2011 là một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế và ngành ngân hàng. Trong bối cảnh ấy, nhận rõ điểm mạnh - yếu của chính mình, rút ra bài học kinh nghiệm và có dự báo tốt sẽ tạo cơ hội để các ngân hàng thương mại có bước tiến vững vàng hơn. Tiễn năm cũ, chào năm mới, phóng viên ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN ĐỨC HƯỞNG (ảnh), Phó Chủ tịch thường trực HĐQT NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) xoay quanh các "điểm nóng" của ngành ngân hàng.
PHÓNG VIÊN: - Thị trường ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2011 có nhiều diễn biến mới. Từ góc độ ngân hàng thương mại, ông nhìn nhận về vấn đề này thế nào?
![]() |
- TS. NGUYỄN ĐỨC HƯỞNG: - Về điều hành chính sách, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, nâng cao tính kỷ luật trong hệ thống. Bên cạnh đó, công tác thanh tra giám sát cũng được triển khai mạnh mẽ hơn. Trần lãi suất huy động 14%/năm tiếp tục được giữ vững và tăng thêm tính hiệu lực.
Tuy nhiên, NHNN không khống chế lãi suất đầu ra nên các ngân hàng cho vay với nhau lãi suất rất cao, làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, tác động phần nào đến lạm phát. Nhưng cũng có mặt được là ai "ở liều thì khó gặp lành".
Nghĩa là doanh nghiệp chấp nhận vay với bất cứ giá nào để tồn tại, nhưng thực tế khi vay với lãi suất quá cao đã không thể trụ được. Qua đó có thể thấy rõ "sức khỏe" doanh nghiệp ra sao. Ngược lại, ngân hàng nào ham cho vay với lãi suất quá cao cũng rơi vào tình cảnh lao đao. Đây là cơ hội để sàng lọc cả bên vay và bên cho vay.
- Thực tế vừa qua lãi suất cho vay cao là điều khó tránh khỏi. Trong tình thế đó, theo ông phải hành xử ra sao?
- Các ngân hàng có tầm nhìn xa vẫn phải lo cho khách hàng của mình, giúp họ trong giai đoạn khó khăn. Nghĩa là qua quá trình sàng lọc, đối với doanh nghiệp tốt ngân hàng vẫn đáp ứng vốn với lãi suất thấp.
Ngân hàng phải chấp nhận mức lợi nhuận vừa phải, chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp trong tình thế khó khăn mới đạt hiệu quả lâu dài, mới giữ được khách hàng.
Ngược lại, phía doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn cũng không nên trông chờ quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng, mà phải tận dụng thời cơ để cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
- Một trong những điểm nhấn mới gần đây là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ông nhận định thế nào về chủ trương này?
- Có một thời gian ít ai dám nói ra điều này, nhưng sau đó nói ra và làm luôn, đem lại kết quả khá tốt. Theo tôi, quá trình này nếu làm chậm sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý người gửi tiền và ngân hàng.
Nay hệ thống ngân hàng đã bắt đầu tiến hành tái cơ cấu và quyền lợi người gửi tiền vẫn được bảo đảm, không chỉ qua tuyên truyền mà bằng hành động thực tế. Sắp tới, theo tôi vấn đề này cần tiếp tục được đẩy nhanh.
- Từng thực hiện thành công thương vụ sáp nhập "khủng" với hệ thống tiết kiệm bưu điện để trở thành ngân hàng bưu điện đầu tiên ở Việt Nam, hẳn LienVietPostBank hiểu rõ sự khó khăn khi tiến hành M&A trong lĩnh vực tài chính. Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?
- Tôi nghĩ điều quan trọng là mỗi ngân hàng cần xác định được mục tiêu trong từng thời điểm. Phải cân đối giữa mục tiêu phát triển lâu dài và yêu cầu giải quyết khó khăn trước mắt.
Có thời điểm, mục tiêu phát triển lâu dài lớn hơn, nhưng cũng có lúc yêu cầu giải quyết khó khăn trước mắt lại lớn hơn. Bài học chúng tôi rút ra được là phải biết mình là ai, đi đường nào nhanh nhất để bước tới tương lai tốt hơn.
M&A trong hệ thống ngân hàng đòi hỏi vấn đề này rất rõ ràng, bởi nó liên quan đến quyền lợi các bên. Khi tiến hành sáp nhập hay hợp nhất các ngân hàng, phải xác định điều kiện để các bên cùng có lợi. Nếu ai cũng muốn giành quyền lợi lớn hơn về mình sẽ khó thành công.
- Trong quá trình tái cơ cấu, ngân hàng nào hoạt động yếu kém sẽ bị đào thải. Nhưng nếu sáp nhập hay hợp nhất các ngân hàng yếu với nhau, sẽ chỉ đưa ra mẫu số là một ngân hàng yếu lớn hơn?
- Không hẳn như vậy. Tôi nghĩ có 2 trường hợp xảy ra. Trong thực tế có ngân hàng mạnh mảng này nhưng yếu mảng kia. Ngân hàng này mạnh về nguồn vốn nhưng lại không cho vay ra được; trong khi ngân hàng khác cho vay tốt nhưng lại không huy động được.
Có ngân hàng mạnh về dịch vụ nhưng yếu về mạng lưới và ngược lại. Các ngân hàng có điểm yếu ở các mảng khác nhau, khi hợp nhất sẽ bổ trợ cho nhau để trở thành ngân hàng mạnh. Những ngân hàng yếu giống nhau, yếu toàn diện khi kết hợp với nhau sẽ khó tồn tại được.
Trường hợp đó, cần có một ngân hàng thực sự lớn mạnh đứng phía sau chống đỡ lúc khó khăn, hoặc phải cần NHNN hỗ trợ, tái cấp vốn.
- Năm 2011, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và ngành ngân hàng cũng bị tác động rất lớn. Ông đánh giá thế nào về cái được - cái mất và những điều cần rút ra từ góc độ các ngân hàng thương mại?
- Với hệ thống ngân hàng, qua khó khăn mới thấy "cái mất" đang lộ ra rất nhiều. Nay là vụ việc của ngân hàng này, mai là vụ của ngân hàng kia. Trong từng ngân hàng thì nay chi nhánh này có vấn đề, mai chi nhánh khác có vấn đề.
Điều đó cho thấy quản trị trong hệ thống ngân hàng thương mại có nhiều lỗ hổng. Bài học rất lớn đối với các ngân hàng là chuẩn mực hoạt động, cần phải có mức độ cảnh báo với từng hệ số trong quản trị. Thí dụ tín dụng mức nào, nguồn vốn thế nào, thanh khoản ra sao...
Phải thiết lập cả "đèn xanh", "đèn đỏ", "đèn vàng". Nhưng hiện nay đa số ngân hàng thương mại nước ta chưa thiết lập được hệ thống cảnh báo tự động như vậy để phòng ngừa rủi ro tốt hơn.
Vì thế, nhiều trường hợp khi có nguồn vốn, lãi suất cao thì cho vay ồ ạt; đến lúc hoàn thành chỉ tiêu lại gặp vấn đề về thanh khoản, chất lượng tín dụng, kéo theo nhiều khó khăn khác. Nhưng cũng phải thấy hệ thống ngân hàng có nhiều mặt được.
Đa số ngân hàng đều nhanh nhạy, nỗ lực gia tăng sức cạnh tranh và điều đó mang lại nhiều lợi ích, thuận lợi cho khách hàng và cả nền kinh tế. Thực tế năm 2011 mang lại nhiều bài học, sẽ khiến các ngân hàng phải phát triển bài bản hơn.
- Thực tế từ khi thành lập (năm 2008), LienVietPostBank đã biết tận dụng khủng hoảng để thu được kết quả kinh doanh khá tốt. Triết lý "trong nguy có cơ" có tiếp tục được LienVietPostBank áp dụng, thưa ông?
- Một đặc điểm của LienVietPostBank là đứng trước mỗi giai đoạn đều có phân tích dự báo và hầu như thực tế cũng diễn ra như chúng tôi dự báo. Năm 2011 LienVietPostBank đạt tổng tài sản 60.000 tỷ đồng, trong khi dư nợ tín dụng chỉ khoảng trên 10.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh kinh tế lạm phát, LienVietPostBank đã chủ động chuyển mạnh sang phát triển dịch vụ, đầu tư... thay vì tập trung vào tín dụng. Thực tế năm qua nếu ngân hàng nào tập trung quá mạnh vào tín dụng, khi không thu hồi được vốn thanh khoản sẽ bị ảnh hưởng.
Lúc đó, phải đi vay với giá rất cao để bù đắp, có lúc phải "mua đắt, bán rẻ". Điều này chắc chắn ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hoạt động, nhất là lợi nhuận. Một kinh nghiệm khác chúng tôi học được qua khó khăn, khủng hoảng là: Nếu huy động vốn nhiều ở thành thị, của người giàu, khi có biến cố họ sẽ rút tiền hàng loạt, thanh khoản sẽ bị ảnh hưởng ngay.
Nhưng nếu huy động vốn ở khu vực nông thôn, của người nghèo, thì nguồn vốn lại rất ổn định, tăng trưởng lâu dài bền vững, kể cả khi kinh tế khó khăn. Vì thế, tỷ trọng huy động vốn từ dân cư ở nông thôn càng nhiều, quản lý thanh khoản càng tốt.
Tôi cho rằng 2012 sẽ là năm đỉnh điểm của khó khăn. Vì thế, chúng tôi xác định đây vẫn là thời gian để ngân hàng tiếp tục cơ cấu hoạt động theo hướng hiệu quả hơn, đi từng bước an toàn, phòng ngừa tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Nhưng như đã nói, trong kinh doanh ngân hàng phải biết "trong nguy có cơ", phải biết "sợ rủi ro, quản trị rủi ro để bước tới" mới có thể thành công.
- Xin cảm ơn ông.