Nhiều doanh nghiệp (DN) vô tư tuyển người nước ngoài đến Việt Nam du lịch vào làm việc. Có DN lại bị lao động nước ngoài kiện ra tòa đòi trợ cấp thôi việc lên đến hàng trăm triệu đồng… Đó chỉ là 2 trong nhiều trường hợp mà trong buổi đối thoại mới đây về sử dụng lao động nước ngoài, cơ quan chức năng đã lưu ý các DN cần hết sức cẩn trọng.
Không được tuyển dụng người có visa du lịch
Cũng như nhiều đơn vị có sử dụng lao động nước ngoài, đại diện của Anh văn Hội Việt Mỹ băn khoăn: “Có thể đợi cho visa du lịch của người nước ngoài hết hạn rồi đổi sang visa làm việc được không?”.
Đại tá Nguyễn Văn Anh, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an TPHCM cho biết, từ ngày 1-1-2015, người nước ngoài vào Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng để du lịch, thì chỉ được du lịch. Trong thời gian du lịch, nếu có cơ quan, tổ chức, cá nhân mời làm việc cũng không được làm việc, kể cả đã có giấy phép lao động.
Bởi, người nước ngoài không được chuyển đổi mục đích nhập cảnh ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Khi hết hạn thị thực du lịch, người nước ngoài phải xuất cảnh rồi muốn làm việc thì nhập cảnh trở lại Việt Nam bằng visa làm việc, lúc đó mới được chấp nhận.
Đại tá Nguyễn Văn Anh cho biết, nhiều DN khi tuyển lao động nước ngoài vẫn vô tư tuyển người có visa du lịch, visa thăm thân nhân, khiến DN tự rơi vào trường hợp “khó”: không thể làm các thủ tục tiếp theo như xin giấy phép lao động, xin thị thực lao động cho người nước ngoài.
Bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Trưởng phòng Việc làm, Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết khá nhiều DN đến làm thủ tục về cấp giấy phép lao động nhưng thực tế đã tiếp nhận người nước ngoài vào làm việc rồi. Theo quy định, chỉ cần sử dụng 1 lao động người nước ngoài không phép thì sẽ bị phạt 30 triệu đồng.
Đặc biệt, hình thức phạt bổ sung rất nặng mà hầu như các DN không để ý là sẽ đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm; trong thời gian đình chỉ, vẫn phải trả tiền lương cho người lao động.
“Sở LĐTB-XH đang hỗ trợ các DN làm đúng quy định, chứ chỉ cần thanh tra đâu là… dính đó. Các DN cần hạn chế, vì không có khái niệm thử việc đối với người nước ngoài để có thể… lách được”, bà Ngọc lưu ý.
9 tháng đầu năm 2015, Sở LĐTB-XH TPHCM chấp thuận hơn 8.100 lượt vị trí công việc được sử dụng lao động nước ngoài của hơn 5.000 DN, với số lượng người nước ngoài đề nghị sử dụng là 11.369 người; thẩm định và cấp giấy phép lao động cho hơn 7.100 lao động nước ngoài (hơn 4.000 cấp mới và hơn 3.000 cấp lại).
Có được làm việc vĩnh viễn tại Việt Nam?
“Từ 2015, việc cấp thị thực cho người nước ngoài được đổi mới căn bản với nhiều ưu đãi: nới rộng về thời gian và điều kiện cấp rõ ràng, minh bạch hơn. Trong đó, thị thực dài nhất là thị thực đầu tư, có thời hạn đến 5 năm (trước đây, thị thực dài nhất là 12 tháng), tương thích với Luật Đầu tư. Người vào tìm hiểu cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại được cấp thị thực 1 năm. Chúng ta cũng đơn phương miễn thị thực cho công dân nhiều nước. Hiện TPHCM có 110.000 người nước ngoài tạm trú. Nhiều quy định “mở” hơn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và lao động nước ngoài”, đại tá Nguyễn Văn Anh nhận xét. |
Công ty V.S.G. có chuyên gia mới nghỉ việc, sang DN khác làm. Đại diện công ty lo ngại, người này chỉ trả lại giấy phép lao động còn thẻ tạm trú thì không trả, vậy có được không? Đại tá Nguyễn Văn Anh khẳng định: “Không được”.
Theo đại tá Nguyễn Văn Anh, khi tuyển dụng, DN phải làm thủ tục bảo lãnh và phải quản lý người nước ngoài hoạt động đúng mục đích nhập cảnh. Khi “cơm không lành, canh không ngọt”, lúc thanh lý hợp đồng thì DN phải thu hồi thẻ tạm trú của người nước ngoài, trả lại cho công an.
Đồng thời làm văn bản từ chối việc bảo lãnh gửi tới PA72 ngay lập tức, tránh rơi vào tình trạng phải chịu trách nhiệm liên quan nếu người nước ngoài vi phạm pháp luật. Trong trường hợp không thu hồi được thẻ tạm trú thì cần có văn bản thông báo tới PA72 để cơ quan này thu hồi hoặc hủy thẻ trên hệ thống.
Một vấn đề mấu chốt khác, theo bà Trương Lê Mỹ Ngọc, nhiều DN thỏa thuận với người lao động mức lương rất cao mà không tách bạch rõ ràng nên giờ đây xảy ra tình trạng người nước ngoài kiện ra tòa án đòi DN trả trợ cấp thôi việc. Rất nhiều DN Việt Nam đang ôm “kiện”, có nguy cơ phải trả trợ cấp thôi việc lên đến mấy trăm triệu đồng.
Trong khi đó, Công ty Gameloft lại băn khoăn, có được ký hợp đồng không xác định thời hạn với người nước ngoài không? Bà Trương Lê Mỹ Ngọc cho biết, cơ sở pháp luật về vấn đề này chưa rõ, chưa tách bạch nhưng DN cần có sự phân tích và có phương án. DN cần thỏa thuận thời gian hợp đồng với người nước ngoài theo thời hạn của giấy phép lao động đã được cấp.
Theo bà Ngọc, với lao động là người nước ngoài, không có phạm trù làm việc vĩnh viễn - làm việc không xác định thời hạn ở Việt Nam được! Vì một trong những mục đích khi tuyển dụng người nước ngoài vào làm việc là thu hút lao động chất lượng cao vào chuyển giao công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực cho lao động trong nước. Trong khi sử dụng người nước ngoài, DN phải có trách nhiệm đào tạo người Việt Nam để thay thế.