Nhiều khoản thu ngân sách chủ chốt đang đuối sức trong giai đoạn nước rút

(ĐTTCO)-Các khoản thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đang chật vật về đích khi thu tháng 9/2023 lần lượt giảm mạnh 37% và 48% so với bình quân 8 tháng...
Lũy kế 9 tháng tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán, giảm 8,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán, giảm 8,3% so với cùng kỳ.

Chiều 03/10, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị giao ban nhằm đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 9 và quý 3/2023; kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 10 và quý 4/2023.

Kinh tế quý 3 khởi sắc nhưng tiến độ thu ngân sách vẫn đáng ngại

Theo trên, lũy kế 9 tháng tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán, giảm 8,3% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 77,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 72,6% dự toán.

Đến nay mới chỉ có khoản thu từ dầu thô vượt 9,5% dự toán được giao, ước đạt khoảng 46 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn giảm 22,5% so cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, thu từ dầu thô trong tháng 9/2023 ước đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, bằng 13,3% dự toán, bằng 110,9% mức thu bình quân 8 tháng.

Đáng nói, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện trong tháng 9/2023 ước đạt 89,6 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% dự toán và chỉ bằng 63,2% so với mức thu bình quân 8 tháng đầu năm 2023, tương ứng giảm 52,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt 73,9 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% dự toán, bằng 62,9% mức thu bình quân 8 tháng.

Còn thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng, bằng 52% mức thu bình quân 8 tháng.

Thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, cho biết đến 30/9, thu ngân sách nhà nước của ngành hải quan đạt khoảng 286 nghìn tỷ đồng, đạt 63,2% dự toán.

Kết quả này tương ứng với tình hình sụt giảm kim ngạch xuất nhập nhẩu hàng hóa, đặc biệt là kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu có thuế. Tiếp tục chống thất thu trong lĩnh vực hải quan, phấn đấu đạt mục tiêu thu ngân sách nhà nước được giao, trong quý 3/2023, cơ quan hải quan đã chủ trì, phát hiện, phối hợp bắt giữ trên 4.000 vụ vi phạm pháp luật về hải quan, chủ yếu các hành vi vi phạm liên quan đến hàng cấm, ma túy.

Đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong triển khai nhiệm vụ được giao trong thời gian qua, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, chỉ rõ quý 3/2023, các chỉ tiêu cân đối vĩ mô được giữ ổn định; GDP quý 3/2023 khả quan. Tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước tháng 9/2023 chỉ đạt 5,5% dự toán, lũy kế 9 tháng 2023 chỉ đạt hơn 75% dự toán.

Con số này đặt ra thách thức trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước của ngành trong những tháng cuối năm, do đó, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị cần giữ vững tinh thần, trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao ở mức cao nhất.

Một số khoản thu gặp khó

Cũng theo Bộ Tài chính, trong số thu nội địa, không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu/chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 75,7% dự toán, tăng 0,7% so cùng kỳ.

Một số khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán và giảm so cùng kỳ, như thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 42,7% dự toán, giảm 26,6% so cùng kỳ. Các loại phí, lệ phí ước đạt 72,1% dự toán, giảm 11,8% so cùng kỳ. Các khoản thu về nhà đất ước đạt 55,5% dự toán, giảm 48,5% so cùng kỳ.

Riêng các khoản thu trực tiếp từ 3 khu vực sản xuất kinh doanh, chiếm 53,3% dự toán tổng số thu nội địa ước đạt 75,4% dự toán, tăng 5% so cùng kỳ. Riêng thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm gần 46,4% tổng số thu từ khu vực sản xuất kinh doanh đạt khá so dự toán và tăng 24,4% so cùng kỳ do doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ theo quy định. Nếu không tính loại thuế này thì số thu của 3 khu vực này chỉ bằng 92,5% cùng kỳ.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa 9 tháng đạt trên 76% dự toán; 11/63 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ, trong khi đó, có tới 52 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.

Gia hạn trên 100.000 tỷ, giảm 45.000 tỷ trong 9 tháng

Mặc dù nền kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, số thu ngân sách nhà nước có chiều hướng giảm so với cùng kỳ nhưng các chính sách miễn, giảm, giãn thuế và tiền thuê đất vẫn được Bộ Tài chính triển khai đồng bộ hỗ trợ đáng kể đối với doanh nghiệp và sự phát triển chung của nền kinh tế.

Theo đó, thứ nhất, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 15/5/2023. Tính từ thời điểm Nghị định có hiệu lực (21/6/2023) đến nay, ước tính số tiền thuế đề nghị được gia hạn là khoảng 6.064 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm, việc triển khai các chính sách gia hạn thời hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất đạt được những kết quả rất khả quan. Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn khoảng 102.939 tỷ đồng, trong đó, số tiền thuế còn được tiếp tục gia hạn là khoảng 63.258 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế

Thứ hai, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhận và tiền thuê đất theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023.

Tính từ thời điểm Nghị định có hiệu lực (14/4/2023) đến nay, số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn ước tính khoảng 96.875 tỷ đồng; trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất còn được gia hạn là khoảng 57.197 tỷ đồng.

Đối với các chính sách giảm thu, tổng số tiền thuế, phí giảm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2023 ước tính khoảng 45.353 tỷ đồng.

Trong đó, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã ban hành và có hiệu lực trong năm 2022 tác động làm giảm số thu ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ ước tính khoảng 9.192 tỷ đồng.

Cụ thể, thứ nhất, chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 áp dụng từ 01/02/2022 đến 31/12/2022.

Tuy nhiên, do độ trễ về thời hạn kê khai thuế nên làm giảm ngân sách nhà nước trong tháng 1 năm 2023 ước tính là khoảng 2.960 tỷ đồng.

Thứ hai, chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 từ ngày 11/07/2022 đến 31/12/2022 ước tính làm giảm ngân sách nhà nước tháng 1 năm 2023 là khoảng 6.232 tỷ đồng.

Đề ra nhiệm vụ cuối năm, lãnh đạo ngành tài chính đề nghị các đơn vị tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế giai đoạn cuối năm.

Với lĩnh vực thuế, lãnh đạo Bộ đề nghị các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ làm sạch dữ liệu mã số thuế, trước hết ở Cục Thuế TP. Hà Nội trước khi triển khai trên cả nước. Về công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, mặc dù tiến độ hoàn thuế tốt hơn song cơ quan thuế cần khẩn trương, nhanh chóng hoàn thuế nhưng phải đúng quy định của pháp luật, tránh rủi ro trong hoàn thuế.

Về quản lý giá cả thị trường, Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý giá theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt hàng quan trọng, chiến lược, thiết yếu như điện, xăng dầu…, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu các giải pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, chủ động tham mưu, đảm bảo tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Giá sửa đổi và các nhiệm vụ về thẩm định giá.

Về thị trường tài chính, Thứ trưởng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng tăng cường công tác quản lý, giám sát, đảm bảo phát triển an toàn, bền vững, minh bạch thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tín hiệu ấm lại trong hai tháng trở lại đây song cần tiếp tục theo dõi sát, cập nhật tình hình để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Đối với thị trường bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng, đảm bảo phát triển an toàn thị trường…

Các tin khác