Hiện nay đang tồn tại không ít công ty niêm yết có yếu tố “tập đoàn”, “tổng công ty”, “holdings” nhưng lại hoạt động “èo uột”. Một phần nào đó, những kiểu xưng danh “quá tầm” này đã làm méo mó hàng hóa trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Thời kỳ 2006-2007, HAP (lúc đó có tên là CTCP Hapaco) là một trong những cổ phiếu (CP) sinh lãi tốt nhất trên thị trường. Khi đó, HAP cũng là một trong số ít doanh nghiệp năng nổ trong việc công bố thông tin.
Có giai đoạn kết quả kinh doanh của công ty còn được công bố theo từng tháng, đây là việc ngay đến giờ vẫn rất hiếm hoi. Năm 2009, CTCP Hapaco với 14 công ty thành viên và 3 công ty liên kết đã đổi tên thành CTCP Tập đoàn Hapaco và hoạt động theo mô hình tập đoàn đa ngành, bao gồm: sản xuất giấy và bột giấy, dệt may, thương mại, tài chính, bệnh viện... Nhưng từ đó đến nay, HAP gần như bị rơi vào quên lãng.
Nhiều DN niêm yết gắn "đuôi" tập đoàn cũng tạo tâm lý cho NĐT |
Năm 2010, giá CP HAP giảm hơn 25%, từ đầu năm 2011 đến nay HAP giảm hơn 70%. Cuối tuần rồi, HAP đã giảm giá xuống chỉ còn 3.800 đồng/CP.
9 tháng năm nay, HAP lãi chưa đầy 3 tỷ đồng, thu nhập cho mỗi CP (EPS) đạt vỏn vẹn 112 đồng. Chưa đầy 2 tuần trước, HAP đã công bố chuyển nhượng 65% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư tài chính Hapaco để giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 35%. Đây là một cái giá khá đắt HAP phải trả cho tham vọng đa ngành của mình.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng có định hướng trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành bao gồm vật liệu xây dựng, bất động sản (BĐS), cảng và logistics. Nhưng thời gian qua, HSG gặp không ít thách thức trong hoạt động, từ chuyện vay nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng cho đến những sự thay đổi liên tục trong ban giám đốc.
Cuối tháng 8, HSG công bố sẽ chuyển nhượng 4 dự án bao gồm 2 dự án căn hộ, 1 dự án văn phòng và 1 dự án cảng. HSG dẫn đầu về thị phần tôn mạ nhưng liệu thế mạnh này có thể giúp HSG vượt qua những khó khăn hiện tại hay không chưa ai dám chắc.
Tại HNX hiện nay, có một công ty có cái tên nghe rất “kêu”, đó là CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC). “Holdings” gợi cho nhiều người suy nghĩ về một “ông lớn”, với vốn lớn sở hữu hàng loạt cổ phần của các công ty con, công ty liên kết bên dưới. Nhưng PHC có vốn điều lệ (VĐL) xấp xỉ 110 tỷ đồng, vài công ty con và công ty liên kết.
Hay như CTCP Tập đoàn Đại Châu (DCS) niêm yết trên sàn chứng khoán từ cuối năm 2007, được khá nhiều nhà đầu tư biết đến do một số giai đoạn CP này tăng giá rất mạnh và “nóng”. Chẳng hạn nửa cuối năm 2009, đầu năm 2010, CP này đã tăng giá khoảng 300%.
Tuy nhiên, không mấy ai nắm rõ DCS với VĐL 335 tỷ đồng kinh doanh ngành nghề gì. Trong bản cáo bạch của DCS nêu “Phạm vi lĩnh vực hoạt động của công ty bao gồm: buôn bán tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng”. Đây là những từ ngữ xuất hiện trong các giáo trình kinh tế chính trị hay triết học chứ không phải trên thương trường.
Vinacontrol (VNC) là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực giám định tiền thân là Cục kiểm nghiệm hàng hóa xuất nhập khẩu, kiêm Sở Giám định hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện VNC cung cấp dịch vụ cho các tổng công ty nhà nước, các công ty liên doanh.
VNC niêm yết tại HNX cuối năm 2006, cũng là thời đỉnh cao của TTCK Việt Nam. Không ít người đã đặt niềm tin vào CP này do đây là một thương hiệu quá lớn, nhưng sau đó lại cảm thấy thất vọng.
Đầu tháng 6, CTCP Giám định Vinacontrol đã đổi tên thành CTCP Tập đoàn Vinacontrol với VĐL chưa đầy 80 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh cũng chỉ ở mức bình bình, nhiều nhà đầu tư đang thắc mắc không biết VNC sau khi đổi tên có thể lột xác được gì hay không?
CTCP Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) là một trong những DN có cái tên “khó đọc” nhất trên TTCK Việt Nam. Nhiều người đã nói vui rằng, cái tên của PVA cũng “trắc trở” giống như diễn biến của CP này trên thị trường.
Từ chỗ là mỏ vàng sinh lời cho nhiều người, PVA cũng khiến không ít nhà đầu tư lẫn công ty chứng khoán “đau thương” vì áp lực giải chấp. Hồi tháng 8 năm nay, câu chuyện tăng vốn với tỷ lệ “khủng” 1:4,45 (1 CP “bị” mua thêm 4,45 CP mới) đã khiến thị trường sôi sục. 9 tháng năm nay, ông “tổng” PVA chỉ đạt vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận.
Đầu tháng 10-2011, HNX tiếp nhận một “tập đoàn” niêm yết CP là CTCP Tập đoàn FLC. FLC mới được thành lập năm 2008, tiền thân là Công ty TNHH Trường Phú Fortune, VĐL 18 tỷ đồng, hoạt động ban đầu là sàn giao dịch BĐS. Hiện nay VĐL đã tăng lên 170 tỷ đồng.
FLC hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ quản lý BĐS, quảng cáo BĐS, tư vấn BĐS… Bản cáo bạch niêm yết của FLC cho biết công ty có 4 công ty con và 1 công ty liên kết là Công ty chứng khoán FLC.
Một doanh nghiệp với tuổi đời ngắn ngủi (hơn 3 năm) cùng những công ty con hoạt động trong các lĩnh vực đang gặp "hạn" hiện nay và cũng chẳng có thương hiệu gì lại đi xưng danh tập đoàn liệu có “nổ” quá chăng?