Mới đây nhất, sau ảnh hưởng của bão số 3, nhiều nhà băng chung tay bằng các chính sách hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn từ ngày 6-9 đến hết năm 2024, cụ thể là giảm lãi suất cho vay. Điển hình Agribank điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 – 2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả.
Vietcombank cũng tiến hành hỗ trợ giảm 0,5%/năm mức lãi suất vay đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão. Theo tính toán sơ bộ, nhà băng này sẽ tiến hành giảm lãi suất với tổng dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng. BIDV công bố mức hỗ trợ giảm lãi suất cho vay mới dự kiến khoảng 1%, đối với khoản vay hiện hữu xem xét giảm lãi suất ở mức 0,5%/năm. Và nhiều nhà băng khác cũng đã và đang tham gia các chương trình tương tự.
Phía NHNN cũng đề nghị, các NH tiếp tục chính sách giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ do ảnh hưởng của bão lũ và cả các khoản vay mới. Trong bức tranh chung như vậy, thu nhập lãi thuần của ngành NH nửa cuối năm 2024 sẽ bị tác động không nhỏ. Các báo cáo gần đây cũng dự báo NIM của ngành này có thể giảm nhẹ vào quý IV-2024.
Đáng chú ý, các nhà băng hiện nay không chỉ đang khó đẩy vốn ra nền kinh tế để có được thu nhập, mà phần thu nhập có được này còn phải trích ra để ứng phó với nợ xấu. Nói cách khác, làm ăn khó nhưng còn bị nợ xấu bào mòn lợi nhuận. Bởi số dư nợ xấu của 29 NH tại thời điểm 30-6 là 271.461 tỷ đồng, tăng thêm tổng cộng 46.719 tỷ đồng, tương ứng tăng 20,8% so với cuối năm 2023.
Còn theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các NH ở mức 4,94% vào thời điểm cuối tháng 5, cao hơn mức 4,55% thời điểm cuối năm 2023. Nguyên nhân cốt lõi vẫn đến từ tình hình ảm đạm tại thị trường bất động sản với những khoản nợ xấu chưa thể giải quyết.
Nửa cuối năm nay, khi các NH phải giảm lãi suất cho vay, đưa ra các gói hỗ trợ cho các khách hàng nằm trong vùng bão lũ theo chính sách chung, cùng với việc đối mặt áp lực trích lập dự phòng rủi ro chuẩn bị cho công cuộc xử lý nợ giai đoạn 2025-2026, lợi nhuận của ngành NH nhiều khả năng không còn “xông xênh” như trước.
Hiện tại, bộ đệm dự phòng rủi ro của toàn ngành NH cũng mỏng đi khá nhiều trong giai đoạn vừa qua, cần trích lập thêm để đảm bảo an toàn. Điều này được dự báo sẽ khiến lợi nhuận NH có khả năng bị bào mòn cao hơn trong nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nếu Thông tư 02 hết hiệu lực.