Tăng trưởng kinh tế 5% năm 2012 là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2000. Nếu năm 2013 không xử lý được nợ xấu, tái cơ cấu khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nước ta có thể rơi vào chu kỳ tăng trưởng thấp kéo dài. Vì thế, mục tiêu năm 2013 là đột phá tái cơ cấu, phục hồi đà tăng trưởng, lấy lại lòng tin tiến về phía trước.
Cơ hội và thách thức
Trước khi nhận diện về kinh tế Việt Nam năm 2013, chúng ta nên nhìn qua bức tranh kinh tế thế giới được xem là yếu tố khách quan, tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước nhà. Cụ thể, kinh tế Hoa Kỳ hiện đã phục hồi rõ ràng hơn sau khi vượt qua “vách đá tài khóa”.
Kinh tế châu Âu về cơ bản giải pháp xử lý nợ công khu vực đồng euro đã được công bố, nhưng việc thực hiện trong năm 2013 vẫn còn hạn chế, bởi Liên minh Ngân hàng phải đến năm 2014 mới thực hiện được.
Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2013 không nhiều khác biệt so với năm 2012. Có những dấu hiệu cải thiện giúp tăng trưởng kinh tế năm 2013 tăng cao hơn 2012, dù mức tăng chỉ khoảng 5,2-5,3%. Lạm phát trong năm 2013 phụ thuộc nhiều vào giá lương thực thực phẩm, lạm phát cơ bản và độ trễ của chính sách tiền tệ năm 2012. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng nền kinh tế không hấp thu được vốn, lạm phát cao có thể trở lại trong năm 2013, khiến mục tiêu lạm phát 6% của Chính phủ đặt ra vào cuối năm 2012 khó thực hiện. |
Tuy nhiên, việc bảo hiểm tiền gửi ngân hàng châu Âu có thể thực hiện ngay trong năm 2013, cho thấy xử lý nợ công châu Âu đã có lối ra rõ ràng và đạt được sự đồng thuận tương đối tốt.
Nhìn chung kinh tế toàn cầu năm 2013 sẽ phát triển theo triển vọng tích cực và sẽ tác động có lợi cả về xuất khẩu cũng như thu hút vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp ở Việt Nam.
Có thể thấy, năm 2012 lạm phát thấp có một phần quan trọng do giá lương thực, thực phẩm giảm (thực phẩm giảm suốt từ tháng 3 đến tháng 10 và lương thực giảm từ tháng 1 đến tháng 9).
Cán cân thương mại trong năm 2013 có thể thâm hụt nhẹ do có sự phục hồi nhất định trong sản xuất nội địa những tháng cuối năm. Tỷ giá hối đoái được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ và phụ thuộc vào sự chủ động của NHNN.
Điều này cũng phụ thuộc tác động của chính sách vào khối doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn. Chính sách tiền tệ có thể tiếp tục được mở rộng một cách thận trọng để tăng trưởng kinh tế, đồng thời phòng ngừa lạm phát cao có thể quay trở lại.
Tuy nhiên, vấn đề chính nằm ở khả năng giải quyết nợ xấu và phục hồi thị trường bất động sản sẽ được khởi động vào năm 2013.
Gấp rút xử lý tồn tại
Về ngân sách, nước ta sẽ chịu áp lực thâm hụt trong năm 2013 do thu nội địa có thể giảm và các khoản thu khác chưa thể tăng nhanh chóng, nên Chính phủ vẫn phải trông cậy vào việc phát hành trái phiếu để tài trợ cho bội chi ngân sách.
Cải cách DNNN được triển khai nhưng việc cải cách này chưa tốt, chưa được kiểm tra giám sát cụ thể, chưa có thông tư hướng dẫn các bộ, ngành liên quan thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ về phân công, phân trách về quyền và nghĩa vụ của Chính phủ, trách nhiệm đối với DNNN.
Đồng thời cũng chưa hoàn thành việc thành lập công ty quản lý tài sản, nợ xấu tại DNNN, khiến việc cải cách khó thực hiện gấp rút trong năm 2013.
Không hấp thụ được vốn trong năm 2012 sẽ dễ gây lạm phát trong năm 2013. |
Việc xử lý nợ xấu đã được khởi động với 2 biện pháp NHTM tự xử lý và thành lập công ty mua bán nợ xấu tập trung. Tuy nhiên, phương thức thực hiện cần phải có một nghị định chuyên biệt cho việc xử lý nợ xấu. Việc ra đời nghị định như vậy cần có thời gian, nên việc xử lý nợ xấu chỉ có thể bắt đầu vào quý II-2013.
Trong trường hợp xử lý nợ xấu tạo được bước đột phá, thị trường có thể được hâm nóng trở lại vào nửa cuối năm. Ngược lại, nếu xử lý nợ xấu không tạo được sự đột phá, tình hình kinh tế phát triển chậm có thể kéo dài vài năm nữa.
Về thị trường bất động sản, để khôi phục thị trường thời điểm này phải tăng cầu mua nhà của dân cư, đồng thời phải giải quyết nhiều việc.
Thứ nhất, giảm lãi suất cho vay và kéo dài thời hạn cho vay mua nhà.
Thứ hai, giảm các thủ tục có liên quan đến việc cấp sổ đỏ.
Thứ ba, tái cơ cấu thị trường căn hộ, các phân khúc thị trường bất động sản để tăng sức mua.
Thứ tư, giảm thuế, đặc biệt là thuế quyền sử dụng đất, để giảm chi phí, tạo ra thị trường nhà ở giá hợp lý. Nếu thực hiện được các việc này trong năm 2013, thị trường bất động sản sẽ ấm lại vào nửa cuối năm 2013 và kèm theo đó hâm nóng trở lại thị trường tín dụng.
Còn nếu không làm được, thị trường bất động sản sẽ còn đóng băng kéo dài. Thậm chí nếu xử lý nợ xấu không cẩn trọng sẽ dẫn đến chuyện bán tống bán tháo tài sản thế chấp để thu hồi nợ, có thể dẫn đến sự sụp đổ thị trường bất động sản như đã từng xảy ra ở Nhật Bản và một số nước khác.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Hiện nay, các doanh nghiệp đang hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu là lực lượng nòng cốt duy trì tăng trưởng và việc làm, cần được tháo gỡ khó khăn để củng cố và phát triển.
Việc giảm lãi suất và tiếp tục cung ứng tín dụng ổn định (kể cả tín dụng trung, dài hạn) có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng xuất khẩu, đẩy mạnh bán hàng, giảm tồn kho, tạo thêm việc làm và khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh dài hạn.
Việc giảm lãi suất cần phù hợp với giảm lạm phát để khuyến khích doanh nghiệp tích tụ, tăng cường vốn tự có, giảm đòn bẩy tài chính phòng ngừa rủi ro về vốn. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, có nợ xấu, không tiếp cận được vốn ngân hàng, cần có giải pháp giúp họ tái cơ cấu nợ để tiếp tục được cấp vốn nếu có dự án kinh doanh hiệu quả.
Đặc biệt các hợp đồng tiêu thụ hoặc đơn hàng xuất khẩu tốt có thể cho khoanh nợ cũ, cho vay mới trên cơ sở đảm bảo được nghĩa vụ thanh toán các khoản vay mới và từng bước xử lý các khoản vay cũ đã quá hạn.
Ngoài ra, Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động các quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với những dự án kinh doanh có hiệu quả, được các NHTM thẩm định và chấp nhận cho vay nếu có bảo lãnh.