Nhiều giải pháp tạo đà cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm

(ĐTTCO)-Để hỗ trợ xuất khẩu, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo các đơn hàng mới, giúp tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cũng như giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng
Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng nội địa khu vực phí Bắc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng nội địa khu vực phí Bắc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đã có tín hiệu hồi phục khi tháng sau cao hơn tháng trước, song để đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, cần đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Xuất khẩu hồi phục gần 88%

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 6, xuất khẩu của cả nước thu về 29,3 tỷ USD (cao hơn so với con số 29,05 tỷ USD của tháng 5), đưa kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 164,45 tỷ USD.

Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp, xuất khẩu đi lên. Trước đó, xuất khẩu tháng 5/2023 tăng 4,3% so với tháng 4.

Đặt trong bối cảnh khó khăn của thị trường mới thấy hết sự nỗ lực và cố gắng của các doanh nghiệp, bởi thực tế cho thấy, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước, đơn cử như: xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%...

Việc giảm ở các thị trường trên đã kéo theo xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực bị ảnh hưởng, trong đó hàng dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%...

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phân tích, nếu các cuộc khủng hoảng trước đây có thể là khủng hoảng nợ hoặc khủng hoảng lạm phát, suy thoái, thì năm 2023 thế giới có thể đứng trước thách thức khi xảy ra cả hai cuộc khủng hoảng nêu trên diễn ra trên diện rộng

“Với cuộc khủng hoảng "kép" này, có khả năng nhiều quốc gia sẽ cần tới nhiều tháng để xử lý và thị trường ảm đạm có thể kéo dài tới năm 2024,” đại diện Vinatex dự báo.

Doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp quản trị, hợp lý hóa các quy trình sản xuất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù bối cảnh chung khó khăn, nhưng trong nửa đầu năm, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản vẫn có điểm sáng, trong đó kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái (sản lượng gạo xuất khẩu tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái); xuất khẩu rau quả tăng 64,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng vừa qua, cả nước có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8% tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Như vậy, với kết quả xuất khẩu đạt gần 165 tỷ USD đã giúp lĩnh vực này phục hồi 87,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 18,2% so với cùng kỳ do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thế giới giảm nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu giảm.

Thống kê cho thấy, nhập khẩu các mặt hàng chủ lực đều giảm như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 38,27 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 12,3%, đạt 19,7 tỷ USD; vải các loại giảm 19,2%, đạt 6,4 tỷ USD; thép các loại giảm 32,3%; xăng dầu các loại giảm 18,4%; cao su các loại giảm 41,2%; bông các loại giảm 21,5%; hóa chất giảm 24,2%; phân bón giảm 28,1%...... Đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện các loại tiếp tục giảm mạnh khi chỉ đạt 3,45 tỷ USD, giảm 66,5%.

Với kết quả như trên, trong 6 tháng, cả nước xuất siêu khoảng 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,16 tỷ USD), góp phần bảo đảm cán cân thanh toán, hỗ trợ công tác điều hành tỷ giá.

Theo đại diện Bộ Công Thương, dự báo tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi còn chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; khủng hoảng năng lương, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào còn tiếp diễn; căng thẳng chính trị, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài sẽ gây ra những ảnh hưởng hệ lụy nhất định tới tăng trưởng của các đối tác thương mại của Việt Nam.

Chính vì vậy, để tạo đà cho xuất khẩu những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo các đơn hàng mới, qua đó giúp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất cho cộng đồng doanh nghiệp.

Các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh nhằm kết nối doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cụ thể, lãnh đạo bộ yêu cầu các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA)… để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định.

Cùng với đó, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam thông qua công tác xúc tiến thương mại, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử…

“Tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Các tin khác