Nhà hát 115 năm sáng đèn

Năm 2015, Nhà hát Lớn TPHCM tròn 115 tuổi. Trước đây, với tên gọi Nhà hát Lớn Sài Gòn (L'Opera de Saigon) là một công trình giải trí, xây dựng theo kiến trúc Pháp, một điểm nhấn nổi bật giữa không gian kiến trúc hiện đại của TP. Nằm ở vị trí thuận lợi, Nhà hát được xem là nhà hát trung tâm, đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật đồng thời tổ chức một số sự kiện văn hóa xã hội lớn.

Năm 2015, Nhà hát Lớn TPHCM tròn 115 tuổi. Trước đây, với tên gọi Nhà hát Lớn Sài Gòn (L'Opera de Saigon) là một công trình giải trí, xây dựng theo kiến trúc Pháp, một điểm nhấn nổi bật giữa không gian kiến trúc hiện đại của TP. Nằm ở vị trí thuận lợi, Nhà hát được xem là nhà hát trung tâm, đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật đồng thời tổ chức một số sự kiện văn hóa xã hội lớn.

Theo nhà khảo cứu Vương Hồng Sển, năm 1863, chính quyền thuộc địa Pháp đã mời một đoàn hát chính quốc sang biểu diễn tại Sài Gòn để lính viễn chinh giải trí. Ông viết: “Ban sơ, họ hát tại nhà cây của Thủy sư đề đốc tại nơi gọi Công trường Đồng Hồ (Place de l'Horloge - nay nằm tại góc đường Nguyễn Du - Đồng Khởi). Kế đó, nhà hát Tây được dời về xây tạm ở vị trí khách sạn Caravelle. Năm 1898, Nhà hát Tây được khởi công trên khuôn viên giữa khách sạn Caravelle và Continental và đến ngày 1-1-1900 ăn lễ lạc thành lớn lắm”.

Về mặt kiến trúc, Nhà hát Lớn Sài Gòn và Nhà hát Lớn Hà Nội là những công trình kiến trúc tiêu biểu của thời Pháp thuộc. Nếu Nhà hát Lớn Hà Nội (khởi công năm 1901 và hoàn chỉnh năm 1911, có 900 chỗ ngồi do 2 kiến trúc sư Broger và Harloy vẽ) là công trình kiến trúc mang tính chiết trung, được pha trộn nhiều phong cách, nhưng vẫn mang đậm dáng vẻ tân cổ điển Pháp, thì Nhà hát Lớn Sài Gòn tràn đầy cảm hứng lãng mạn từ Nhà hát Opera Garnier ở Paris, được thiết kế theo lối kiến trúc Flamboyant Gothic của thời Đệ tam cộng hòa Pháp thuộc thế kỷ 19, một phong cách kiến trúc phối hợp chặt chẽ với nghệ thuật điêu khắc, phù điêu, nặng về trang trí hoa mỹ với những vòm cong có họa tiết mảnh, mềm mại và uyển chuyển như hình ảnh của ngọn lửa.

Tác giả thiết kế của tòa nhà lộng lẫy này là kiến trúc sư Félix Olivier; công trình được hoàn thành dưới sự giám sát của các kiến trúc sư Ernest Guichard và Eugène Ferret. Điều đáng ghi nhận là cửa mặt tiền của Nhà hát Lớn Sài Gòn có dáng dấp tương tự như mặt tiền của Bảo tàng Le Petit Palais xây dựng cùng năm tại Paris, Pháp. Lúc đó, bên trong khán phòng, với tầng trệt và 2 tầng lầu, có 800 chỗ ngồi. Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất đều được mô phỏng hệt như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19.

Cần phải nói, phần trang trí ở mặt tiền nhà hát nhiều lần thay đổi. Lúc đầu được thể hiện theo phong cách thời đế chính, sau bổ sung thêm phong cách Beaux Arts, cổ điển và đối xứng với nhiều phù điêu và tượng đắp nổi giống như Tòa Thị chính. Bị cho là khá rườm rà và rối rắm, năm 1943 nhằm giản tiện và trẻ trung hóa theo kiểu Art Deco (nghệ thuật trang trí đương thời), các phù điêu và tượng này đã bị dỡ bỏ.

Năm 1944, Nhà hát bị trúng bom của máy bay Đồng minh, hư hại nặng, phải ngừng hoạt động. Sau khi người Pháp quay lại Đông Dương, Nhà hát chỉ được sửa chữa sơ sài. Mãi đến năm 1955, Nhà hát mới được tu bổ nhưng được sử dụng với chức năng là trụ sở Quốc hội rồi Hạ nghị viện của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Nếu cho rằng nghị trường những năm tháng đó cũng là một kiểu sân khấu chính trị, xem ra chức năng của Hạ nghị viện cũng không khác công năng của một nhà hát.

Đến năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, Nhà hát đã nhận lại chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Trong đợt kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TPHCM, năm 1998, chính quyền TP đã quyết định nâng cấp Nhà hát, tổng kinh phí trùng tu phục chế khoảng 25 tỷ đồng (thời giá bấy giờ). Nhiều kiến trúc sư và nhà sử học đã được mời tham gia dự án này.

Nhà hát được trùng tu các điêu khắc nổi trên tường và các tượng theo đúng mẫu ban đầu, phục chế một số trang trí với các vật liệu mới và được trang bị một hệ thống điện hiện đại, cũng như hệ thống âm thanh ánh sáng sân khấu, thiết bị an ninh và phòng cháy, thay ghế ngồi bằng ghế đệm. Cuối năm 2009, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật do chính phủ Pháp tài trợ đã khiến Nhà hát TPHCM về đêm thật sự đầy ấn tượng trong mắt cư dân và khách du lịch.

Hiện nay, khách đến thăm Nhà hát Lớn TP có thể nhận thấy kiểu dáng kiến trúc và nguyên liệu ban đầu của L'Opera de Saigon thời xưa trong phần mái hiên nguyên thủy bằng đá phiến, biểu tượng nữ thần tình yêu trên đỉnh, đôi tượng nữ thần xinh đẹp đứng hai bên cửa chính, các ô cửa vòm với dãy lan can nhô cao, các tấm lót gạch màu óng ánh, các giá nến, các bức tượng đồng trước cầu thang, đại sảnh có chạm khắc các họa tiết trang trí và những hàng tượng dọc theo hai bên Nhà hát.

Quang cảnh Nhà hát TPHCM.

Quang cảnh Nhà hát TPHCM.

Trong thời gian từ 1900-1944, L'Opera de Saigon được xem là trung tâm giải trí hàng đầu của Hòn ngọc Viễn Đông, nơi biểu diễn gần như độc quyền của các đoàn nghệ thuật của chính quốc, hoạt động bằng kinh phí của chính quyền thuộc địa và phục vụ chủ yếu giới thượng lưu Pháp và tầng lớp quan lại bản địa. Nhiều bậc cao niên kể lại, họ từng được xem những vở kịch nổi tiếng của Pháp như Le Cid của nhà biên kịch Pierre Corneille, La Dame aux camélias (Trà hoa nữ) của Alexandre Dumas con được trình diễn trong "Nhà hát Tây".

Có một thời gian, do kinh phí trợ cấp hoạt động bị cắt giảm, Nhà hát chỉ còn sinh hoạt cầm chừng với các buổi trình diễn tân nhạc, hòa nhạc và cải lương. Cũng Vương Hồng Sển đã viết những dòng tạc dạ: Nhớ lại ngày 16-11-1918, có một nhóm ký giả già tổ chức tại rạp hát Tây đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay) một buổi hát. Theo tôi, đó là buổi hát khởi đầu khiến người thuở ấy nảy ra ý nghĩ tiếp tục mãi, trình diễn và sửa đổi mãi và mở màn cho lối hát cải lương ngày nay.

Kể từ năm 1975 đến nay, Nhà hát Lớn là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn của TPHCM, trong đó chủ yếu biểu diễn các chương trình âm nhạc hàn lâm, giới thiệu những tác phẩm âm nhạc lớn quốc tế, tác phẩm hay của các nhạc sĩ Việt Nam, thông qua các hình thức như hòa tấu dàn nhạc, tốp nhạc, độc tấu, hát opera, múa ballet... nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng cao của Nhân dân TP, của khu vực và đáp ứng nhu cầu khách du lịch đến TP.

Với khán phòng 539 chỗ, Nhà hát có thể đón nhận các buổi biểu diễn trình độ cao về hòa nhạc, ca nhạc, múa, hợp xướng, giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch, thanh xướng kịch... Nhiều tác phẩm sân khấu, âm nhạc cổ điển và đương đại nổi tiếng thế giới như vũ kịch Kẹp hạt dẻ, Cô bé búp bê; các nhạc kịch Cây sáo thần, Broadway, Dido, Aeneas... đã được trình diễn trên sàn diễn của Nhà hát. Hiện nay, một phần Nhà hát Lớn là trụ sở của Nhà hát giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TPHCM.

Các tin khác