Năm 2014, hầu hết gương mặt đăng quang Hoa hậu ở những cuộc thi nhan sắc đều khiến công chúng không hài lòng về… nhan sắc. Sau giai đoạn lạm phát các cuộc thi người đẹp lớn nhỏ từ Trung ương đến địa phương, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã phải có quy chế siết lại nhằm tránh tình trạng loạn Hoa hậu. Thế nhưng, chất lượng Hoa hậu vẫn chưa có dấu hiệu được nâng lên.
Dù đã kiềm chế nhưng các cuộc thi nhan sắc vẫn chen vai nhau chiêu mộ các thiếu nữ lãng mạn. Không khó nhận ra nhiều cô gái quanh năm đi thi Hoa hậu, trượt cuộc thi này nhảy qua cuộc thi khác. Nguồn lực mỹ nhân luôn có hạn, mà số lượng mỹ nhân hứng thú với danh hiệu càng có hạn. Hoa hậu ở đâu ra mà nay đòi trao danh hiệu này mốt đòi trao danh hiệu nọ. Quá nhiều cuộc thi khiến ứng viên Hoa hậu không còn giống như dòng sông bất tận, mà giống như dăm hồ nước nhỏ. Các cuộc thi giành giật múc nước trong lẫn nước đục và lắm lúc phải múc cả sự tù đọng của nhau.
Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên cho rằng: “Chỉ một thời gian ngắn sau khi đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2014, quả thực tôi nhận được quá nhiều lời nhận xét mà phần lớn chưa hay. Ban đầu, tôi buồn lắm. Nhưng về sau, tôi nghĩ lại, những người chê tôi không xứng đáng với danh hiệu Hoa hậu Việt Nam có thể vì họ chưa có cơ hội tiếp xúc với tôi, chưa gặp tôi ngoài đời mà chỉ nhìn thấy qua tivi trong chốc lát. Do vậy, họ chưa thể có sự đánh giá toàn diện về con người, tính cách của tôi.
Tôi tin, nhan sắc là thứ có thể được cải thiện, hoàn chỉnh dần qua thời gian, nhất là khi tôi biết chọn cho mình phong cách trang điểm nhẹ nhàng, thanh lịch hơn. Còn điều tôi tự tin vào bản thân mình nhất vẫn là tri thức và tâm hồn”. Sự tự tin của một cô gái 18 tuổi trước nấc thang danh vọng đầu đời như vậy kể ra cũng khá bản lĩnh. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để dự đoán khả năng tỏa sáng ngày mai của tân Hoa hậu.
Trong các sân chơi nhan sắc lớn nhỏ mang tính toàn quốc, Hoa hậu Việt Nam có uy tín hàng đầu. Tuy nhiên, trình độ học vấn của những mỹ nhân vẫn là điều khiến nhiều người ái ngại. Ở tuổi thiếu nữ, lại xinh đẹp, hầu hết ứng viên Hoa hậu đều bị cuốn vào thú vui danh vọng mà xao nhãng sách vở trường lớp. Đã có không ít cô gái rất đẹp, nhưng không thể đội vương miện vì kết quả học hành rất be bét. Thậm chí, sau khi đăng quang, Hoa hậu Việt Nam 2008 Thùy Dung và Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo cũng gây ầm ĩ dư luận vì tồn tại nhiều khuất tất về bằng cấp.
Nhìn lại cả hành trình dài của Hoa hậu Việt Nam, mới tìm ra được vài người học hành đến nơi đến chốn như Nguyễn Diệu Hoa (năm 1990), Nguyễn Thu Thủy (1994) Nguyễn Thiên Nga (1996), Nguyễn Ngọc Khánh (1998) và Nguyễn Thị Huyền (2004). Còn lại, phần lớn đều bỏ ngang chuyện học hành để dấn thân vào giới showbiz hoặc… làm vợ đại gia.
Dư luận băn khoăn: Nguyễn Cao Kỳ Duyên có xứng đáng là Hoa hậu? Về mặt học vấn, trao vương miện cho Nguyễn Cao Kỳ Duyên cũng khiến ban tổ chức và ban giám khảo tạm thời yên tâm, vì cô gái này từng là học sinh của trường chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. Còn về mặt dung mạo, không có gì phải lo lắng cho Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Bây giờ công nghệ làm đẹp đã tưng bừng khắp nơi. Các loại dịch vụ từ tắm trắng, sửa mũi, gọt cằm, nâng ngực… đều có khả năng biến một con vịt xấu xí thành một con thiên nga xinh tươi. Thành thật mà chia sẻ, với vóc dáng khá chuẩn thì với sự phụ trợ của ngành thẩm mỹ, Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên sẽ đẹp lên mỗi ngày thôi. Cứ thử nhìn lại nhan sắc của các Hoa hậu như Mai Phương Thúy, Thùy Dung, Ngọc Hân lúc đăng quang và hiện nay, sẽ biết được giá trị “dao kéo” siêu đẳng đến mức nào.
Không phải cô gái đẹp nào cũng may mắn sinh ra trong một gia đình đầy đủ vật chất. Dù chống chế thế nào cũng không phủ nhận được sự thật, rằng: muốn thi Hoa hậu phài có tiền. Tiền son phấn, tiền tàu xe, tiền quần áo… Vậy những cô gái nghèo ứng thí nhan sắc ra sao? Có người đầu tư! Những lò luyện thi Hoa hậu đã hình thành tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ… luôn rộng cửa chào đón những có gái chân dài ước mơ làm Hoa hậu. Học đi đứng, học ứng xử, học tạo dáng trước ống kính… Không đầu tư vài trăm triệu đồng khó lòng mà thành Hoa hậu. Hơn nữa, những thân nhân không có chút hiểu biết nào về lĩnh vực này, sẽ rất lúng túng khi muốn đồng hành cùng thí sinh Hoa hậu.
Hiện tại, giới đầu tư nhiều nhất cho các thí sinh Hoa hậu là nhà tạo mẫu hoặc chuyên viên trang điểm. Họ bỏ tiền lo mọi thứ cho mỹ nhân đi thi và sau đó khấu trừ chi phí vào số tiền thưởng người đẹp có được từ danh hiệu. Thậm chí, có cả hợp đồng tài chính khá cụ thể giữa nhà đầu tư và ứng viên Hoa hậu. Có nhiều trường hợp, sau khi đăng quang, nhà đầu tư kiêm luôn nhà quản lý cho Hoa hậu để ký kết các show quảng cáo hoặc biểu diễn. Vì vậy, đường đến vương miện không gần như nhiều người nhầm tưởng. Con đường trở thành Hoa hậu không phải rải toàn hoa, mà lắm khi cũng đầy mồ hôi, nước mắt và bao nhiêu hệ lụy khác. Chưa kể, những hoa hậu xuất thân nghèo khổ rất dễ rơi vào cạm bẫy của các quý ông sành điệu với nhiều biến tướng “lời đề nghị khiếm nhã” xuôi ngược khôn lường.
Có nhiều Hoa hậu rất rạng rỡ trong đêm chung kết, nhưng sau đó lại mờ mịt trong ký ức xã hội. Vì sao? Vì những Hoa hậu ấy chỉ lo vun vén lợi ích cho cá nhân mình, không hề có chút ý thức nào để góp phần thúc đẩy cộng đồng phát triển. Làm sao để Hoa hậu xứng đáng là Hoa hậu? Đó là nỗi băn khoăn không của riêng ai. Ban tổ chức giúp Hoa hậu tỏa sáng trong đêm đăng quang, không khó khăn lắm. Thế nhưng, để Hoa hậu tỏa sáng giữa đời thường, lại là thách thức không đơn giản. Cứ để khoảng thời gian 2 năm đương kim Hoa hậu chỉ thướt tha váy mỏng đi dạ tiệc hay chỉ hồ hởi nhón gót đi đóng phim, quả thật lãng phí. Đã đến lúc phải suy nghĩ nghiêm túc về một chương trình của Hoa hậu Việt Nam sau khi đội vương miện. Tại sao không dùng danh hiệu Hoa hậu để xây dựng quỹ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học hoặc quảng bá cho chiến dịch chống bạo hành phụ nữ, bảo vệ môi trường? Nhiều, rất nhiều hoạt động bổ ích cho đất nước đang cần Hoa hậu tham gia.