Nhà ở xã hội, đừng để mục tiêu cũng chỉ là mục tiêu

(ĐTTCO) - Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để các NHTM cho người dân, doanh nghiệp (DN) vay mua nhà ở xã hội (NoXH), sửa chữa chung cư… cần làm rõ nhiều vấn đề. ĐTTC ghi nhận ý kiến về vấn đề này.
Khu ký túc xá dành cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 TPHCM.
Khu ký túc xá dành cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 TPHCM.

Ông TRẦN HOÀNG QUÂN, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM:

Cần phân nhóm vướng mắc từng dự án

Mục tiêu xây dựng 50 triệu m2 sàn nhà ở giai đoạn 2021-2025 hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ, TPHCM mới đạt 13,5 triệu m2 sàn nhà ở. Như vậy 3 năm còn lại mỗi năm TP phải xây mới 12,2 triệu m2 sàn nhà ở. Trong khi đó quý I mới đạt 2,3 triệu m2.

Trong đó Chương trình phát triển NoXH cũng gặp nhiều khó khăn. TP đưa mục tiêu đến cuối năm 2025 xây mới 35.000 căn NoXH và khu lưu trú công nhân. Nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ có 1 dự án NoXH vận hành kỹ thuật với 260 căn, còn lại 18 dự án đã đăng ký và khởi công động thổ 9 dự án nhưng hầu hết chưa triển khai do vướng mắc Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư…

Tổ Công tác của TP họp và bước đầu đã tháo gỡ được một số vướng mắc. Nhưng các vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành trung ương vẫn chưa được giải quyết.

Để đẩy nhanh tiến độ của các dự án, Sở Xây dựng đã kiến nghị TP phân nhóm các vướng mắc của từng dự án, từ đó quy trách nhiệm cho từng sở ngành đẩy nhanh thủ tục. Hiện nay toàn TP có hơn 150 dự án vướng pháp lý đang chờ tháo gỡ.

Trong đó, Sở Xây dựng chủ trì xem xét 8 dự án với 6 nhóm vướng mắc, gồm hoán đổi nghĩa vụ NoXH; xác nhận dự án đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai; mua phần diện tích chung thuộc sở hữu nhà nước trong dự án chung cư cũ; thực hiện nghĩa vụ NoXH tại dự án thương mại bằng hình thức nộp tiền; cấp giấy phép xây dựng; xác định dự án có được phép bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Ông LÊ HỮU NGHĨA, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành:

Có tiền nhưng chưa chắc có nhà để mua

Gói 120.000 tỷ đồng cho NoXH là tin vui cho doanh nghiệp và người nghèo mua nhà. Đối với công ty chúng tôi, dù lãi suất cao hơn so với những gói trước nhưng vẫn rẻ hơn vay thương mại, như hiện nay có thể lên 16%/năm, giảm phần nào đỡ phần đó cho người đi vay mua nhà. Gói tín dụng này cũng sẽ tạo hiệu ứng cho việc Chính phủ quan tâm đến NoXH cho người dân.

Hiện nay gói 120.000 tỷ đồng trong giai đoạn này thực sự chưa phát huy hết tính tích cực. Bởi lẽ, nếu người mua vay được nhưng không có nhà để mua, vì hiện toàn TP hầu như không có dự án NoXH nào được phê duyệt. Vấn đề đặt ra, cơ quan chức năng phải nhanh chóng tháo gỡ pháp lý cho các dự án đang vướng mắc, giúp doanh nghiệp nhanh chóng triển khai xây dựng dự án, từ đó người có nhu cầu mới có thể vay tiền để mua nhà.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM:

Hoàn thiện chính sách tín dụng cho NoXH

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NoXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng với hướng dẫn trên của NHNN, là những tín hiệu tích cực cho việc phát triển phân khúc NoXH. Theo đó, mở ra triển vọng huy động nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa để phát triển NoXH, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người thu nhập thấp và công nhân lao động, nhằm bảo đảm “quyền có chỗ ở” của người dân theo quy định của Hiến pháp 2013.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần làm rõ để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống. Cụ thể, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi áp dụng từ nay đến 30-6-2023 là 8,2%/năm đối với người mua NoXH, vẫn rất cao so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua NoXH được quy định tại Quyết định 2081/QĐ-NHNN ngày 12-12-2022 của Thống đốc NHNN.

Đồng thời, với quy định áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm và lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi, NHTM và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất có thể dẫn đến rủi ro cho người vay vốn để mua NoXH. Bởi họ là “bên yếu thế” khi phải thương lượng, thỏa thuận với NHTM, và nhất là do thời gian ưu đãi 5 năm quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về NoXH, là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài, như Luật Nhà ở 2014 quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm.

Chúng tôi nhận thấy nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi, người mua NoXH phải vay với lãi suất thương mại bình thường, sẽ là gánh nặng cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động. HoREA đề nghị NHNN xem xét để xây dựng hoàn thiện cơ chế này cho hợp tình hợp lý hơn.

Về lâu dài, để đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi và huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện chính sách về NoXH căn cơ, hiệu quả, hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét xây dựng hoàn thiện chính sách tín dụng về phát triển NoXH theo giải pháp tại Điểm b Khoản 1 Mục III của “Đề án”.

Cụ thể, về tín dụng phát triển NoXH, xác định việc đầu tư phát triển NoXH cho người lao động có thu nhập thấp là hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của địa phương. Sửa đổi, bổ sung quy định về các nguồn vốn cho phát triển nhà ở thông qua quy định về nguồn vốn mới và tối ưu hóa các nguồn vốn hiện hành, nhằm hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước.

Theo đó, bổ sung việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương để phát triển NoXH, giới hạn mục đích sử dụng nguồn vốn NSNN để phát triển hạ tầng cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, bổ sung hình thức huy động vốn từ nước ngoài để phát triển NoXH.

Các tin khác