Nhớ xuân chiến khu

Một mảng rừng, bên đống lửa của rừng Lò Gò - Xa Mát ở Tây Ninh, nơi trước đây từng là căn cứ địa của Ban Tuyên huấn trung ương Cục, một đêm giáp tết. Với bình trà pha bằng bình toong và ca inox đúng như lúc còn ở rừng trước đây, những câu chuyện kể bắt đầu.

Một mảng rừng, bên đống lửa của rừng Lò Gò - Xa Mát ở Tây Ninh, nơi trước đây từng là căn cứ địa của Ban Tuyên huấn trung ương Cục, một đêm giáp tết. Với bình trà pha bằng bình toong và ca inox đúng như lúc còn ở rừng trước đây, những câu chuyện kể bắt đầu.

1. Ở rừng ngày xưa có trà uống là quý lắm, bất kể trà gì. Đêm trên rừng miền Đông, trời lạnh thấu xương. Chưa kể những cơn sốt rét rừng hành hạ, nỗi hiểm nguy vì bom đạn giặc luôn kề cận, vậy mà nghe nhà bên kia rao “có trà Sài Gòn nghen, trà Con Cua nhen” là cả dãy tập thể nhộn nhịp...

Trong rừng có cách pha trà rất đặc biệt bằng bình toong và ca inox. Mỗi cơ quan đều có một vài “chuyên gia” pha trà rất điệu nghệ...

Đêm giao thừa ở chiến khu, cả đám ngồi quây quần bên nhau, trời lạnh, ai nấy co ro trong chiếc tấm đắp bằng vải dù hay đung đưa trên chiếc võng, đón đợi giờ khắc năm mới sẽ tới, chờ nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết.

Thông thường đến tết 2 bên ngừng bắn nên không khí trong chiến khu bình yên hơn. Các cơ quan đều có bộ phận hậu cần, lo mua thực phẩm để liên hoan 3 ngày tết. Các chị thì làm bông giấy trang hoàng cơ quan, làm bánh mứt, thức ăn tươi hơn ngày thường...

Và sau tết cơ quan thường tổ chức học tập thơ Bác Hồ, coi như đây là nghị quyết. Thơ Bác lại rất dễ hiểu, dễ thuộc...

 Các chiến sĩ thuộc Trung ương cục miền Nam trở lại chiến khu Tây Ninh.

Các chiến sĩ thuộc Trung ương cục miền Nam trở lại chiến khu Tây Ninh. 

Kể từ mùa xuân năm 1946, khi đất nước giành được độc lập, cho đến năm 1969, Bác đã viết thơ chúc tết để cổ vũ đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục hăng say đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước - như đoạn thơ chúc tết năm 1964: “vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân”.

Qua những thơ chúc tết của Bác Hồ chúng ta còn biết và hiểu thêm từng giai đoạn lịch sử mà các bài viết của Bác đã khái quát, như cách tổng kết công việc năm cũ, đề ra công việc của năm mới.

Và thâm trầm trong những dòng thơ đó có cả tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ và cả những trăn trở của Bác với dân tộc. Những dòng thơ của Bác còn như khẩu lệnh tiến công.

Ở chiến khu R, đường rừng quanh co, ngược xuôi như trận đồ bát quái. Những anh em ở đồng bằng đến xứ R cứ bị lạc. Chỉ có các anh chị em giao liên không hề quên bất cứ con đường mòn nào, kể cả những con đường phủ lá khô rậm rạp, không có dấu chân người.

Thời kỳ đầu chỉ có đi bộ, thời gian sau có xe đạp, càng gần kề những năm sắp giải phóng, người ở cứ còn được phóng xe Honda.

Nhà văn nữ Ba Lan Monica Varneska viết hồi ký khi thăm R có kể điều thú vị của bà là được ngồi sau xe đạp để anh giao liên ốm nhách cao nhòng đội mũ tai bèo vai quàng súng AK chở chạy khắp nơi trong rừng già. Nhà báo Australia Wilfred Burchett, nhà văn Pháp Madeleine Riffaud cũng có những cảm nghĩ như vậy. 

Ở vùng ít người biết nghề xây dựng nhưng cũng làm được những căn nhà chắc chắn, đẹp đẽ để ở. Không biết ai dạy mà ai cũng biết đánh tranh, chằm lá trung quân để lợp nhà. Rồi đào hầm trú ẩn, từ hầm ếch sau cải tiến thành hình chữ chi, chữ hát để chống dập vùi của bom đạn.

2. Nhà văn Lê Văn Thảo, đạo diễn Lê Văn Duy, bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh... đã từng tham gia các đợt tổng tấn công kể lại: Có lệnh gọi chúng tôi đi chiến dịch, đó là chuyện thường tình, nhưng lần này lệnh đi, dù là hết sức bí mật, nhưng cảm giác chúng tôi cũng đoán biết là chiến dịch này có thể giành thắng lợi cuối cùng.

Anh em chúng tôi tổ chức thành tiểu đội, nhập vào một đoàn quân, gọi là một đoàn người cũng được, bởi vì có rất nhiều anh chị em không phải là lính chiến đấu mà là cán bộ nhiều ngành nghề khác nhau: y tế, tuyên truyền, tuyên huấn...

Và cũng không thể nào hình dung đoàn người là bao nhiêu, kéo dài dằng dặc theo bờ kinh Bo Bo. Và xuồng nối theo xuồng, dài dặc dưới dòng kênh, đó là con đường ''độc đạo'' từ Mỏ Vẹt đâm thẳng đến Sài Gòn.

 Bác vẫn mong muốn vào miền Nam. Thư Bác viết cho đồng chí Lê Duẩn ngày 10-3-1968 có đoạn ghi: “Những thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khỏe tiến bộ mau hơn.

Lịch trình đi thăm - Cần mươi ngày để chuẩn bị. Vượt biển độ 6 ngày. Từ bến tàu đến địa điểm độ dăm hôm. Vậy nhờ chú tính ngày cho khớp, 1 mặt cho Bác biết trước để chuẩn bị, 1 mặt cho anh em trõng biết để chờ đón. Để đảm bảo thật bí mật, chú chỉ nên bàn việc này với 1 số ít đồng chí trong BCT. Mong chờ chú trả lời”.

Người đã kiên trì luyện tập sức khỏe hàng ngày để chuẩn bị cho chuyến đi thăm miền Nam khi có điều kiện, bất chấp đường bộ hay đường biển. Tết năm 1970, chúng tôi không còn được nghe giọng của Người đọc thơ chúc tết.

Bác Hồ mất đi là nỗi đau thương vô bờ bến và chúng tôi sẽ không còn được nỗi mong ước gặp Bác Hồ. Những hình ảnh về Lễ tang Bác ở miền Nam của các cơ quan Trung ương cục đã phần nào nói lên tình cảm thiết tha, sâu lắng của Bác với miền Nam. Bác mất nhưng khi tết đến, vào đêm giao thừa, chúng tôi vẫn cứ mong đón nghe thơ Bác như mọi lần...

3. Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra với chiến công vang dội, đã thống nhất đất nước, non sông. Nay một mùa xuân lại về trên những cánh rừng miền Đông. Gió đưa tiếng cây lá rừng xào xạc.

Để nhớ những đêm xuân ở chiến khu, những người đồng đội cũ, học trò của của cô giáo Dương Lệ Chi - Việt Hùng, Ánh Minh, Thanh Bình... cùng ngồi ôn lại sự hy sinh dũng cảm của một cô giáo xinh đẹp, hát hay; nhắc lại những kỷ niệm khi trường Nguyễn Văn Trỗi tổ chức đi tìm hài cốt của cô cùng những người đã hy sinh đêm 10-5-1970.

Đêm ở chiến khu, nghe ca sĩ Hoàng Dũng năm xưa ở đoàn văn công Giải Phóng hát, mới biết anh vẫn giữ giọng hát khỏe, âm vang như ngày nào, khi anh bắt nhịp cho mọi người cùng hát những bài ca truyền thống, như “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Giờ hành động”, “Sài Gòn quật khởi”..., những bài hát rất hay dù trải qua bao năm tháng.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - người chúng tôi vẫn gọi vui là đại úy với tài đánh muỗng 40 năm trước, cùng ba của anh là ông Nguyễn Hữu Nghiệp với cây đàn măng đô lin đã khuấy động cả một góc rừng với những bài hát thời kháng chiến. Anh đã giúp tái hiện những cảnh sinh hoạt ở rừng mà mọi người dường như vẫn thấy như mới hôm qua.

Còn các bạn của tôi ở trường Nguyễn Văn Trỗi, thuộc Trung ương cục miền Nam, trẻ thì cũng hơn năm mươi, lớn thì cũng sáu mươi rồi. Sức khỏe không còn như xưa nhưng ai cũng hăng hái về lại chốn xưa, vào rừng để sống lại, nhắc nhớ chuyện những năm tháng cũ - khoảng thời gian tươi trẻ, sôi động nhất trong đời mình.                  

Những cảm xúc trải dài, những câu chuyện trải dài. Không ai ngủ được. Và cứ thế, đêm dường như ngắn lại. Nửa đêm ở chiến khu. Tưởng như ngày xưa, mong đợi nghe thơ chúc tết của Người. Một bạn mở máy phát lại giọng thân thương Người đọc những dòng thơ chúc tết ngày ấy...

Mọi người đã khóc. Và chúng tôi đã thực hiện bộ phim tài liệu  về những đêm ở chiến khu chờ nghe thơ chúc tết của Bác Hồ như vậy đó.

TPHCM, tháng 12-2011

Các tin khác