TDX mới chiếm 4,5% tổng dư nợ
Tại hội thảo, Nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP đã nêu lên vấn đề còn khá trăn trở trong việc phát triển TDX. Cụ thể, theo một số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến 30-6, đã có 50 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ TDX với dư nợ đạt 650.300 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30%).
Điều này cho thấy các NH cũng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, chúng ta chưa có quy định chung về Danh mục phân loại xanh phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế, để các TCTD có cơ sở đánh giá cụ thể đối với từng dự án trong quá trình thẩm định cho vay, tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh.
TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội cũng chia sẻ, TPHCM đã đặt ra vấn đề chuyển đổi kinh tế, trong đó trụ cột là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Chuyển đổi số trụ cột là hạ tầng số, còn trụ cột của chuyển đổi xanh là chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch.
Vận dụng Nghị quyết 98, Hội đồng nhân dân TPHCM từ tháng 9-2023 đã ban hành Nghị quyết 09, hỗ trợ tín dụng cho các DN chuyển đổi công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với tiêu chí cụ thể, hiện đang triển khai bằng ngân sách. Nghị quyết này đã được cụ thể hóa từng tiêu chuẩn, từng DN theo Quyết định 42 ngày 19-7-2024.
Song theo TS. Trần Du Lịch, việc này vẫn chưa đủ. Vị chuyên gia này đối chiếu lại, từ năm 2015, Việt Nam đã bắt đầu quy trình sử dụng TDX, cụ thể NHNN cùng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã ban hành sổ tay hướng dẫn cho 15 ngành về ứng dụng phát triển TDX. Đến nay, tốc độ tăng trưởng TDX tương đối cao, nhưng chiếm tỷ trọng còn khá nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng và phần lớn nằm trong lĩnh vực năng lượng (điện gió, điện mặt trời) và một phần cho nông nghiệp.
Còn các DN nhỏ khác trong từng lĩnh vực, mức độ tiếp cận còn rất khiêm tốn. Vì vậy vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao mở rộng TDX với các DN nhỏ và vừa. Thế nhưng, những hoạt động này đòi hỏi lượng tín dụng rất lớn cho DN và rất cần chính sách hỗ trợ. Bởi hiện nay khung pháp lý đã có một số quy định, nhưng để DN có thể tiếp cận TDX, tiêu chí xác định TDX, thước đo môi trường vẫn là hạn chế vướng mắc lớn hiện nay để tăng tỷ trọng TDX.
Rào cản cung cầu
Từ những chia sẻ tại hội thảo có thể thấy, đang có rất nhiều rào cản ở giữa. Đứng ở góc độ DN, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, cần có chuỗi liên kết chặt chẽ hơn giữa NH và DN để kết nối TDX. Vì hiện nay nhiều ngành nghề trong đó có ngành dệt may, đã chủ động đáp ứng các tiêu chí xanh để xuất khẩu sang các thị trường khó tính, nhưng DN tiếp cận vốn cũng khó.
Ông Giang cho rằng, để hai bên ngồi với nhau được, NH cần hợp tác với tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ cho DN để NH an tâm cho vay. Và các NH phải suy nghĩ, việc cho vay xanh phải là cho vay trung và dài hạn, trong đó phải có gói cho vay để đầu tư hạ tầng xanh, bao gồm cả gói chi phí đánh giá, vì chi phí đánh giá hiện nay rất cao.
Về phía NH, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng DN của HDBank cho biết, NH có vốn từ các định chế tài chính nước ngoài để cho vay xanh. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này, DN phải chủ động chuyển đổi xanh và phải trình bày được mô hình xanh mà mình đang theo đuổi với các NH.
Từ năm 2024, tín dụng cho tất cả khách hàng DN không chỉ đánh giá rủi ro về tài chính, mà còn đánh giá rủi ro về môi trường xã hội. Và NH đã phải “nghiến răng” từ chối một số khách hàng trong các ngành nghề như sản xuất thuốc lá, thủy điện, nhiệt điện…
Trong khi đó, ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Khối khách hàng DN của OCB, mong cơ quan quản lý có chính sách cụ thể, tổng thể hơn để giúp các bên liên quan dễ ứng xử trong các tình huống cụ thể. Chẳng hạn hiện nay định nghĩa tài sản nào là tài sản xanh chưa có, nên khiến NH khó xử trong nhiều tình huống. Ông Khoa cũng cho biết, cái khó của NH khi tham gia vào hành trình xanh là đôi khi phải đánh đổi lợi nhuận ngắn hạn của mình.
Theo góc nhìn của TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh, các chủ thể tham gia vào TDX (gồm NH và DN) còn đối mặt với hai loại rủi ro. Thứ nhất là rủi ro về vật chất. Bằng chứng là sau cơn bão Yagi, hàng loạt nhà xưởng, hàng hóa tồn kho bị ảnh hưởng, ảnh hưởng trực tiếp đến DN và người dân và nếu tài sản đó đang thế chấp sẽ ảnh hưởng đến các NH.
Thứ hai là rủi ro chuyển đổi, khi DN phải tiến hành chuyển đổi xanh để đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu, chi phí phát sinh rất lớn. Qua đó, dòng tiền của DN cũng sẽ bị ảnh hưởng và kéo theo đến chất lượng khoản vay tại NH cũng có thể bị tác động.
Với kinh nghiệm từ cơ quan tài phán tư, Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho biết, nếu không kiểm soát tốt lợi ích và rủi ro của DN và NH, sẽ dễ dẫn đến tranh chấp vì các vấn đề liên quan đến tài chính xanh, chuyển đổi số khá mới, thiếu khuôn khổ pháp lý và có liên quan đến chuẩn mực quốc tế. Do đó, muốn xử lý tốt vấn đề khi xảy ra xung đột cần phải hiểu rõ vấn đề về “xanh” và “số”.
DN nhỏ và vừa cần chủ động
Khó khăn đã rõ và tháo gỡ cần phải có phương pháp. Và theo quan điểm của bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, đôi khi chúng ta nghe than phiền rằng NH dư vốn mà DN lại không tiếp cận được, nhưng nếu có giải pháp công nghệ khả thi kết nối tháo gỡ được vướng mắc, NH sẽ yên tâm hơn vì có thể giám sát tốt hơn để DN nhận được tín dụng.
Ông Tôn Thất Hạc Minh, Tư vấn trưởng CTCP Năng lượng và môi trường thông minh (BYECO2) cho rằng, khả năng tiếp cận tài chính xanh, thị trường carbon cần hiểu như là “quả” chứ không phải “nhân”, tức DN phải chủ động những bước đi đầu tiên, từ đó mới tiếp cận được nguồn vốn.
Tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) hiện là xu hướng không thể chối bỏ, nhưng phần lớn được triển khai tại các DN lớn, được tư vấn bởi định chế tài chính Big 4. Còn các DN nhỏ và vừa đang phải duy trì tài chính cho công ty hàng ngày, khó khăn để tiến đến mục tiêu này.
Tuy nhiên, để ESG không là điều quá phù phiếm, ngoài tầm với, BYECO2 đã thực hiện tư vấn về kiểm toán khí nhà kính, giải pháp năng lượng, ESG mô hình nhỏ… không cần toàn diện như các định chế lớn nhưng cũng theo chuẩn mực. Nói cách khác là “bình dân hóa” việc thực hiện ESG để từng bước giúp các DN nhỏ và vừa tham gia vào các định chế lớn hơn, nhãn hàng lớn hơn.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm tham dự Ủy ban Báo cáo phát triển bền vững, ông Tô Vĩ Hùng, Giám đốc Tài chính Công ty Zarubezhneft Việt Nam chia sẻ rằng, hiện việc lập báo cáo phát triển bền vững không khó và không quá tốn kém. Các báo cáo phát triển bền vững trên thế giới rất đa dạng, đầy đủ và có những chuẩn mực, tiêu chuẩn dành riêng cho các DN nhỏ và vừa, các DN có thể tham khảo và áp dụng.
Các DN đừng đợi việc Báo cáo phát triển bền vững trở thành yêu cầu phải tuân thủ mới làm mà nên đầu tư, nghiên cứu cách làm của thế giới để thực hiện ngay. Vì điều này rất hữu ích cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn và có khách hàng mới.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) cho rằng, nên mở rộng nguồn vốn để DN nhỏ và vừa trong chuyển đổi sang sản xuất xanh cũng như nuôi dưỡng thế hệ DN mới. Dòng vốn này không chỉ đến từ NH mà còn từ quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà tài trợ tổ chức, nhà đầu tư thiên thần và các tổ chức tài chính phát triển (DFI).
Đồng thời, cần thực hiện hợp tác chéo giữa các nguồn vốn công và tư, giúp giảm rủi ro và thu hút đầu tư vào các dự án khí hậu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh hiện nay.
Mặc dù có nhiều rủi ro bên cạnh cơ hội, song ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị, DN cần sớm có tư duy về ESG, không đợi phải giàu mới cố gắng, mà cần tư duy ngay từ đầu về phát triển xanh và NH cũng cố gắng có sản phẩm cho vay trung và dài hạn như đề xuất của DN.
Theo ông Hiếu, hiện có rất nhiều công cụ trung gian để giảm thiểu rủi ro trong vấn đề này. Trong đó, bảo hiểm là công cụ rất tốt. Chẳng hạn bảo hiểm phi nhân thọ hoàn toàn có thể thiết kế bảo hiểm về tài sản, bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm với trách nhiệm với bên thứ ba. Hay áp dụng công nghệ có thể giúp giảm thiểu rủi ro theo các kinh nghiệm quốc tế là những vấn đề chưa cần chính sách cũng có thể tự thân vận động trên hành trình xanh.
Để đẩy tín dụng xanh không chỉ có NHNN
Có nhiều kỳ vọng vào việc tín dụng NH gắn liền với sự phát triển của kinh tế xanh, nhưng vấn đề này không đơn giản, vì quy định của Luật từ NHNN hoàn toàn không đề cập vấn đề rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu. Như vậy, nếu cung cấp TDX và dài hạn thì rủi ro pháp lý lớn.
Nếu sắp tới đây, Quốc hội vẫn không bổ sung vào Luật NHNN mục tiêu về bảo đảm ổn định hệ thống tài chính trước các cú sốc biến đổi khí hậu, NHNN sẽ tiếp tục không có bộ công cụ để đạt được mục tiêu chia sẻ Net Zero. Khi đó, những khoản cho vay xanh sẽ bị tính hệ số rủi ro rất cao, và đòi hỏi các NH phải tăng bộ đệm vốn và nếu cung cấp TDX dài hạn, rủi ro pháp lý lớn.
Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của Chính phủ, quy định về thuế, hạn chế cho vay “nâu”. Còn sàn TDX như thế nào phải được đặt ra cụ thể, và không chỉ xem nhiệm vụ đó là của NHNN mà là của tất cả các bộ ngành, mới đẩy được TDX như mong muốn.
GS.TS TRẦN NGỌC THƠ,
Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia