Theo kết quả một cuộc điều tra do các nhóm phóng viên của nhiều hãng thông tấn, cơ quan báo chí hàng đầu thế giới như Reuters, The New York Times và cả các cơ quan báo chí Pháp như Mediapart và Le Canard Enchaîné, thảm họa đã làm khoảng 460 tấn chì bị đốt thành bụi trong một khu vực đông đúc dân cư, với rất nhiều vườn trẻ, trường học, công viên và các địa điểm công cộng khác.
Đến nay 5 tháng sau vụ cháy, các nhà chức trách Pháp dù đã đưa ra nhiều tuyên bố trấn an dư luận, nhưng vẫn từ chối tiết lộ đầy đủ kết quả xét nghiệm ô nhiễm chì, khiến công chúng không khỏi đặt những câu hỏi lớn, đặc biệt là về sức khỏe của hơn 2.000 trẻ em trong bán kính 8km kể từ nhà thờ Đức Bà.
Trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú (vì lượng chì mà họ hấp thụ sẽ được truyền sang em bé) là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với chì. Loại hóa chất này làm suy giảm khả năng nhận thức, trí thông minh của trẻ em và khiến các em có xu hướng bạo lực.
Vụ cháy nhà thờ Đức Bà khiến nhiều nơi xung quanh nhiễm bụi chì nặng.
Nhiễm độc chì là vấn đề rất nghiêm trọng, cần xử lý trong vòng 48 giờ sau vụ cháy. Thế nhưng trên thực tế, chính quyền Paris đã không tẩy độc toàn bộ khu vực ngay sau hỏa hoạn, không áp dụng những biện pháp kiểm tra, bảo vệ những người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm. Phải đến 1 tháng sau các cuộc kiểm tra phơi nhiễm chì mới được tiến hành tại trường học gần nhà thờ Đức Bà. Thậm chí đến bây giờ, không phải tất cả mọi trường học ở khu vực xung quanh đó đều được kiểm tra.
Trong khi đó, các thử nghiệm tại 18 trung tâm chăm sóc trẻ em, trường mầm non và trường tiểu học gần đó cho thấy mức độ bụi chì đều cao hơn tiêu chuẩn quy định. Tại các địa điểm công cộng khác, như quảng trường và đường phố, nồng độ chì vẫn gấp 60 lần so với tiêu chuẩn an toàn.
Bộ Văn hóa, cơ quan lãnh trách nhiệm làm sạch khu vực và xây dựng lại nhà thờ Đức Bà, cũng đã hoặc vô tình hay cố ý không thực thi quy trình bảo đảm an toàn ngay sau vụ cháy, khiến các công nhân làm việc trong khu vực phải tiếp xúc với môi trường có nồng độ chì cao hơn hàng ngàn lần so với tiêu chuẩn được chấp nhận. Trên mái nhà thờ, nơi một số công nhân đã làm việc mà không đeo mặt nạ hoặc găng tay trong nhiều tháng qua, một số kết quả kiểm tra chì cao hơn tới 2.300 lần so với ngưỡng an toàn.
Sau những nỗ lực của công chúng đấu tranh đòi minh bạch thông tin sau vụ hỏa hoạn, một số quan chức Pháp thừa nhận hàm lượng chì cao, nhưng lập luận rằng trong một thành phố lâu đời như Paris, không phải cứ hàm lượng chì cao đều do vụ cháy nhà thờ Đức Bà. Hơn nữa, chưa có nghiên cứu khoa học chắc chắn hàm lượng chì cao trong môi trường sẽ dẫn đến nồng độ chì cao trong máu.
Đầu tháng 5 vừa qua, các trường công lập trong khu vực xảy ra hỏa hoạn đã mở cửa trở lại. Giới chức Paris khẳng định, công tác tẩy độc đã hoàn tất, không có trường nào có môi trường bị ô nhiễm chì đến mức đáng báo động. Tuy nhiên, một số trường tư vẫn chưa mở cửa và khá nhiều phụ huynh khi được hỏi đều cho biết, họ không tin rằng các trường học đã “sạch” chì, một phần là do sự thiếu minh bạch từ chính quyền.
Có những bằng chứng cho thấy chính quyền đã sớm biết về mối đe dọa ô nhiễm chì sau những ngày xảy ra hỏa hoạn, nhưng im lặng. Sở Cảnh sát Paris nằm ngay đối diện nhà thờ Đức Bà, theo tài liệu nội bộ, tại một số khu vực trong nhà trẻ nằm tại khuôn viên của sở, mức độ chì cao gấp 2,5 lần tiêu chuẩn. Các trẻ em của nhà trẻ được chuyển đến trung tâm chăm sóc khác cách xa nhà thờ Đức Bà. Nhưng hóa ra tòa nhà thứ hai cũng bị ô nhiễm. Kết quả xét nghiệm mới còn đáng báo động hơn (do cửa sổ tòa nhà này để mở trong thời gian xảy ra vụ cháy) sau đó rò rỉ ra ngoài, nhưng cơ quan cảnh sát đã nhiều lần từ chối bình luận.
Các xét nghiệm ở 6 địa điểm khác cho thấy mức độ nhiễm chì cao hơn tới 17 lần so với ngưỡng quy định. Thậm chí vào cuối tháng 8 vừa qua, tại Combattants de la Nueve, một quảng trường nhỏ mà trẻ em từ một trường mẫu giáo cách nhà thờ Đức Bà vài trăm mét vẫn thường đến vui chơi, kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì vẫn vượt ngưỡng khuyến cáo nhiều lần.
Chuyên gia Perry Gottesfeld, Giám đốc điều hành của Tổ chức Tri thức Nghề nghiệp Quốc tế, một chuyên gia về thử nghiệm chì và sức khỏe, cho biết vấn đề là ở chỗ ngưỡng quy định về hàm lượng chì trong không gian ngoài trời ở Pháp chưa rõ ràng, và chỉ là hướng dẫn chứ không phải ràng buộc pháp lý. Trong khi đó, các hoạt động làm vệ sinh khu vực bị cháy và tái thiết được khẩn trương triển khai.
Tuy nhiên, các công nhân và nhân viên phục chế hoạt động bên trong nhà thờ đang phải đối diện với nguy cơ: phơi nhiễm chì cho chính họ và những người thân trong gia đình vì mặc những bộ quần áo bảo hộ nhiễm chì về nhà. Không phải vô cớ Hội đồng thành phố Paris giận dữ cáo buộc chính phủ đặt mục tiêu xây dựng lại di tích lên trên yêu cầu bảo vệ sức khỏe công dân.
Công việc phục chế nhà thờ đã được nối lại vào ngày 19-8 với một loạt biện pháp an toàn mới, bao gồm rửa chân, tắm khử trùng và sử dụng đồ lót dùng một lần. Một công ty chịu trách nhiệm khử trùng quần áo làm việc. Các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt được áp dụng khi vào ra khu vực. Kiến trúc sư trưởng phụ trách tái thiết, Philippe Villeneuve, cho biết chì là một trong những thách thức phức tạp nhất đối với sự nghiệp tái thiết. Và chắc chắn các biện pháp phòng ngừa mới sẽ làm chậm tiến độ công trình.
Ông Sean Palfrey, Giáo sư nhi khoa và y tế công cộng tại Đại học Boston và Giám đốc trung tâm Phòng chống ngộ độc chì Boston, khuyến nghị mọi người nên thường xuyên rửa tay cẩn thận cho trẻ em. Đồng thời, các bậc cha mẹ cần đảm bảo cho con một chế độ ăn uống nhiều chất sắt và canxi. Cư dân trong khu vực nên lau nhà bằng giẻ lau ướt và sử dụng máy hút bụi có bộ lọc đặc biệt. Giày dép nên để ngoài cửa, nhà thật sạch bụi và mọi người đều rửa sạch tay trước khi ăn.
Một thông tin tốt đối với những du khách yêu thích Paris, nơi đây vẫn có thể yên tâm thăm thú, các không gian trong nhà như quán cà phê, nhà hàng… trong khu vực lân cận đã được kiểm tra và kết quả kiểm tra đạt mức an toàn. Toàn bộ con đường tiếp giáp với nhà thờ Đức Bà đã được khử độc. Nhưng nếu có con nhỏ, nhất là các bé dưới 6 tuổi, bạn vẫn nên cẩn thận, đừng để trẻ nghịch đất và đưa vào miệng.
Cuối tháng 7, một nhóm môi trường Pháp đã đệ đơn kiện Chính phủ về phản ứng chậm trễ. Cho đến tận bây giờ, các nỗ lực tẩy ô nhiễm chì trong khu vực vẫn tiếp tục. |